SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Ngành Công thương TPHCM: Nhiều tín hiệu lạc quan

09:38, 08/04/2013
Dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành công thương TPHCM vẫn duy trì được giá trị sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại với mức tăng trưởng khá. Ở một số lĩnh vực, các doanh nghiệp (DN) đã ký kết đơn hàng sản xuất đến cuối năm. Bên cạnh đó, nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh của chính quyền địa phương đang mở ra nhiều tín hiệu lạc quan nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Duy trì tăng trưởng

Số liệu mới nhất của Cục Thống kế TPHCM cho thấy, quý 1-2013, sản xuất công nghiệp TP tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2012 (quý 1-2012 tăng 2,7%); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,5%. Riêng tháng 3, chỉ số sản xuất công nghiệp TP  tăng 39,1% so với tháng 2 và tăng 9,5% so với tháng cùng kỳ năm 2012 (tháng 3-2012 tăng 8,9%). Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến (lĩnh vực chủ yếu của công nghiệp thành phố) tăng 39,9% so với tháng trước và tăng 9,6% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, quy mô sản xuất công nghiệp TP trong quý 1 tiếp tục được mở rộng, có dấu hiệu khởi sắc với tốc độ tăng trưởng tăng khá so với cùng kỳ. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ các năm 2011 về trước, tốc độ tăng trưởng đạt được khá thấp do tình hình thị trường, kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn.

Ngoài ra, hoạt động DN hiện vẫn còn có những khó khăn thách thức do chi phí đầu vào (điện, nước, xăng dầu, tiền lương…) có xu hướng tăng nhưng giá đầu ra không tăng mà DN vẫn phải chấp nhận để duy trì hoạt động. Phần lớn DN nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn về thị trường, thu hút lao động, khoảng 20% DN gặp khó khăn về tiếp cận vốn vay, lãi suất.

Tương tự, ở lĩnh vực thương mại, do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, sức mua của người dân phần lớn chỉ tập trung vào những loại hàng hóa thiết yếu hàng ngày với các khoản chi tiêu tiết kiệm hơn đã tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các DN, lượng hàng hóa bán ra tăng không cao so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng qua ước đạt 45.017 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2012. Riêng doanh thu thương nghiệp đạt 35.622 tỷ đồng; tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; chiếm 79,1% doanh thu thương mại - dịch vụ trên địa bàn. Tính chung quý 1-2013, doanh thu hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn ước đạt 141.043 tỷ đồng; tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2012. Riêng CPI thành phố tháng 3-2013 giảm 0,29%; tiếp tục được kiềm chế ở mức thấp (tháng 1-2013 tăng 0,44%; tháng 2-2013 tăng 1,0%).

Đối với tổng kim ngạnh xuất nhập khẩu hàng hóa quý 1 (không tính dầu thô) dự ước đạt 9.903,6 triệu USD ; giảm 851,4 triệu USD so với quý 1-2012. Trong đó, hàng xuất khẩu chiếm 47,0% và hàng nhập khẩu chiếm 53,0%. Đáng chú ý, trong thời gian tới một số ngành có đơn hàng xuất khẩu ổn định như nhiều DN ngành dệt may đã có đơn hàng đến quý 2-2013; ngành chế biến gỗ có khoảng 30 doanh nghiệp chế biến gỗ lớn đã có hợp đồng đến hết năm 2013. Hay ngành da - giày, đơn hàng xuất khẩu tương đối khá, khoảng 80% DN đã có đơn hàng đến tháng 6-2013, lao động tương đối ổn định. Tuy nhiên, nhìn chung DN xuất khẩu thành phố hiện vẫn còn có những khó khăn, ngoài thách thức do chi phí đầu vào có xu hướng tăng cao, trong khi giá đầu ra không tăng nhưng DN vẫn phải chấp nhận để duy trì hoạt động. Ngoài ra, DN gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường tiêu thụ; cạnh tranh ngày càng gây gắt giữa các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan…

Phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp

Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Văn Lai cho biết, nhằm hỗ trợ DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thời gian qua Sở Công thương đã phối hợp cùng các sở ngành, UBND quận, huyện thường xuyên tổ chức gặp mặt, tiếp xúc nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, cơ chế, chính sách cho DN. Đến nay đã tổ chức 3 buổi gặp gỡ, tiếp xúc, thu hút hơn 200 DN tham dự và thảo luận. Bên cạnh đó, Sở Công thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, UBND 24 quận huyện và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) triển khai chương trình kết nối hỗ trợ nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi cho các DN tham gia bình ổn thị trường và các hộ cá thể, tiểu thương kinh doanh hàng hóa. Theo chương trình, Sacombank dành 1.000 tỷ đồng cho các DN bình ổn, hộ sản xuất – kinh doanh và tiểu thương vay với lãi suất ưu đãi (10%/năm cho 3 tháng đầu và không quá 14%/cho thời gian tiếp theo).

Tại UBND quận 8, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, 8 ngân hàng thương mại đã dành 365 tỷ đồng cho vay ưu đãi 32 DN và 10 hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận 8 với lãi suất từ 11%-12%/năm. Ngoài ra, các chương trình bình ổn thị trường cũng nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của người tiêu dùng, với lượng hàng hóa tham gia cung ứng dồi dào, phong phú, tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt thị trường, chất lượng đảm bảo và giá cả bán theo đúng giá đã đăng ký, mạng lưới phân phối rộng khắp. Các DN bình ổn tăng cường bán hàng lưu động tại các vùng sâu, xa, ngoại thành, các khu chế xuất - công nghiệp đã đóng góp một phần giải quyết an sinh xã hội cho người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Lai, hiện nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất nhưng vẫn còn cao, các khoản vay chủ yếu có lãi suất 13%-15%, nên tạo áp lực cho DN trong việc hạ chi phí đầu vào, đặc biệt các DN nhỏ và vừa có sức cạnh tranh kém trên thị trường. Do đó, giải pháp trong thời gian tới là các ngành chức năng tiếp tục phối hợp với nhau để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN, qua đó giới thiệu các cơ chế, chính sách của Nhà nước và có biện pháp hỗ trợ DN nâng cao năng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thượng hiệu, mở rộng thị trường, liên kết hợp tác đầu tư.

 

 
 

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,3%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 10,9%.

Tính chung, quý 1-2013, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%; sản xuất và phân phối điện  tăng 8,5%... Những ngành có chỉ số tồn kho cao so với cùng thời điểm năm trước gồm: sản xuất xe có động cơ tăng 37,3%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 28,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 16,5%... Một số ngành có chỉ số tồn kho thấp hoặc giảm là: dệt tăng 11,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 2%; sản xuất đồ uống giảm 9,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học giảm 31,5%.

 
 

 


 

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Hôm nay (ngày 25/4), giá xăng trong nước đã được Bộ Công Thương - Bộ Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, làm giảm giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 4 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 4 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.