Loạt doanh nghiệp mất cân đối tài chính phải khất nợ trái phiếu
Doanh nghiệp đua "khất nợ" trái phiếu
Mới đây nhất, ngày 13/2, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đăng tải thông tin công bố về việc chậm thanh toán lãi và gốc trái phiếu của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nice Star. Số tiền phải thanh toán là hơn 51 tỷ đồng, có hạn thanh toán ngày 13/1/2023. Lý do chậm thanh toán là do công ty chưa thu xếp được nguồn thanh toán.
Bất động sản Nice Star tiền thân là Nova Furniture được thành lập vào tháng 10/2017 do NovaGroup sở hữu 98% vốn.
Trước đó, ngày 8/2, CTCP Lavida Invest (Lavida) có văn bản gửi HNX về việc chậm thanh toán tiền gốc trái phiếu trị giá 62 tỷ đồng, có thời hạn thanh toán vào 8/2023. Lý do là chưa sắp xếp được nguồn thanh toán. Công ty có kế hoạch đến ngày 15/3 sẽ thanh toán 10 tỷ đồng, ngày 15/4 thanh toán 30 tỷ đồng và ngày 30/5 thanh toán 22 tỷ đồng.
Ngày 8/2/2021, Lavida Invest phát hành 70 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm theo chứng quyền và có đảm bảo bằng tài sản với lãi suất cố định là 11%/năm.
Đơn vị này hoạt động chính là tư vấn đầu tư, tư vấn quản lý đầu tư và cung cấp các dịch vụ tài chính như tái cấu trúc, thu xếp nguồn vốn, mua bán/sáp nhập trong lĩnh vực bất động sản, hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ nông nghiệp và năng lượng.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (VC2) vừa qua cũng công bố nghị quyết lùi thời gian đáo hạn lô trái phiếu 118,7 tỷ đồng đã đến hạn thanh toán vào ngày 27/10/2022 lại một năm, dự kiến thanh toán vào 27/10. Ngoài nợ gốc, doanh nghiệp cam kết chi trả phần lãi phát sinh, được tính bằng 150% lãi suất công bố (11,5%/năm).
Mới đây, thông tin từ Công ty CP BCG Energy viết tắt là BCGE, một công ty con của Bamboo Capital cho biết, ngày 4/9/2019, BCGE phát hành trái phiếu chuyển đổi, mã trái phiếu BONDBE/2019.01 cho Hanwha Energy Corporation Singapore Pte Ltd. Theo giấy chứng nhận sở hữu trái phiếu, trái phiếu sẽ đáo hạn sau 3 năm kể từ ngày phát hành tức ngày 4/9/2022. Vì ngày 4/9/2022 không phải là ngày làm việc nên ngày đáo hạn được xác định vào ngày làm việc tiếp theo tức 5/9/2022.
Tuy nhiên, hiện nay BCGE và nhà đầu tư đã đạt được thỏa thuận liên quan tới việc thanh toán gốc trái phiếu. Theo thỏa thuận này, nhà đầu tư đã đồng ý phần gốc của trái phiếu sẽ được thanh toán từng đợt và thời hạn thanh toán khoản nợ gốc trái phiếu cuối cùng của BCGE sẽ chuyển đến ngày 30/6/2023.
Lô trái phiếu này của BCGE trị giá 115,7 tỷ đồng với lãi suất 7%. Số tiền được BCGE dùng để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo mới của BCG Energy.
Cùng hoàn cảnh, giữa tháng 1/2022, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) vừa công bố thông tin về tinh hình thanh toán gốc và lãi cho lô trái phiếu mã 30122017-01.
Lô trái phiếu của DLG được phát hành ngày 30/12/2017, có kỳ hạn 5 năm, gồm 134 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng, tổng huy động 134 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm, kỳ hạn thanh toán lãi 6 tháng/lần.
Lô trái phiếu đã đáo hạn vào ngày 30/12/2022 - là kỳ hạn thanh toán cả gốc và lãi. Tuy nhiên, theo văn bản công bố, DLG còn phải thanh toán tiền gốc hơn 117 tỷ đồng, lãi hơn 64 tỷ đồng, tổng cộng hơn 181 tỷ đồng.
DLG cho biết đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi theo quy định của pháp luật. Lý do chậm thanh toán là “bởi thiên tai dịch bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đồng thời lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt… dẫn đến dòng tiền còn hạn chế, chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán cho trái chủ” .
Ngoài ra, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex mã chứng khoán AGM đã tổ chức Hội nghị Chủ sở hữu trái phiếu tại tỉnh An Hiang để xin ý kiến trái chủ về kế hoạch xử lý hai gói trái phiếu với hai mã AGMH2123001 và AGMH2223001.
Hầu hết những doanh nghiệp xin khất nợ trái phiếu đều ghi nhận tình hình kinh doanh kém sắc, thua lỗ trong năm tài chính 2022 vừa qua.
Hóa giải sức ép điểm rơi đáo hạn trái phiếu 2023?
Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hàng loạt doanh nghiệp thông báo mất khả năng thanh toán các lô trái phiếu và đề nghị được hoãn, giãn nợ. Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi vừa được công bố và dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới có nhiều điểm mới kỳ vọng mang lại tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trả nợ trái phiếu...
Những khó khăn khiến doanh nghiệp không xoay kịp tiền để trả nợ bên cạnh kinh doanh thua lỗ thiếu hụt dòng tiền có một phần nguyên nhân đến từ kẹt huy động trái phiếu do thắt chặt từ Nghị định 65 được ban hành cuối năm 2022.
Số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), đến ngày 31/1/2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào trong năm 2023.
Tuy nhiên, Nghị định 65 sửa đổi, Bộ Tài chính vừa công bố và dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới có nhiều điểm mới kỳ vọng mang lại tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trả nợ trái phiếu.
Theo đó, Nội dung sửa đổi chính trong dự thảo Nghị định 65 mới nhất là điều khoản về hoãn thanh toán gốc trái phiếu và chuyển đổi thanh toán trái phiếu (gốc và lãi), nhằm giảm bớt rủi ro tái cấp vốn cho trái phiếu. Tổ chức phát hành sẽ được phép gia hạn thanh toán gốc trái phiếu thêm tối đa hai năm hoặc sửa đổi các điều khoản trái phiếu điểm mới được bổ sung, sẽ được sử dụng để hoãn thanh toán lãi trái phiếu khi có 65% trái chủ bỏ phiếu chấp thuận.
Trong khi đó, các trái chủ có quyền nhận được toàn bộ khoản thanh toán nếu họ chọn không thông qua các điều kiện hoãn lại.
Trong báo cáo nhận định triển vọng thị trường trái phiếu 2023, VNDirect cho biết, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý 1/2023 ước tính giảm 40,3% so với quý 4/2022, đạt 30.655 tỷ đồng. Tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý 2 và quý 3 với giá trị lần lượt đạt 93.139 tỷ đồng (tăng 204% so với quý trước; tăng 169% so với cùng kỳ 2021) và 89.488 tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ).
Sau giai đoạn thách thức này, giá trị đáo hạn trong quý 4/2023 sẽ hạ nhiệt 33,4% so với quý trước về mức 59.571 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ).
Cả năm 2023, VNDirect ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 272.853 tỷ đồng (tăng 77% so với cùng kỳ). Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của ngành bất động sản, tài chính - ngân hàng, khác lần lượt là 38%, 37% và 25%.
Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán BSC, tổng giá trị phát hành trái phiếu trong năm 2020 và năm 2021 lần lượt là 458.700 tỷ đồng và 775.800 tỷ đồng, trong đó nhóm ngành bất động sản chiếm khoảng 40 - 45% tổng giá trị phát hành.
Tổng quy mô trái phiếu đáo hạn năm 2023 - 2024 ước tính lần lượt khoảng 317.500 tỷ đồng và 363.400 tỷ đồng, cao hơn mức 220 nghìn tỷ đồng năm 2022.
Do đó, BSC cho rằng, đây là áp lực tương đối lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp bất động sản. Chưa kể, một loạt yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản như khả năng lãi suất tăng; một số ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng đổ vào bất động sản...
Hoàng Long (t/h)
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- kiến thức kinh tế bancanbiet.vn
- Dịch vụ mua trước trả sau - Homepaylater
- homepaylater.vn - Mua trước trả sau lãi suất 0%