SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 20/09/2024
  • Click để copy

Làng nghề nón bài thơ xứ Huế 'hấp hối' vì lỗi thời

09:17, 17/01/2023
Hình thành từ những năm 1960 tại làng Tây Hồ (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), nón bài thơ đã trở thành một biểu tượng của văn hóa, con người xứ Huế. Nhưng với sự cạnh tranh của thị trường, làng nghề này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Cách trung tâm TP Huế khoảng 12km về hướng Đông Nam, làng Tây Hồ (xã Phú Hồ) là một trong những cái nôi sản sinh ra chiếc nón bài thơ, đó là điều mà người dân Tây Hồ luôn tự hào mỗi khi nhắc đến. Nón bài thơ là một loại nón lá đặc biệt ở xứ Huế, được tạo hình khéo léo, sự kết hợp hình ảnh hoa văn về chùa Thiên Mụ, sông Hương,... khiến du khách phải thương nhớ.

Từng một thời cả làng làm nghề

Nghề làm nón lá nổi tiếng ở Huế từ lâu nhưng làm nón bài thơ thì chỉ khoảng từ sau năm 1960 khi ông Dương Đức Bặt - một nghệ nhân chằm nón lá, cũng là một người yêu thơ phú trong làng - đã có sáng kiến làm nên nón bài thơ bằng cách ép những câu thơ vào giữa hai lớp lá, tôn vinh thêm vẻ đẹp của chiếc nón. Chiếc nón bài thơ đã đưa danh tiếng làng nón đi khắp đất nước, tạo ra một thời kì thịnh vượng cho nghề làm nón.

d34a6082f8f221ac78e3

 Người dân xã Phú Hồ trước đây chủ yếu chằm nón để sinh sống.

Bà Dương Thị Nga - 60 tuổi (trú thôn Tây Hồ, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang) - đã có hơn 40 năm chằm nón bài thơ nhớ lại: “Khoảng những năm 1960, trong làng nhà nào cũng làm nón. Không kể ngày đêm, phụ nữ, trẻ em sau những giờ học đều thi nhau chằm nón, không khí vui lắm. Buổi sáng, các chị em phụ nữ trong làng tụ tập đưa nón đi bán ở các chợ trên TP Huế như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự,... chiều tối lại hối hả trở về rồi lại chằm nón”.

Công đoạn làm nón đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo, chính vì lí do này mà thợ chằm nón đa số đều là nữ. Do đó, có một giai đoạn mà nhà nào có nhiều con gái thì được xem là phú quý. Sự phổ biến của nón bài thơ xứ Huế đã biến nó trở thành một biểu tượng của người con gái Huế và là sản phẩm truyền thống được lưu giữ nhiều năm ở mảnh đất Cố đô. Nón bài thơ không chỉ là chiếc nón đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật thực sự.

Bà Nga chia sẻ: “Nhìn chiếc nón nhỏ gọn vậy thôi, nhưng phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Để có được chiếc nón đẹp, đòi hỏi mắt phải tinh, tay phải khéo léo, cầu kì trong từng chi tiết. Thời còn con gái mỗi ngày tôi có thể làm được 3 - 4 cái/ngày. Mỗi chiếc nón có giá vài chục ngàn, cũng là khoản thu nhập khá”.

Để làm nón, người dân sẽ đi hái lá non của cây Bồ Quy Diệp (cây cọ) về phơi, chọn lá, cắt lá, ủi cho phẳng. Lá nón còn giữ được chút màu xanh nhẹ là đẹp nhất. Tiếp đến, người thợ sẽ chọn khung nón, uốn vành rồi lợp lá, cắt hoa văn và chằm nón.

Khó nhất trong khâu làm nón có lẽ là xây và lợp lá, làm thì ai cũng làm được nhưng làm để nón thanh, mỏng mà không bị dột thì phải là những người thợ cực kỳ khéo tay; lớp lá nào ra lớp ấy, không được chồng lên nhau. Công đoạn này và công đoạn chằm (khâu) đa phần dành cho nghệ nhân có nghề làm để đường chằm được mềm mại, thanh nhẹ, dịu dàng. Đa số nón của làng Tây Hồ được làm từ lá dừa, lá gồi vì chúng bền và có màu đẹp hơn.

64c388151f65c63b9f74

Chiếc nón bài thơ có tuổi đời hơn 60 năm. 

Làng nghề hiu hắt, nón bài thơ “chết” vì lỗi thời

“Gần chục năm nay người làm nón càng ít dần. Thế hệ trẻ thích những chiếc mũ thời trang bắt mắt, làm từ những chất liệu bền bỉ hơn. Nón lá chỉ ở lại với các bà, các chị dãi nắng dầm mưa với mùa vụ cấy cày. Làm nón đòi hỏi phải tinh mắt, nhưng những người trẻ đã không còn mặn mà với nghề, hầu như là không ai làm nữa”, bà Nga buồn nói.

Khuôn nón giờ chỉ còn là kỷ niệm, vật trưng bày đối với nhiều gia đình. Cả làng, người biết làm nón đếm không hết nhưng ai cũng quyết định làm việc khác thu nhập tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Thủy, 47 tuổi (trú thôn Đông Đỗ xã Phú Hồ, huyện Phú Vang) là một trong số ít người còn gắn bó với chằm nón bài thơ. Theo bà Thủy, nghề làm nón mang lại thu nhập thấp, sự cạnh tranh của những mặt hàng khác làm thu hẹp không gian phát triển của nón. Đặc biệt, khi công ty, xí nghiệp mọc lên thu hút lượng lớn công nhân. Do đó, nhiều người từ làm nón cũng chuyển dần sang làm công ty. Cả xã giờ chỉ vỏn vẹn hơn 10 người làm nón một cách cầm chừng.

Chậm rãi xuyên mũi kim qua lớp nón, bà Thúy thở dài: “Tôi không biết sẽ cầm cự được bao lâu nữa. Không giữ được nghề là một nỗi mất mát lớn nhưng để giữ lại cái nghề này thực sự rất khó”.

9ae8ea047874a12af865

Bà Nguyễn Thị Thuỷ là một trong số ít người còn chằm nón bài thơ. 

“Chằm nón vất vả lắm, đòi hỏi sự tỉ mỉ và cần mẫn. Tôi nay mắt không còn được sáng vì thế chằm nón cũng không được đẹp như trước. Ngày nào rảnh rỗi cũng chỉ chằm được 2 chiếc, mỗi chiếc có giá chỉ từ 70.000 – 100.000 đồng, trừ đi chi phí còn lại rất ít mà thời gian mình bỏ ra thì rất nhiều. Bây giờ thời gian rảnh, tôi chỉ làm bán cho các mệ ở trong vùng thôi. Nhiều khi lủi thủi làm một mình cũng thấy buồn”, bà Thủy tâm sự.

Theo họa sỹ Nguyễn Thanh Thảo – người sáng tạo ra sản phẩm nón lá sen Huế - sự mai một của làng nghề nón bài thơ xuất phát từ việc thiếu cải tiến trong sản phẩm. Hàng chục năm nay, nón bài thơ chỉ tập trung vào một số hình ảnh như: Chùa Thiên Mụ, cô gái Huế, hoa sen,... và câu thơ mà chưa có sự thay đổi.

Hình ảnh đơn điệu, “cũ”, không theo kịp được thị hiếu của khách hàng khiến nón bài thơ dần bị lãng quên. Do đó, cần phải cơ những sự thay đổi cần thiết để phát huy hơn nữa giá trị của chiếc nón bài thơ. Cụ thể, đẩy mạnh tính ứng dụng của chiếc nón; đa dạng các mẫu mã gắn thêm nhiều địa danh, hình ảnh đặc trưng cho sản phẩm để tránh sự nhàm chán.

Đặc biệt, những giải pháp cụ thể để quảng bá, phát triển kinh tế từ nón bài thơ, nâng cao thu nhập cho người làm nón chính là phương án tối thiểu để xây dựng làng nghề.

Trần Thể - Phan Hòa

Tin khác

Tin tức 28 phút trước
(SHTT) - Ngày 18/9 vừa qua, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quý Tiên đã tiếp Đoàn đại biểu Nhân đại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), do đồng chí Trần Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ làm Trưởng đoàn, tới chào xã giao nhân chuyến thăm Việt Nam.
Tin tức 17 giờ trước
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức Hội nghị tập huấn và bồi dưỡng công tác quản lý Nhà nước về báo chí và truyền thông năm 2024.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Liên Hợp Quốc vừa công bố Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử 2024, Việt Nam đạt 0,7709 điểm về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử - EGDI. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức rất cao và vươn lên vị trí cao nhất từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Google mới đây đã đưa ra đề xuất bán AdX, nền tảng quảng cáo của doanh nghiệp này, nhằm đáp ứng yêu cầu của EU trong việc tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường quảng cáo kỹ thuật số. Tuy nhiên, động thái này dường như vẫn chưa đủ khiến các nhà xuất bản tại châu Âu hài lòng.
Tin tức 20 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Thủ Tướng Chính Phủ đã phê duyệt công văn số 7418 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án tuyến đường sắt số 3, chiều dài 8,7 km đi ngầm theo Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh,  tổng mức đầu tư dự kiến 40.577 tỷ đồng.