SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Luật Thủ đô (sửa đổi): Phải phân cấp, phân quyền toàn diện cho Thủ đô

18:56, 20/09/2023
(SHTT) - Sáng 20/9, tiếp tục Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật với những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô.

Cần phân quyền mạnh mẽ, nâng cao tính tự chủ của chính quyền Thủ đô

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh nguyên tắc bản chất của Luật Thủ đô là đạo luật về phân quyền. Do đó, các quy định trong dự thảo luật cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô. Song song với việc phân quyền thì trong luật cần thiết kế các quy định về điều kiện, biện pháp bảo đảm thực hiện và cơ chế kiểm soát quyền lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, bởi đây không phải là đạo luật thay thế toàn bộ các luật hiện hành để áp dụng trên địa bàn Thủ đô. Luật Thủ đô không quy định lại những nội dung đã được quy định trong các luật khác mà chỉ tập trung vào những chính sách đặc thù, riêng biệt cho Thủ đô chưa được quy định hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

Về các nội dung cụ thể, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành với rất nhiều nội dung cụ thể và cho rằng dự thảo luật có nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù, thể hiện sự kế thừa, bổ sung và phát triển hơn so với Luật Thủ đô hiện hành. Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng nêu ý kiến về một số nội dung cụ thể.

luat thu do sua doi 2

 Toàn cảnh phiên họp

Quản lý thống nhất cán bộ, công chức từ cấp xã đến cấp thành phố

Với chính quyền Thủ đô, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ đề xuất không tổ chức Hội đồng nhân dân phường và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội, tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 2 lên tối đa 3)…

Dự thảo luật cũng quy định cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội (dự kiến được thành lập theo định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc - thành phố logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây - thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai), với những đặc thù vượt trội so với cơ cấu, tổ chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, như tăng số lượng Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, dự thảo Luật quy định 3 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền Thủ đô, trong đó có một số nội dung đặc thù như: Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý trên địa bàn.

Thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm.

Xác định Thủ đô Hà Nội phải hội nhập quốc tế sâu rộng

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đã xác định Thủ đô Hà Nội phải hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh với các khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển, từ đó ông cho rằng cần bổ sung mục tiêu cạnh tranh quốc tế trong dự thảo Luật.

Muốn thực hiện mục tiêu này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đặt vấn đề cán bộ của Hà Nội sắp tới là phải được đào tạo, chuẩn hóa như thế nào để ngang tầm với các thành phố trên thế giới. Bên cạnh đó, cần đầu tư cơ sở hạ tầng; quyết định phân cấp, phân quyền từ trung ương đến các sở, ngành, quận, huyện, đáp ứng để nhu cầu quản trị đô thị của Thủ đô. “Cơ chế, chính sách đặc thù là phải đồng bộ, toàn diện, khắc phục ngay những cái khó khăn, vướng mắc, bất cập đang cản trở sự phát triển của Thủ đô, ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, mục tiêu đến 2030 Hà Nội là thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại, trở thành trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới này.

“Không phải là cạnh tranh trong nước nữa mà phải cạnh tranh khu vực, thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và đến 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.

Vì vậy, dự án Luật Thủ đô tiếp tục cần phải rà soát để các cái quy định liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt để thể chế hóa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ đô. Chủ tịch Quốc hội nhất trí về việc thực chất đây là một đạo luật về phân cấp, phân quyền toàn diện các lĩnh vực. Bên cạnh đó, phân cấp, phân quyền toàn diện nhưng lại phải trọng tâm, trọng điểm.

Hương Mi

Tin khác

Pháp luật 19 giờ trước
(SHTT) - Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng mới của Canada đang tạo ra những làn sóng trái chiều. Các doanh nghiệp đang lo ngại việc đạo luật mới mang lại quá nhiều quyền lực cho chính phủ.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nông Thị Hằng (SN 1987), trú ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội về hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả.
Pháp luật 4 ngày trước
(SHTT) - Cuộc chiến pháp lý giữa các công ty dược phẩm từ năm 2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu một tòa án ở London (Anh) thu hồi các bằng sáng chế của công ty đối thủ Moderna về công nghệ phát triển vắc xin COVID-19.
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội, một nạn nhân đã trình báo về việc tham gia đầu tư tiền ảo và bị lừa đảo trực tuyến hơn 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, các mánh khóe, chiêu lừa được các đối tượng sử dụng để moi tiền của nạn nhân đều không mới.
Pháp luật 6 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Vũ Thị Kim Dung (Rouse) đã có phần trình bày liên quan đến vấn đề pháp luật về xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, từ sửa đổi đến thực tiễn áp dụng.
Liên kết hữu ích