SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Lúa nếp Hạt Cau: Hạt vàng vùng quê Thạch Thành - Thanh hóa

19:18, 15/10/2022
(SHTT) - Lúa nếp cái Hạt Cau là giống nếp cổ truyền quý giá được gieo trồng ở Thạch Bình, Thạch Đồng (Thạch Thành, Thanh Hóa). Giống lúa nếp đặc sản này được ưa chuộng bởi cho hạt gạo tròn, trắng, xôi được đồ lên từ loại gạo này rất dẻo, ăn không ngán mà còn có hương thơm đặc trưng, quyến rũ.

Mỗi vùng quê của tỉnh Thanh đều có những đặc sản riêng mang đặc trưng của vùng đất đó mà nếu được nếm thử qua một lần chắc chắn sẽ khiến cho người dùng lưu luyến, nhớ mãi mùi vị, hương thơm của đặc sản ấy.

Với xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, nơi đây có một đặc sản mà chỉ cần thử qua một lần sẽ nhớ mãi, đó là giống lúa nếp Hạt Cau cổ truyền của địa phương, một giống lúa nếp ngon đặc biệt mà chỉ vùng đất này mới có.

LUA NEP HAT CAU

 

Theo tìm hiểu, không ai biết giống nếp Hạt Cau ở đây “ra đời” từ bao giờ chỉ biết giống nếp này đã có từ rất lâu đời là loại giống bản địa của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Luật, ở thôn Kim Sơn (xã Thạch Bình) cho biết: “Giống lúa này rất kén đất. Nó chỉ thơm, ngon và có mùi vị đặc trưng khi được gieo cấy trên những thửa ruộng ở rìa làng nơi có vệt đất chạy vòng quanh đồi Nghè của xã ở 3 thôn là Kim Sơn, Long Phương, Án Định. Sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất thường rất thấp. Trong vùng, nhà nào cũng trồng giống nếp này nhưng chủ yếu chỉ để dùng trong gia đình vào những dịp lễ, tết hoặc làm quà biếu cho khách quý.

Giống nếp này khi chín vỏ hạt màu cau khô, khi xát ra hạt gạo tròn, trắng đục. Trong nhà mà nấu xôi bằng thứ gạo này thì mùi thơm đặc trưng bay ra đến tận đầu ngõ. Vì vậy, nó trở thành đặc sản của người dân nơi đây mà cho đến nay vẫn chưa có giống lúa nếp nào có thể vượt qua.

Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm về trước, giống lúa này bị thoái hóa nghiêm trọng, năng suất rất thấp”.

Theo ông Đoàn Duy Phương – Chủ tịch UBND xã Thạch Bình, nguyên nhân khiến giống lúa quý tại địa phương có năng suất ngày càng thấp là do bà con trồng lúa nếp Hạt Cau bị sâu đục thân gây hại rất nặng. Bên cạnh đó, khi lúa chín do cây lúa quá cao nên khi gặp thời tiết bất lợi là dễ đổ ngã, gặp lượng mưa lớn hầu hết diện tích sẽ bị ngập lụt, năng suất thấp, nông dân rất chán nản, không còn tha thiết gieo trồng nếp cái Hạt Cau. Thậm chí, có không ít nông dân trong xã đã định bỏ không gieo trồng giống lúa này nữa vì không cho thu hoạch mà chuyển sang trồng giống lúa khác cho năng suất cao hơn.

Trước thực trạng nguồn giống lúa quý bị thoái hóa, có nguy cơ cao bị mất nguồn gen, năm 2007 Trường Đại học Hồng Đức đã được tỉnh giao thực hiện đề tài khoa học và công nghệ: “Phục tráng giống lúa nếp hạt cau gieo cấy tại xã Thạch Bình và Thạch Đồng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa”. Sau ba năm kiên trì thực hiện phục tráng, đã thu được giống lúa hạt cau nguyên chủng.

Từ năm 2014 đến nay, xã đã mở rộng diện tích cấy lúa nếp hạt cau lên 64,4ha, năng suất 55 tạ/ha. Thành phẩm lúa Hạt Cau của huyện Thạch Thành được bán ra thị trường với mức giá từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng/tạ lúa khô mang về lợi ích kinh tế lớn cho bà con nông dân.

Cùng với việc thành đảm bảo được năng suất cây lúa Hạt Cau, huyện Thạch Thành cũng đã ký được loạt hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với một số nhà hàng, khách sạn như Mường Thanh, Dạ Lan, Công ty Xuất nhập khẩu Lan Hương giúp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Theo kinh nghiệm để lại, nếp Hạt Cau được trồng duy nhất 1 vụ trong năm, khoảng từ tháng 8 đến tháng 10, lúa phải cấy trên nền đất nhiều phì nhiêu, ít đường phèn phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng khí hậu của vùng, dù có đem cấy thử nơi khác cũng không cho được loại gạo nếp mới có mùi thơm đặc trưng và có độ dẻo, hạt tròn đầy.

LUA NEP HAT CAU1

 Diện tích Lúa nếp Hạt Cau không ngừng được mở rộng 

Với năng suất trung bình 55 tạ/ha, giá bán từ 18.000 – 20.000/1kg tùy thời điểm, giống nếp Hạt Cau cho thu nhập cao hơn 2 – 3 lần so với lúa tẻ. Đến nay huyện Thạch Thành luôn duy trì ổn định gần 70ha ha lúa nếp hạt cau/1 vụ với số lượng hơn 40 hộ tham gia sản xuất, trong đó có 8ha được sản xuất theo quy trình VietGap đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khi hỏi bà con nông dân, ai cũng hiểu rõ, nói rành rọt từng quy trình trồng lúa Hạt Cau, từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch: Khoảng cách cấy lúa là 20 cm/cây, phải thẳng hàng; 1 cây lúa chỉ được cấy 1 đến 2 thẻ mạ. Từ khi cấy đến khi thu hoạch chỉ phải phun có một lần thuốc trừ sâu vào đúng thời điểm sâu đục thân đẻ trứng mới có hiệu quả. Chi phí bỏ ra một sào lúa khoảng gần 1 triệu đồng, thu về được khoảng 5 triệu đồng. Năng suất cao, chi phí giảm, giá trị lúa bán cao nên bà con trong xã hào hứng trồng lắm.

Lúa nếp Hạt Cau hiện đang được lên kế hoạch để trở thành là một trong những cây trồng chủ lực của xã Thạch Bình nói riêng và huyện Thạch Thành nói chung trong những năm tới.

 Đinh Điệp

Tin khác

Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Tin tức 17 giờ trước
VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Văn phòng 3) vẫn đang phát triển đổi mới sáng tạo thông qua việc thúc đẩy xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các giải pháp kỹ thuật và công nghệ mới, đồng thời là “cầu nối” cho nhà khoa học với doanh nghiệp.
Tin tức 20 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
Tin tức 22 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).