SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Tranh chấp kinh doanh và thương mại quốc tế trong các FTA

07:40, 24/01/2020
SHTT) - Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 và tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia, trong đó có hai hiệp định lớn là FTA Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong tình hình mới này, tranh chấp kinh doanh và thương mại quốc tế đã và đang trở nên đa dạng và phức tạp hơn.

Những tranh chấp từ WTO

Kể từ ngày 5/8/2019, Nga đã áp dụng mức thuế mới tăng từ 25% lên 40% đối với hàng loạt hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm một số phương tiện vận tải, máy xây dựng, thiết bị dầu khí, công cụ chế biến thép và khoan đá, sợi quang. Việc làm này của Nga là nhằm đáp trả mức thuế đánh vào thép và nhôm mà Mỹ áp dụng với Nga,

Tương tự, ngày 20/8, Thổ Nhĩ Kỳ đã đệ đơn khiếu nại lên WTO phản đối việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang gia tăng với một loạt các biện pháp trừng phạt và trả đũa thương mại. Thông báo trên website chính thức, WTO nêu rõ: "Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các biện pháp này của Mỹ mâu thuẫn với hàng loạt điều khoản của Thỏa thuận về bảo vệ của WTO”.

2

 

Ngày 23/8, Mỹ quyết định chính thức áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với khối lượng hàng hóa nhập từ Trung Quốc có tổng trị giá 16 tỷ USD, chính thức hoàn tất kế hoạch áp thuế đối với khối hàng hóa tổng trị giá 50 tỷ USD nhập từ Trung Quốc. Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng thông báo đã đệ đơn khiếu nại lên WTO liên quan tới việc làm nói trên của Mỹ .

Tuy vậy, Mỹ cũng dựa vào WTO để khởi kiện lại các quốc gia khác. Ngày 29/8, Mỹ đã khởi động một vụ kiện chống lại Nga tại WTO, vì thách thức "biện pháp bảo hộ đặc biệt" mà Nga sử dụng để tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nhằm trả đũa việc Mỹ áp thuế đối với các sản phẩm nhôm và thép của Nga.

Phía Mỹ cho rằng, Nga đã vi phạm quy định của WTO vì các mức thuế bổ sung đó chỉ được áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, không phải đối với hàng hóa nhập khẩu từ bất kỳ nước nào khác, và vì mức thuế mới này cao hơn mức tối đa theo quy định của WTO.

Khi Việt Nam gia nhập WTO, trị giá xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và Mỹ mới đạt gần 11,8 tỷ US.D. Nhưng đến năm 2018, con số này đã lên đến hơn 60 tỷ USD, gấp 5 lần thời điểm 2007.

Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 47,52 tỷ USD (gấp 5 lần) và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Mỹ đạt tới 12,75 tỷ USD (gấp 8 lần).

Tính chung về quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu, Mỹ đứng vị trí thứ 3 trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại thương với Việt Nam (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).

Đáng lưu ý, trong 3 đối tác trên, Mỹ là thành viên duy nhất Việt Nam đạt được thặng dư thương mại với con số xuất siêu gần 35 tỷ USD năm 2018, trong khi nước ta nhập siêu lớn từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Không chỉ năm 2018 mà trong nhiều năm qua, Việt Nam liên tục duy trì được thặng dư thương mại với Mỹ. Việt Nam là đối tác xếp thứ 8 luôn có thặng dư thương mại với Mỹ trong 5 năm qua. Một nguyên tắc căn bản trong WTO là cân bằng thương mại. Trong khi đó, nhiều năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam với Mỹ luôn duy trì thặng dư về phía Việt Nam. Đây là một việc khó chấp nhận đối với Mỹ. Do vậy, nguy cơ Việt Nam cũng sẽ bị Mỹ dùng biện pháp tiến tới cân bằng cán cân thương mại như đã áp dụng với Trung Quốc.

Nếu Việt Nam bị Mỹ áp thuế là điều thực sự nguy hiểm cho xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Hàng rào kỹ thuật trong thương mại hàng hóa

Khi tham gia WTO, CPTPP và FTA thế hệ mới, các quốc gia có xu hướng dựng lên các rào cản kỹ thuật thương mại để siết chặt hàng hóa nhập khẩu từ nước khác thông qua chất lượng hàng hóa, giá cả, xuất xứ… Tuy nhiên, các quy định của FTA thế hệ mới đã phần nào ngăn cản vấn đề này.

Hiệp định EVFTA quy định tương đối cụ thể về các hàng rào kỹ thuật gồm: Quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ (gồm cả chỉ dẫn địa lý), phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế.

4

 

Các nước thành viên Hiệp định CPTPP đã thống nhất về bộ quy tắc xuất xứ chung để xác định một hàng hóa cụ thể “có xuất xứ” và được hưởng thuế quan ưu đãi trong CPTPP.

Tương tự như vậy, khi tham gia EVFTA, Việt Nam cũng vấp phải những khó khăn trong việc đảm bảo quy tắc xuất xứ của EVFTA để được hưởng mức độ xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99,2% số dòng thuế.

1

 

Hiện nay, nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với các rào cản thương mại của các quốc gia cần được quan tâm hơn.

Ngay cả FTA ASEAN -Trung Quốc, các điều kiện về xuất xứ hàng hóa, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng bắt đầu thực hiện chặt chẽ từ ngày 12/10/2019. Chính vi vậy, đã làm cho tình hình xuất khẩu nông - thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc 10 tháng đầu năm 2019 giảm đáng kể. Điều này đã gây ùn ứ hàng trăm chiếc xe container mỗi ngày ở các cửa khẩu các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang mà các bộ NN&PTNT, Công thương đều phải nhanh chóng hướng dẫn giải quyết.

Hai hiệp định EVFTA và CPTPP đặt ra yêu cầu cao về minh bạch hóa các chính sách, quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ. Vấn đề sở hữu trí tuệ trong EVFTA được đề cập tới nhiều vấn đề pháp lý mới như bảo hộ chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả trong môi trường số, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và khả năng thực thi quyền sở hữu trí tuệ... Những cam kết này đòi hỏi Việt Nam phải ban hành các quy định hướng dẫn mới về quy trình thực hiện đăng ký bảo hộ mới theo các đòi hỏi từ EVFTA.

Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế

Trong thương mại quốc tế, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được coi là ba cột trụ của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại (trade remedies) và được áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hoá nước khác.

Về bản chất, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu.

Điều VI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại cho phép các bên tham gia kí kết hiệp định áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Chẳng hạn như các biện pháp áp dụng lên hàng nhập khẩu được bán với giá xuất khẩu thấp hơn “giá trị thông thường” (thường là mức giá bán tại thị trường nội địa nước xuất khẩu), nếu hàng nhập khẩu bán phá giá đó gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu tham gia kí kết hiệp định.

Theo thống kê từ năm 2008 đến nay, hàng hóa của Việt Nam là đối tượng bị điều tra của 78 vụ kiện chống bán phá giá trên thế giới, 12 vụ điều tra chống trợ cấp và 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Trong 78 vụ đó, có tới 37 vụ liên quan đến các sản phẩm sắt thép (chiếm gần 50% các loại hàng hóa). Nhóm thứ 2 bị kiện nhiều đó là mặt hàng dệt.

Các mặt hàng dệt bị kiện nhiều là do xuất khẩu sợi dệt mà không sử dụng được vào quá trình sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Đây là 2 thị trường đứng đầu trong việc chuyên đi kiện các vụ chống bán phá giá và chống trợ cấp. Những sản phẩm khác bị kiện chống bán phá giá là mặt hàng nông, thủy sản.

Việt Nam là đối tượng bị kiện nhiều nhất trong các vụ kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ. Tiếp đến là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, EU, Canada, Brazil...

Một số nước láng giềng ở cạnh Việt Nam là Indonesia, Malaysia, Thái Lan trước năm 2011 chưa từng kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2011 lại kiện dồn dập. Và, đây cũng là những nước bị kiện chống bán phá giá nhiều trên thế giới.

Để có cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, Việt Nam đã tham gia một số Công ước của Liên hợp quốc liên quan đến thương mại quốc tế. Chẳng hạn như năm 1995, Việt Nam phê chuẩn Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài; năm 2015, Việt Nam tham gia Công ước Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG).

Sau khi gia nhập các văn kiện quốc tế này, Việt Nam đã sửa đổi các luật quan trọng, như Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự để nội luật hóa các tiêu chuẩn quốc tế vào luật pháp quốc gia.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao, tình hình thụ lý giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài trong 5 năm (2014-2018) dao động ở mức thấp, từ 80-151 vụ. Các tranh chấp này thường tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Bình Dương.

Cũng theo thống kê này, trong 5 năm 2014-2018, chỉ có 28 yêu cầu công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài được giải quyết so với tổng số 45 yêu cầu được tiếp nhận.

Trong bối cảnh mới này, tòa án Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cho các thẩm phán trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, công nhận và cho thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi và củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đối với thị trường Việt Nam.

Hội nhập và liên kết kinh tế trong kỷ nguyên mới tiếp tục là xu hướng tất yếu, tuy nhiên xu hướng này sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố mới như: Cuộc chiến tranh thương mại giữa các cường quốc lớn; sự phá vỡ chuỗi cung ứng của các công ty tập đoàn lớn; xu hướng của các FTA thế hệ mới đã và sẽ thực thi; cơ chế thương mại toàn cầu và đặc biệt là thương mại điện tử, thương mại kỹ thuật số và sự phát triển của khoa học công nghệ.

Tài liệu tham khảo:

1. Vũ Văn Hà, Vai trò của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong thương mại quốc tế, link: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/vai-tro-cua-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-the-he-moi-trong-thuong-mai-quoc-te-122913.html;

2. Đồng Thái Quang, Chế tài trong thương mại: một số bất cập và phương hướng hoàn thiện, link: http://phaply.net.vn/dien-dan-luat-gia/che-tai-trong-thuong-mai-mot-so-bat-cap-va-phuong-huong-hoan-thien.html

3. https://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/3674902-.html

Th.s Trần Vĩnh Hà

 

Tin khác

Tin tức 5 phút trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 10 phút trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 2 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 2 giờ trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.