SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Hội nghị lần thứ 13 của BCH Đảng bộ TP. Hà Nội: Nhìn lại những thành tựu đạt được

17:00, 14/06/2023
(SHTT) - Sáng 14/6, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII tiến hành Hội nghị lần thứ 13 nhằm thảo luận các nội dung sơ kết giữa nhiệm kỳ và một số nội dung quan trọng khác.

 Trong 2 ngày (14-15/6), Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khoá XVII sẽ họp bàn về 11 nội dung, trong đó đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII; định hướng nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Những kết quả tích cực của tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô

Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, tăng trưởng kinh tế bình quân của Thủ đô giai đoạn 2021-2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước. Bình quân 2 năm 2021-2022, GRDP tăng 5,86%, cao hơn 1,13 lần mức tăng của cả nước (5,25%). GRDP/người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng/người (khoảng 5.950 USD), tăng 18,1 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ, bình quân tăng 7,07%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2022 khoảng 656.102 tỷ đồng, đạt 119,9% dự toán Trung ương giao… 

Không chỉ vậy, thành phố cũng tập trung xây dựng hoàn thiện nhiều nội dung lớn, mang tính chiến lược quan trọng. Các công trình về giao thông, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích lịch sử được đẩy mạnh triển khai. Nhiều công trình lớn, quan trọng của Thủ đô đã hoàn thành hoặc khởi công, như: Vận hành Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; đường Vành đai 2 trên cao. Trong năm 2023, dự kiến hoàn thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; khởi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…

hoi nghi 13

 

Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,23%, trong đó, lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%. Lĩnh vực phát triển văn hóa - xã hội cũng luôn được thành phố quan tâm. Nổi bật, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”; chuẩn bị chu đáo các điều kiện về vật chất, kỹ thuật và con người góp phần tổ chức thành công SEA Games 31 và đóng góp quan trọng giúp thể thao Việt Nam vững vàng ngôi đầu tại SEA Games 32. 

Về giáo dục và đào tạo, Hà Nội tiếp tục giữ vững là lá cờ đầu toàn quốc về các tiêu chí: Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thủ đô cũng tăng từ 70,25% đầu nhiệm kỳ lên 72,23%. Chỉ số đào tạo lao động của Hà Nội năm 2022 xếp thứ 3 toàn quốc.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, lĩnh vực an sinh xã hội của thành phố cũng được bảo đảm. Phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, số người tham gia bảo hiểm y tế hơn 7,74 triệu người, đạt tỷ lệ 92,9%. 

Lĩnh vực phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới cũng tiếp tục đẩy mạnh; toàn bộ 382 xã và 15/18 huyện, thị xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng thêm 14 xã và 3 huyện so với đầu nhiệm kỳ); 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 82 xã nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu so với đầu nhiệm kỳ).

Công tác quy hoạch được quan tâm, phát triển hạ tầng kỹ thuật được đẩy mạnh với việc phê duyệt 4 quy hoạch: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố; 2 quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ… Thành phố cũng đã bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Hoạt động đối ngoại của thành phố tiếp tục được mở rộng, uy tín, vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao…

Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Kế hoạch đầu tư công

Từ ngày 1/7/2021, TP Hà Nội đã chính thức tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Qua 2 năm thực hiện thí điểm, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, các nội dung thí điểm được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, cơ bản đảm bảo các mục tiêu, mục đích, tiến độ đề ra; tạo sự chuyển biến rõ rệt, có bước đột phá trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Để chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị về việc sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đề nghị các đại biểu nghiên cứu, đóng góp ý kiến để Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo; đặc biệt là cho ý kiến đối với 5 đề xuất, kiến nghị của Thành ủy đối với Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.

Đối với tình hình thực hiện giữa nhiệm kỳ, cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của cấp Thành phố và định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung, thảo luận kỹ, cho ý kiến cụ thể về các nội dung như: Việc điều chỉnh giảm tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn; đánh giá tính khả thi của các khoản thu từ đất, nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, các nguồn huy động khác…; rà soát, đánh giá khả năng thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án nằm trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025, các dự án dân sinh bức xúc, dự án trong các lĩnh vực môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… đang được Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt… Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đã đề ra và hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 sau khi được điều chỉnh.

Tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nghìn năm văn hiến

hoi nghi 13 a

 

Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng cho biết qua đánh giá, tính đến thời điểm hiện nay, so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội, ước tính 9/20 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt vào cuối nhiệm kỳ. Tính đến cuối nhiệm kỳ, ước tính 14/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, có 6/20 chỉ tiêu rất khó khăn để hoàn thành, cụ thể là: (1) Tốc độ tăng trưởng bình quân Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); (2) GRDP bình quân/người; (3) Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; (4) Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý; (5) Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; (6) Tốc độ tăng năng suất lao động.

Vì vậy nhiệm vụ đặt ra cho thành phố trong nửa sau nhiệm kỳ là rất lớn, càng khó khăn hơn khi bối cảnh trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều thách thức đặt ra. Trước yêu cầu đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò và xác định rõ trách nhiệm của Thủ đô với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại.

Để làm được điều đó, cùng với các kế hoạch cụ thể hóa, lãnh đạo thành phố đã chỉ rõ, cả hệ thống chính trị và nhân dân phải tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy. Đặc biệt, thành phố sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân; bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp của cấp ủy với HĐND, UBND nhịp nhàng, đúng tinh thần “tiền hô, hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, có trách nhiệm với công việc, với Thủ đô và nhất là khát vọng phát triển.

Hương Mi

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
Nhiều gian hàng với hàng trăm sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu huyện Thiệu Hoá năm 2024.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Dạy lập trình máy tính cho trẻ em đang được coi là xu hướng giáo dục mới trên thế giới và Việt Nam. Không phải là những giờ học khô khan theo kiểu đọc, chép một chiều, các em nhỏ tại lớp học lập trình có thể rèn luyện tư duy logic, tư duy giải quyết vấn đề và thỏa sức sáng tạo.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường học trên toàn quốc kiểm tra, đánh giá hoạt động của các công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong trường.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 1 ngày trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…