SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Nón lá sen: Kết tinh của tư duy sáng tạo

11:04, 19/01/2023
Với mong muốn phát huy hình ảnh nón Huế, anh Nguyễn Thanh Thảo (34 tuổi, trú tại phường Hương Sơ, TP Huế) đã sáng tạo ra chiếc nón làm từ lá sen độc đáo, giàu giá trị nghệ thuật.

Nếu nón bài thơ khiến nhiều người thích thú vì chỉ cần soi chiếu dưới ánh sáng sẽ thấy hiện lên những hình ảnh mang đậm nét văn hóa xứ Huế thì nón lá sen lại được biến tấu độc đáo từ "quốc hoa".

Chiếc nón làm nên thương hiệu “sen Thảo”

Họa sỹ Nguyễn Thanh Thảo là người đã lên ý tưởng, sáng tạo ra những chiếc nón làm từ lá sen vô cũng thẩm mỹ và độc đáo. Năm 2014 sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Huế, anh Thảo hoạt động nghệ thuật ở mảng tranh với chất liệu chính là sen.

Xuất phát từ tình yêu đối với loài sen, sự say mê đối với vẻ đẹp thanh tao của nó, anh Thảo nảy ra suy nghĩ và làm rất nhiều sản phẩm từ sen. Sau nhiều lần thử nghiệm, kết hợp tính ứng dụng của nhiều sản phẩm với sen thì nón lá làm từ sen chính là thành công lớn nhất đối với anh Thảo.

Nón lá sen chính là sản phẩm biến tấu độc đáo, giàu giá trị văn hóa. “Hoa sen – quốc hoa của Việt Nam và chiếc nón lá cũng là một biểu tượng văn hóa của nước ta. Nón lá sen chính là sự tiếp nối cái hồn xưa của dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh con người Việt Nam”, anh Thảo chia sẻ.

72142346e83631686827

Nón lá sen là sản phẩm tâm huyết của hoạ sỹ Nguyễn Thanh Thảo. 

Phải mất gần 2 năm anh Thảo mới thành công làm ra chiếc nón lá sen đầu tiên. “Đúng 11 giờ ngày 26/7/2017 lần đầu tiên tôi được cầm chiếc nón lá sen trên tay, cảm xúc như dâng trào, vỡ òa vì “đứa con” của mình “thai nghén” thời gian dài cuối cùng đã thành hình. Lúc đó, tôi thấy mình như trúng số vậy”, anh Thảo nhớ lại.

Để làm ra một chiếc nón lá sen mất rất nhiều công sức và gian nan, bao gồm khâu thu hoạch, ngâm lá, xử lý lá, khôi phục màu lá,... Nhằm giữ lại màu nguyên thủy, lá sen sau xử lý sẽ được nhuộm bằng màu thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường.

Điểm mấu chốt của nón lá sen chính là khâu xử lý lá. Lá sen khi già sẽ khô, giòn, để giữ lại độ bền và màu sắc cho lá là cả một quá trình gian nan. Để đạt tiêu chuẩn, lá sen phải mềm mại, giữ được các đường vân lá sau khi xử lý.

Theo anh Thảo, ngoài các công đoạn làm nón phức tạp, việc có đủ nguyên liệu để làm nón cũng là một trở ngại rất lớn. Nếu chờ búp sen già, thu hoạch được hạt thì lúc đó lá sen sẽ khô, nhiều sâu bệnh. Do đó để đảm bảo chất lượng, lá phải được thu hoạch khi sen trong thời kì cho hoa. Muốn như vậy, phải kiếm được nguồn tiêu thụ hoa cho nông dân mới có thể thu hoạch lá sen.

“Lá sen đẹp nhất vào mùa hoa nở rộ, tầm tháng 4 - 5 âm lịch. Tuy nhiên, việc thu mua lá sen gặp nhiều khó khăn, nếu muốn mua lá sen vào mùa đẹp nhất phải chấp nhận mua với giá cao hoặc phải tìm được người kết hợp mua hoa, có như vậy mới tìm được nguồn nguyên liệu đẹp. Có thời điểm giá lá sen tới 7 ngàn đồng/lá”, anh Thảo cho biết.

6005eea02bd0f28eabc1

Những chiếc nón làm từ chất liệu lá sen độc đáo, thân thiện với môi trường.

Trung bình 1 tháng, cơ sở sản xuất của anh Thảo cho ra 1.200 chiếc nón lá sen với giá từ 300 - 400 ngàn đồng/chiếc, thu về lợi nhuận ổn định. Trở thành một biểu tượng của Cố đô Huế, nón lá sen đã đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế như: Giải nhất cuộc thi đổi mới sáng tạo năm 2018, giải nhất hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020,...

Từ sản phẩm sáng tạo thành tinh hoa làng nghề

Nón lá sen được vẽ họa tiết chính là phụ kiện mới lạ cho những bộ hình áo dài đậm chất Huế. Màu xanh của lá sen nhẹ nhàng, hài hòa có thể dễ dàng phối cùng các loại áo dài. Không những thế, dưới ánh mặt trời, nón lá sen màu càng xanh tươi, bắt mắt.

“Nhiều làng nghề nón lá ở Huế đang đứng trước nguy cơ bị mai một, hầu như chỉ những người lớn tuổi muốn giữ lại nghề và tận dụng thời gian rảnh rỗi. Thách thức từ thị trường, nhu cầu kinh tế đòi hỏi phải có sự thay đổi trong tư duy làm nghề. Trước mắt là đa dạng tính ứng dụng cho sản phẩm”, anh Thảo cho hay.

Mỗi chiếc nón không những là một tác phẩm nghệ thuật mà còn ẩn chứa những câu chuyện văn hóa độc đáo. Gắn câu chuyện văn hóa với sản phẩm chính là điều khiến chiếc nón “sen Thảo” trở nên khác biệt: “Hình ảnh trên nón luôn có tính liên kết để kể về một câu chuyện nào đó. Màu sắc cũng vậy, có những chiếc nón được tái tạo theo màu cờ của Phật Giáo với gam màu xanh, trắng, vàng, đỏ, cam”.

dcdf06e6c19618c84187

Kết hợp nhiều sản phẩm thủ công với sen giúp anh Thảo thu hút khách hàng.

Việc đưa nón trở thành một biểu tượng văn hóa cũng chính là giải pháp để anh Thảo thu hút các tệp khách hàng mình hướng đến.

Đặc biệt, không những tạo ra sản phẩm đặc trưng cho nón Huế, sự xuất hiện của nón lá sen còn góp phần khôi phúc làng nghề nón truyền thống Đốc Sơ – một làng nghề làm nón có tuổi đời hàng trăm năm, thuộc phường An Hòa, TP Huế. Sự kết hợp giữa xưởng nón lá sen của anh Thảo và làng nghề đã giúp cho hơn 20 thợ chằm nón tại đây có công ăn việc làm.

Hiện tại, bên cạnh việc làm nón lá sen, anh Thảo còn sáng tạo ra các sản phẩm thủ công làm từ sen phục vụ nhu cầu của thị trường như tranh làm bằng chất liệu sen, túi xách, quạt tay, bàn, khay đựng nước, che nắng ô tô,... Hơn 120 sản phẩm làm từ sen, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, cũng là nguồn trợ giúp kinh tế để anh Thảo nuôi dưỡng sản phẩm nón “sen Thảo”.

Trong tương lai, anh Thảo mong muốn sẽ có đủ điều kiện để xây dựng một khu trải nghiệm du lịch, trưng bày các sản phẩm làm từ sen. Du khách có thể tận mắt chứng kiến cũng như thực hiện một số công đoạn làm sản phẩm.

Sắp tới, tại kì Festival Huế 2023, anh Thảo dự kiến cho ra mắt mô hình nón lá sen sắp đặt với đường kính 5m, để khách tham quan, check-in, đây sẽ là mô hình nón lá sẽ lớn nhất từ trước đến giờ.

Thanh Thùy – Phan Hòa

Tin khác

Tài sản trí tuệ 3 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, Đội Quản lý thị trường số 5 Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương phối hợp với Đội 3 Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an huyện Ninh Giang và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương tổ chức giám sát việc tiêu hủy 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 5 giờ trước
(SHTT) - Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore đã thông báo thu hồi một số thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam gồm nem cuốn hải sản Li Chuan (750g), dimsum tôm Bibigo Mandu (350g) và Mini Mandu.
Tài sản trí tuệ 5 giờ trước
(SHTT) - Ngày 24/4/2024, Đội QLTT số 1, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh chủ trì phối hợp với lực lượng Hải quan, Công an kiểm tra, bắt giữ 10.250 con vịt giống (khoảng 2-4 ngày tuổi) không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở mang tên “LuxCell - Ứng dụng liệu pháp tế bào gốc trong y học tái tạo” ngang nhiên quảng cáo và hành nghề trái phép trong lĩnh vực khám, chữa bệnh và tàng trữ nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc tại địa chỉ số 186 – 186A Cách Mạng Tháng Tám, Phường 10, Quận 3.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở kinh doanh tắm hơi, massage nhưng lại treo bảng hiệu Cheongdam - Dong cùng với các dòng chữ tiếng Hàn Quốc ngang nhiên quảng cáo là “phòng khám điều trị suy giãn tĩnh mạch thuộc top 1 châu Âu”.