SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 01/05/2024
  • Click để copy

Làn sóng thâu tóm công ty tài chính

08:59, 07/07/2015
Với dân số hơn 90 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao, nên tài chính tiêu dùng tại Việt Nam được đánh giá là thị trường có tiềm năng rất lớn. Nhận thức được việc này, các ngân hàng đã bắt đầu vào cuộc giành thị phần từ miếng bánh béo bở trên. Dự báo năm 2015 làn sóng thành lập, mua bán - sáp nhập các công ty tài chính trong ngành ngân hàng sẽ rất sôi động. 

Những cặp đôi “Ngân hàng - Công ty tài chính”

Từ đầu năm 2015, trong bối cảnh ngân hàng (NH) khó đẩy mạnh tín dụng ra khối doanh nghiệp (DN), các NH đã có xu hướng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng - thị trường vốn được cho là còn nhiều dư địa phát triển. Một trong những động thái dễ thấy nhất là các NH thương mại đã ồ ạt mua lại các công ty tài chính (CTTC) - cách để dễ dàng đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng. 

Ngay từ đầu năm, Techcombank đã hoàn tất việc mua lại gần 54 triệu cổ phần của CTTC Hóa chất Việt Nam, nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 100%. Trước đó, HD Bank mua CTTC SGVF có 100% vốn nước ngoài, biến thành công ty con và đổi tên là CTTC HD (HD Finance); đến tháng 4-2015, ngân hàng này và Tập đoàn Tài chính Credit Saison (Nhật Bản) đã hoàn tất các thủ tục góp vốn tại HD Finance và đổi tên thành Công ty TNHH Tài chính HD Saison (HD Saison Finance). Trong tháng 6 vừa qua, Maritime Bank cũng đã hoàn thành việc mua lại CTTC cổ phần Dệt may Việt Nam (TFC) và từ ngày 6-7, TFC chính thức được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB-FC)… Lãnh đạo Maritime Bank cho biết, việc mua lại TFC nhằm mục tiêu phát triển hơn nữa mảng tài chính tiêu dùng. “Quyết định đó cũng hoàn toàn phù hợp với chiến lược đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ, chú trọng phân khúc khách hàng hộ kinh doanh, hộ sản xuất, tiểu thương… bên cạnh khách hàng cá nhân, DN nhỏ và DN siêu nhỏ mà Maritime Bank đã và đang kiên trì theo đuổi”, vị này cho hay.

Không chỉ mua lại các CTTC, trong mùa đại hội cổ đông 2015 vừa qua, nhiều ngân hàng cũng đã xin ý kiến cổ đông về việc thành lập CTTC. Cụ thể như BIDV trình cổ đông kế hoạch lập CTTC với ba phương án đó là: mua lại một CTTC trên thị trường hoặc chuyển đổi công ty cho thuê tài chính hiện có thành CTTC tiêu dùng hoặc sẽ thành lập CTTC mới. VietinBank cũng đưa ra kế hoạch là nếu sáp nhập với PGBank, VietinBank cũng sẽ chuyển một phần PGBank thành CTTC PG Finance. Ngoài ra, hàng loạt các NH khác như ACB, Sacombank, NamA Bank… cũng đã đồng loạt trình cổ đông kế hoạch thành lập CTTC với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Maritime Bank vừa hoàn thành việc mua lại Công ty Tài chính cổ phần Dệt may Việt Nam. Ảnh: CAO THĂNG

Giành thị phần từ “miếng bánh béo bở”

Lãnh đạo một ngân hàng đang xúc tiến mua lại một CTTC trong thời gian tới để triển khai lĩnh vực kinh doanh tài chính tiêu dùng khẳng định, thị trường tiêu dùng ở Việt Nam là một “miếng bánh béo bở” nên cuộc đua giành thị phần tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới sẽ rất quyết liệt. Vị này cho rằng, sắp tới, các NH thương mại sẽ tiếp tục thâu tóm hoặc thành lập mới các CTTC, nhất là khi NHNN đang soạn thảo các thông tư quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng và về hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC, sắp ban hành trong thời gian tới. Khi thông tư được ban hành, các NH muốn cho vay tiêu dùng phải lập CTTC. “Làn sóng ngân hàng thâu tóm hoặc ráo riết xin thành lập CTTC là để đón đầu quy định này, cũng như tiến sâu vào thị trường tài chính tiêu dùng với kỳ vọng doanh thu ở mảng này rất hấp dẫn”, vị này nói. Cũng theo vị này, với sự ra đời của nhiều CTTC của ngân hàng thì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi vì có nhiều sự lựa chọn, thay vì trước đây chỉ vay các CTTC bên ngoài. Hơn nữa, lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ giảm và được phục vụ nhiều dịch vụ gia tăng vì các CTTC phải cạnh tranh nhau. 

Các chuyên gia tài chính cũng nhận định thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam rất tiềm năng nhưng kèm theo đó là sự cảnh báo vì rủi ro trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng rất cao. Thực tế cho thấy, nhiều CTTC cho vay tiêu dùng hiện nay có lãi suất lên đến 80%/năm. Với việc ngân hàng, CTTC đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng hiện nay khiến không ít ý kiến lo ngại về nguy cơ cho vay dưới chuẩn và bong bóng tín dụng tiêu dùng. Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, không thể phủ nhận tín dụng tiêu dùng tín chấp đang được các CTTC và ngân hàng đẩy mạnh là phương tiện hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng. Nhưng nếu chạy đua giành thị phần mà không kiểm soát được rủi ro, sẽ có nguy cơ dẫn đến bong bóng tín dụng tài chính cá nhân. “Việc quản lý rủi ro để hạn chế nợ xấu trong lĩnh vực này là hết sức quan trọng vì thực tế nhiều năm qua, nợ xấu trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng có xu hướng tăng”, ông Hiếu cảnh báo. “Hiện NHNN dự thảo về việc NH thương mại muốn cho vay tiêu dùng phải có CTTC là vì cơ quan này muốn tách sự rủi ro ra khỏi hệ thống ngân hàng”, ông Hiếu nhận định. Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc HDBank cũng cho rằng, cho vay tiêu dùng thường không có tài sản đảm bảo dẫn đến việc lãi suất sẽ cao hơn, nên cần thiết phải cho vay qua CTTC và tách bạch hẳn với ngân hàng. “Sự chuyên biệt này sẽ giúp quản lý rủi ro một cách tốt nhất và phù hợp với xu hướng quốc tế”, ông Trung nói.

Theo NHNN, từ năm 2007 đến nay, hoạt động cho vay tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Tính đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng đạt khoảng 188.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2012 và chiếm 5,4% trong tổng dư nợ toàn hệ thống, tương đương khoảng 5,2% GDP và 7% tổng giá trị tiêu dùng cuối cùng. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng năm 2014 hoạt động cho vay tiêu dùng được đánh giá là phát triển mạnh hơn so với năm 2013, nhất là từ CTTC tiêu dùng.

Tin khác

Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt kim ngạch hơn 15 tỷ USD tính tới ngày 15/4.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.
Kinh tế 3 ngày trước
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người chọn đi du lịch hoặc về quê thăm gia đình. Các thú cưng như chó, mèo thường không thể đi theo cùng chủ nên dịch vụ trông giữ chó mèo đã trở nên đắt khách trong dịp này.
Kinh tế 3 ngày trước
Masan ghi nhận doanh thu hợp nhất ở mức 18.855 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ở mức 69,7%.
Kinh tế 5 ngày trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Liên kết hữu ích