SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Hương thắm Thành Reims

08:05, 27/01/2020
(SHTT) - Cách Paris 2 giờ lái xe theo hướng Đông Bắc, Reims là một thành phố sôi động nằm ở trung tâm vùng Champagne. Reims không phải thủ đô như Paris, nhưng lại mang ý nghĩa về mặt nghi lễ bắt đầu từ thời La Mã. Biểu tượng nổi tiếng nhất là Nhà thờ chính tòa Đức Bà Reims.

Chiêm ngưỡng Nhà thờ chính tòa Đức Bà Reims

 Nhà thờ Đức Bà Reims tên tiếng Pháp là Notre Dame de Reims. Nhà thờ Đức Bà Reims khánh thành vào năm 1272 trên nền một giáo đường đã có trước đó từ năm 401. Không nổi tiếng với khách du lịch bằng Nhà thờ Đức Bà ở Paris hay tráng lệ bằng Nhà thờ Cologne (Đức), nhưng Nhà thờ Reims lại có vai trò quan trọng trong lịch sử nước Pháp. Do ảnh hưởng quyền lực to lớn của các tổng giám mục thành Reims cũng như là nơi cất giữ “bình nước thánh tôn vương”, hầu hết các vua Pháp đều làm lễ lên ngôi tại thánh đường Reims.

Reims

 Nhà thờ chính tòa Đức Bà Reims

Nhà thờ được xây dựng với lối kiến trúc Gothic tiêu biểu. Đây là một trong những nhà thờ cổ và lớn nhất của Pháp, cũng là nơi đăng quang của nhiều hoàng đế Pháp qua các thời kỳ. Kể từ đầu thế kỷ 11 trở đi, khoảng 30 vì vua của nước Pháp đã chính thức lên ngai vàng tại Nhà thờ Đức Bà Reims. Vị vua đầu tiên lên ngôi là Henri Đệ Nhất và cuối cùng là vùa Charles X vào năm 1825. Hầu hết các vị vua Pháp từng được đăng quang tại Reims sau đó đã được tạc tượng và vinh danh ở mặt tiền Thánh đường Reims trên tầng cao gọi là ‘‘Galerie des Rois’’. 

Nhà thờ chính tòa đầu tiên được xây dựng ở Reims là vào thế kỉ 5 trên nền một nhà tắm công cộng kiểu La Mã. Vào thế kỉ thứ 5, Clovis - vị vua đầu tiên của nước Pháp được rửa tội tại nhà thờ này. Thế kỷ thứ 9, con trai của Charlemagne là Louis I le Pieux đã chọn Reims để làm lễ đăng quang Hoàng đế. Đến thế kỷ thứ 11, vua Henri I đã quyết định Nhà thờ Đức Bà Reims là nơi đăng quang duy nhất của hoàng gia Pháp.

Vào thế kỉ 13, sau một trận hoả hoạn, nhà thờ đã được tu sửa lại và đó chính là hình dáng của nhà thờ tồn tại đến bây giờ. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhà thờ bị hủy hoại bởi các cuộc ném bom. Năm 1919, sau khi chiến tranh kết thúc, việc tu sửa nhà thờ được tiến hành ngay. Hiện nay, các gác chuông của nhà thờ chỉ còn 2 quả chuông là Marie (nặng 12 tấn) và Charlotte (nặng 8 tấn).

Reims 2

 Bức tượng ‘‘Nụ cười thiên thần’’ (Le Sourirre de l’Ange)

Năm 2015, nhà thờ được trùng tu. Sau hơn ba năm sửa chữa, vào mùa hè năm 2018, Nhà thờ Đức Bà Reims đã mở lại toàn bộ mặt tiền cho khách tham quan. Nội thất của Nhà thờ dài 138,75 m, rộng 30 m trong gian giữa và cao 38 m ở trung tâm. Tuy không phải là nhà thờ lớn nhất hay cao nhất, nhưng Reims đã ghi vào kỷ lục thế giới bởi nơi đây sở hữu 2.303 bức tượng đá trang trí vào loại lớn nhất châu Âu. Đây được xem như là một trong những kỳ quan của nghệ thuật kiến trúc gothic (thế kỷ thứ 13). Ngoài các pho tượng ‘‘đế vương’’ ở mặt tiền, nhà thờ còn nổi tiếng nhờ vào hàng ngàn bức tượng đá minh họa các điển tích Kinh Thánh ở bên ngoài cũng như tượng trang trí ở bên trong.

Một trong những bức tượng được du khách chụp hình nhiều nhất là ‘‘Nụ cười thiên thần’’ (Le Sourirre de l’Ange). Ngày nay, bức tượng này được chọn làm biểu tượng của thành phố Reims. Cùng với nhà thờ tu viện Basilique Saint Remi, Thánh đường Reims được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1991.

Thánh đường Reims nổi tiếng nhờ vào lối kiến trúc độc đáo, hùng vĩ, công phu tinh tế với các vòm cung nhọn và hai tháp chuông cao thuộc vào hàng nhất nhì nước Pháp.

Reims 3

 Cửa kính trong nhà thờ

Chúng tôi bước qua chiếc cổng vòm đặc trưng gothique, dưới những hàng tượng thánh mòn nhẵn vì thời gian, có nhiều cái mất đầu, vết tích của thời cách mạng Pháp đầy biến động. Đã nhiều thế kỷ trôi qua nhưng những ô kính vẽ những điển tích trong Kinh thánh vẫn sáng màu rực rỡ. Không khí trong thánh đường thật tĩnh lặng, trang nghiêm cùng các cửa sổ kính màu khổng lồ. Ngoài các cửa sổ với những họa tiết đặc biệt, trong quá trình tu sửa hầu hết các kính màu còn lại đều tuân thủ truyền thống, từ chất liệu cho đến màu sắc, được làm lại y hệt như các bộ kính đầu tiên thực hiện vào cuối thế kỷ 13.

Một trong những cửa sổ kính màu lộng lẫy nhất chính là cửa kính hình hoa hồng (rosace hay là rose window) nằm trên cổng chính phía tây. Với đường kính rộng hơn 12 thước, loại cửa sổ kính màu to lớn này được xem như là một kỳ công về mặt kiến trúc thời Trung Cổ.

Cửa sổ kính màu tạo cho nhà thờ có thêm được chiều cao và giúp cho ánh sáng tự nhiên lọt vào bên trong. Vào ban ngày, nhà thờ Đức Bà Reims không cần phải thắp đèn mà vẫn sáng nhờ vào những tia nắng. 

Reims 4

 Tác giả bên ngoài một tu viện khu vực Champagne

Tiếng chuông, thứ Sáu ngày 13 và ông tổ nghề Logistics

Hôm chúng tôi đến, nghe chuông từ một nhà thờ khác gần đó kêu vang liên hồi, anh bạn cùng cùng đi giải thích là tiếng chuông này là chuông báo hiệu sự chào mừng một đại lễ nào đó của nhà thờ. Anh giải thích rằng, trong Ki-tô Giáo, tiếng chuông trước hết để kêu mời các tín hữu, sau nữa là để tạo nên vẻ long trọng trước khi bắt đầu các nghi thức phụng vụ. Ngoài ra, tiếng chuông còn được dùng để loan báo tin vui như sau khi bầu được Giáo Hoàng mới hay sau Hôn Lễ. Tiếng chuông cũng để báo tin buồn như trong nhiều xứ đạo tại quê hương ta vẫn quen làm: người ta giật chuông từng tiếng theo nguyên tắc nam thất nữ cửu, để báo và xin cầu nguyện cho người trong cộng đoàn vừa qua đời. Ở nhiều nơi, người ta kéo chuông để báo động khi có chiến tranh, tai nạn (cháy nhà, ngập lụt). Chuông cũng nhắc nhở các giờ kinh, giờ nghỉ trong các Tu Viện, tạo nên vẻ long trọng huy hoàng và vui mừng của các ngày Chúa Nhật, Đại Lễ. Trong Thánh Lễ, các người giúp lễ rung chuông để nhắc các tín hữu chú ý đến nghi thức “truyền phép”. Thói quen này được hình thành vào thời Trung cổ.

Chuông cuất hiện lần đầu vào thế kỷ 9 trong các tu viện, sau đó được phổ biến rộng rãi và nhanh chóng tại châu Âu, rồi trên toàn thế giới Ki-tô Giáo. Chứng tích sớm nhất mà người ta tìm thấy được từ thế kỷ 9 trước Chúa Giáng Sinh ở vùng Cận Đông, nơi tiếng chuông biểu hiện cho sự hòa hợp trong vũ trụ.

Reims 5

 Trên đường phố Champagne

Các chuông lớn với hình thù như ngày nay có từ đầu thế kỷ 14. Chuông được người châu Âu ưa chuộng và quý mến - nên dưới thời Karolinger họ đã xây tháp cho chuông. Cũng từ thời đó, tháp chuông là một thành phần không thể thiếu của kiến trúc Giáo Đường ở mọi nơi trên thế giới.

Ngoài việc được biết thêm về nguồn gốc tiếng chuông - tháp chuông, nhân dịp này, tôi được biết thêm câu chuyện về Thứ Sáu ngày 13 và “ông tổ” ngành Logistics. Thứ Sáu ngày 13 được xem như một ngày xui xẻo theo quan niệm của người dân ở nhiều quốc gia. Về nguồn gốc của ngày này, liên quan đến sự kiện các hiệp sĩ Công giáo trong hội Hiệp sĩ Dòng Đền (Knights Templar). Hiệp sĩ dòng Đền là một dòng tu đặc biệt vì họ đồng thời vừa là thầy tu vừa là chiến sĩ, được thành lập từ sau năm 1096 để bảo vệ người Âu Châu và tài sản của họ trong các chuyến hành hương tới Jerusalem và tham gia nhiều trận đánh trong các cuộc thập tự chinh. Theo thời gian, dòng tu trở nên giàu có nhờ các khoản thù lao từ công việc “bảo tiêu”, rồi trở thành những người cho vay. Vua Philippe IV là một con nợ lớn của dòng tu này. Họ bị vua Philippe IV bất ngờ cho bủa lưới vây bắt trên toàn nước Pháp vào ngày thứ Sáu 13/10/1307, bị cáo buộc là “kê gian” (sodomy) và dị giáo, sau đó bị hành hình dã man. Nhưng sự thật đằng sau những cáo buộc đó là những động lực chính trị và tôn giáo của nhà vua nhằm “xù” các khoản nợ khổng lồ mà ông ta nợ tổ chức này cũng như loại bỏ thế lực ngày càng lớn của dòng tu này.

Như vậy, có thể thấy rằng, công việc “bảo tiêu” ngày xưa của các hiệp sĩ của dòng tu Hiệp sĩ dòng Đền chính là hình thức sơ khởi đơn giản của nghề Logistics ngày nay. Vì thế, họ xứng đáng được suy tôn là ông tổ của nghề Logistics.

Uống Whisky trên xứ sở Champagne

Reims 46jpg

 

Ngoài Nhà thờ chính tòa Đức Bà Reims, thành phố Reims còn nổi tiếng thế giới với việc sở hữu vùng sản xuất rượu champagne. Cùng với ảnh hưởng của mình, đạo Thiên Chúa cũng sở hữu những lãnh địa lớn trong đó có nhiều ruộng nho rất tốt, làm ra những thứ rượu rất ngon dùng trong các thánh lễ. Vào năm 1114, một vị giám mục tại đây đã soạn thảo một văn kiện quy hoạch các ruộng nho thuộc quyền các tu viện và nhà thờ trong vùng Champagne. Đây chính là thư tịch cổ xưa nhất (chứ không phải đạo luật 1927) khai sinh vùng nho Champagne.

Nhưng dấu ấn của Thiên Chúa giáo đối với rượu champagne không chỉ có vậy. Một số người tin rằng tác giả thứ rượu vàng sóng sánh sủi bọt mà ngày nay không thể thiếu trong các dịp tiệc tùng là một thầy tu dòng Benedicte sống vào thế kỷ XVII: Dom Pérignon. Thực tế là trước thời Dom Pérignon, người ta vẫn làm ra rượu champagne bằng cách này hay cách khác, nhưng Dom Pérignon được xem là người đã hệ thống hóa toàn bộ quy trình làm rượu với tên gọi méthode champenoise.

Dom Pérignon cũng là người phát minh ra kiểu vỏ chai dày dùng đựng rượu champagne và chiếc nút bấc - nút lie (liège) nổi tiếng vẫn dùng đến ngày nay. Rời Nhà thờ Reims, chúng tôi đến tham quan một hãng rượu champagne. Trong hàng trăm nhà sản xuất lớn nhỏ tại Champagne thì những cái tên như Pommery (thuộc Tập đoàn Vranken-Pommery), Mumm, Veuve Clicquot và Moët et Chandon nổi lên như những nhà sản xuất lớn, lâu đời và nổi tiếng nhất. Cơ ngơi của Pommery là một lâu đài nhỏ dùng làm đại bản doanh và vài trăm hecta ruộng nho chính hiệu.

Hệ thống hầm rượu của Pommery dài tổng cộng 18km, trữ hơn 20 triệu chai champagne. Vào tham quan nơi này phải mua vé như mua tour, tuy nhiên được thưởng thức miễn phí những ly champagne brut, loại champagne đã làm nên tên tuổi của Pommery.

Đi tham quan nhà thờ giữa trời châu Âu vào dịp cuối năm lạnh giá, tôi miên man nhớ về thuở thiếu thời (quãng năm 1981) đạp xe hơn 12 km từ thị trấn Phú Phong đến xã Bình Tân –huyện Tây Sơn –Bình Định. Bởi nơi đây có nhiều nhà thờ, dịp Noel bạn bè ở Phú Phong thường rủ nhau đến đó chơi vui. Nhà thờ Phú Hữu thuộc thôn Phú Hưng, xã Bình Tân, có từ đầu thê kỷ XX. Năm 2009, nơi đây thành lập giáo xứ Phú Hữu gồm các giáo họ được tách từ giáo xứ Kiên Ngãi: Phú Hữu, Mỹ Thạch, Thuận An, Mỹ Thành, Thuận Nhất, Thuận Truyền, Vĩnh Lộc, Trường Định, Dõng Hòa và Thuận Ninh.

Tôi ấn tượng nhất vùng quê này là cánh đồng mùa đông. Cánh đồng trải dài từ Phú Hữu, Trường Định đến Thuận Ninh người ta trồng nhiều hoa cải cúc để ươm giống. Từ đầu đông đến tết, nơi đây rực một màu vàng hoa cải trải dài vài cây số, hương sắc trong veo.

Buổi tối tại thành phố Reims, thỏa thích với cái thú vui chơi trong đêm đông, những người đồng hương Việt Nam chúng tôi cùng quay quần bên nhau với 1 chai Ballantine. Rồi nguồn gốc nhãn hiệu được mọi người tra cứu. Lịch sử rượu Ballantines khởi nguồn từ năm 1827 bắt đầu bởi người đàn ông tên là George Ballantines. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân tại thị trấn Knowe Peebleshire - Scotland. Tuổi thơ đói nghèo nhưng không cản trở được George. Với nền tảng giáo dục cùng với sự ham muốn kiến thức tuyệt vời, khi mới 19 tuổi, nông dân George Ballantines đã mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở Edinburgh để bán các sản phẩm rượu Whisky pha trộn mịn của mình như là một thay thế cho các loại rượu Whisky đang hiện có trong vùng.

 George Ballantines là người thích làm những điều mới lạ. Vài năm ông lại chuyển địa điểm cửa hàng một lần để tạo nên sự gần gũi với nhiều khách hàng và đảm bảo vị trí Cửa hàng luôn ở trung tân mua sắm. Ông cũng là người đầu tiên quảng cáo sản phẩm của mình trên xe lửa nhằm phân phối rộng hơn rượu Ballantines tới các vùng lân cận Edinburgh. Từ đây, Ballantines đã trở thành nhà cung cấp có uy tín hàng đầu.

Năm 1865, George Ballantines nhường lại cơ sở ở Edinburgh cho người con cả của mình là Archibald. Ông mở một cơ sở lớn hơn ở Glasgow để kinh doanh thương mại Rượu vang và rượu Whisky phục vụ cho các Khách hàng bao gồm cả các Gia đình Hoàng gia Hindu. Tiếp theo ông mở Công ty kinh doanh có tên George Ballantines and Son LTD cùng một Kho ngoại quan để xuất khẩu rượu Whisky pha trộn mịn của mình sang các quốc gia khác. Kinh doanh phát triển rất mạnh dưới thời George Ballantines, đã tạo nên danh tiếng và thương hiệu quốc tế của rượu Ballantines

Nói về xuất xứ, Ballantine’s 30 mà chúng tôi đang uống thuộc dòng Scotch Whisky thượng hạng, nằm trong phân khúc rượu siêu sang trọng. Sở hữu những đặc điểm thu hút từ màu sắc cho đến hương vị, không quá khó để lý giải vì sao Ballantine’s 30 lại được yêu thích đến như thế.

Ballantine’s 30 được làm từ những nguyên liệu tự nhiên vô cùng quen thuộc nhưng khi kết hợp với nhau lại tạo nên hương vị mạnh mẽ đến lạ kỳ. Công thức pha trộn rượu được tiến hành chuẩn mực và được canh gác hoàn toàn chặt chẽ, chỉ lưu truyền cho thế hệ kế nghiệp. Sau khi pha trộn giữa các loại Whisky mạch nha và Whisky ngũ cốc, rượu được đem đi ủ trong các thùng gỗ sồi tối thiểu là 30 năm. Ballantine’s 30 có màu vàng hổ phách đậm, hương thơm khá nhẹ nhàng của mùi trái cây sấy khô và mật ong lan tỏa.

Trước đây, tôi không quan tâm nhiều đến những dòng xa xỉ, nhưng khi uống mới cảm nhận được sự tinh tế mà con người tạo ra, cũng là động lực để mình phấn đấu. Chỉ cái vỏ hộp mà người Việt Nam cũng không thể làm được thì nói gì có thể sản xuất ra được chai rượu trứ danh. Dĩ nhiên, Việt Nam có nhiều món ngon thức uống tuyệt hảo. Nhưng do chưa biết làm thương hiệu, chưa có sự quyết tâm đầu tư chiều sâu mà nhiều làng nghề bị mai một đi. Rất ít ai tâm huyết giúp các nhà sản xuất phát triển thương hiệu, một số người cũng nghĩ mình là số 1 chợ quê nên cũng không thèm nghe ai nói. Con đường tiến ra thế giới các sản phẩm thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam còn xa ngái. Cụ thể là chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ khởi nghiệp...vẫn còn tính chất phong trào, chưa có sự quyết liệt để làm. Các hộ sản xuất chưa biết đoàn kết chặt chẽ, nhiều yếu tố để Việt Nam đi thụt lùi số với thế giới đó là vai trò của các cơ quan quản lý và thể chế xã hội.

Nắng lên, cái giá lạnh mùa đông ở Pháp như tan dần. Chúng tôi rời Reims nhưng luôn ấn tượng về lịch sử và truyền thống của vùng đất này. Đặc biệt là rượu champagne khi mỗi ngày đầu năm mới rộn ràng với ca khúc “Happy New Year của ban nhạc ABBA.

An Thục

Tin khác

Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường học trên toàn quốc kiểm tra, đánh giá hoạt động của các công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong trường.
Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 5 giờ trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Hội Hóa học Việt Nam, cả 10 học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58, năm 2024 đều đạt giải với 1 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng. Với thành tích này, Việt Nam xếp hạng 3 toàn đoàn.
Tin tức 1 ngày trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.