SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Hà Nội chủ động kiểm soát tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn

08:48, 14/12/2023
(SHTT) - Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết tại đã giảm nhưng vẫn còn cao, diễn biến dịch sốt xuất huyết cũng được dự đoán sẽ phức tạp hơn, vì vậy thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết để kiểm soát tốt tình hình, không để bị động, bất ngờ.

Số ca mắc mới và số ổ dịch sốt xuất huyết đã giảm nhưng vẫn ở mức cao

Chiều ngày 12/12 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà đã chủ trì Hội nghị Giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã.

image_gallery (1)

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà chủ trì Hội nghị 

Báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, tính đến ngày 08/12, toàn Thành phố đã ghi nhận 38.582 trường hợp mắc tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 99,3% số xã, phường, thị trấn) và 4 trường hợp tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ 2022 (17.081 mắc, 23 tử vong).

Bệnh nhân có xu hướng giảm, trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 2.400 - 2.700 trường hợp, cao nhất ở tuần 42 (2.766 ca); hiện tại có xu hướng giảm trong 5 tuần gần đây, tuần vừa qua (tuần 49) ghi nhận 1.141 ca.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông (2.900), Thanh Oai (2.581), Hoàng Mai (2.470), Phú Xuyên (2.373), Đống Đa (2.308). Một số xã phường ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Phùng Xá, Hữu Bằng - Thạch Thất; Định Công, Hoàng Liệt - Hoàng Mai; Vĩnh Quỳnh - Thanh Trì; Cao Viên - Thanh Oai; Tân Lập - Đan Phượng; Ô Chợ Dừa - Đống Đa, Dương Nội - Hà Đông. Toàn Thành phố đã ghi nhận 1.941 ổ dịch, hiện còn 56 ổ dịch đang hoạt động tại 14 quận, huyện.

Nhận định về tình hình dịch sốt xuất huyết, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, tuy Thành phố ghi nhận số ca mắc giảm trong 5 tuần vừa qua, nhưng vẫn ở mức cao (trên 1.000 ca/tuần); ghi nhận số ổ dịch sốt xuất huyết giảm dần. Dự báo trong những tuần tới số ca mắc tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, việc xử lý ổ dịch, diệt bọ gậy, phun hóa chất nhiều nơi còn chưa triệt để, tỷ lệ thấp; giám sát sau xử lý chỉ số côn trùng đã giảm tuy nhiên một số nơi vẫn trên ngưỡng nguy cơ. Gia tăng số lượng đối tượng cảm nhiễm với bệnh sốt xuất huyết. Việc chống dịch phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác, sự phối hợp của người dân trong hoạt động diệt bọ gậy, diệt muỗi truyền bệnh. Ghi nhận 3 tuýp virus lưu hành trong năm 2023 (DEN 1, DEN2 và DEN3).

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thời gian qua, ngành Y tế, các đơn vị thường xuyên phối hợp tổ chức giám sát côn trùng sốt xuất huyết tại các khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch. Tính đến nay, đã giám sát 757 lượt điểm thuộc 5 khu vực theo đặc điểm nhà ở, dân cư; kết quả có 379/757 (chiếm 50%) số lượt điểm có chỉ số vượt ngưỡng nguy cơ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã thực hiện giám sát công tác điều tra, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết năm 2023. Kết quả ghi nhận công tác xử lý dịch chưa được triệt để tại hầu hết các điểm giám sát, chỉ số muỗi, bọ gậy ở ngưỡng cao sau xử lý.

Từ ngày 6/10, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai đợt cao điểm về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Theo báo cáo CDC Hà Nội đã nhận được đến ngày 25/10/2023, các quận huyện đã chủ động thực hiện 145 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc huy động lực lượng thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy còn gặp nhiều khó khăn, một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa chủ động diệt bọ gậy tại hộ gia đình. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, công tác xử lý ổ dịch tại các quận huyện hiệu quả chưa cao, tỷ lệ phun hộ gia đình còn thấp, tỷ lệ bỏ sót ổ bọ gậy cao; giám sát sau xử lý các chỉ số vẫn vượt ngưỡng nguy cơ.

Anh 12.12 - 14

Quang cảnh Hội nghị 

Tại Hội nghị, đại diện huyện Phú Xuyên, quận Đống Đa, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thường Tín, Hoàn Kiếm… đã báo cáo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Các quận, huyện, thị xã cho biết, hiện nay, số ca mắc đang giảm dần, tuy nhiên, các địa phương vẫn bám sát chỉ đạo của Thành phố, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là. Các quận, huyện tiếp tục thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng, chống dịch.

Làm rõ những vấn đề còn tồn tại trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết báo chí phản ánh về việc thiếu hóa chất, trang thiết bị máy móc, vật tư y tế, đại diện lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai, quận Hà Đông cho hay, thời gian qua, 2 địa phương đã cấp đủ kinh phí phòng chống dịch cho các xã, phường và mua sắm đầy đủ các trang thiết bị, hóa chất phòng, chống dịch cho các xã, phường. Đồng thời khẳng định không có những vấn đề tồn tại như báo chí đã nêu.

Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, trong kế hoạch về phòng chống dịch sốt xuất huyết đã phân công nhiệm vụ cũng như chỉ đạo về việc thực hiện phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo phương châm bốn tại chỗ. Trong đó, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về về công tác phòng, chống dịch tại địa phương của mình.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dịch bệnh trên địa bàn Thành phố năm 2023, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết rất phức tạp, số ca mắc vẫn tăng. Đây cũng là những vấn đề cần đặt ra và có giải pháp trong năm 2024 khi dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Với điều kiện mưa, nóng, ẩm kéo dài, chắc chắn sốt xuất huyết có nguy cơ rất cao đối với Hà Nội.

Vì vậy, các đơn vị, địa phương cần phải tăng cường các giải pháp tuyên truyền, công tác phòng, chống dịch phải thực chất từ cộng đồng, địa phương mới có hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Việc chủ động tại quận, huyện hay phân cấp xã, phường phải có cơ chế kiểm tra, giám sát liên tục, thường xuyên và phải đảm bảo được công tác phòng, chống dịch. Địa phương nào có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt, công tác phòng, chống dịch sẽ rất hiệu quả. Địa phương nào còn lơ là, chủ quan thì công tác phòng, chống dịch còn khó khăn.

“Nếu các đơn vị, địa phương làm tốt công tác dự phòng, làm tốt từ cộng đồng với những biện pháp hữu hiệu thì tính mạng, sức khỏe của người dân sẽ được đảm bảo, đặc biệt là những chi phí khám chữa bệnh sẽ giảm”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Xây dựng chiến dịch truyền thông bài bản, sâu rộng

Kết luận Hội nghị, qua báo cáo của Sở Y tế và các đơn vị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà, Trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội nhận định, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm nhưng vẫn còn cao, diễn biến dịch sốt xuất huyết năm nay còn phức tạp hơn, vì vậy thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác, kiểm soát tốt tình hình, không để bị động, bất ngờ.

Đặc biệt, đối với những địa phương còn các ổ dịch đang hoạt động, cần tiếp tục rà soát, có biện pháp xử lý kịp thời các ổ dịch, đảm bảo các điều kiện “4 tại chỗ” đáp ứng với mọi tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Qua các đợt kiểm tra đột xuất của Ban Chỉ đạo, công tác xử lý ổ dịch ở các địa phương vẫn còn nhiều vấn đề, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, từ nay đến hết năm 2023, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa phương; trong đó, tập trung kiểm tra giám sát tại các xã, phường có tỷ lệ bỏ sót ổ bọ gậy và tỷ lệ phun hóa chất diệt muỗi chưa cao.

Anh 12.12 - 15

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà, Trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội kết luận Hội nghị 

Đối với kế hoạch phòng, chống dịch năm 2024, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các ngành, đơn vị có báo cáo gửi Sở Y tế tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố, trong đó cần đánh giá những mặt được, mặt chưa được và đề xuất các nhiệm vụ triển khai cho năm tới tập trung vào công tác dự báo tình hình, nhóm dịch bệnh quan tâm, xác định rõ thời gian, thời điểm, địa bàn tập trung chỉ đạo xử lý.

Nhấn mạnh bên cạnh việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch cũng cần có chiến dịch truyền thông bài bản, sâu rộng và tránh lãng phí nguồn lực, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu ngoài kế hoạch chung của Thành phố, cần có kế hoạch tuyên truyền riêng về công tác phòng, chống dịch. Về việc này, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị tham mưu, chú trọng các biện pháp truyền thông hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, vừa giảm được nguồn lực vừa giúp người dân hiểu và nâng cao nhận thức trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà cũng lưu ý Sở Y tế phối hợp các đơn vị làm sớm công tác tập huấn, bồi dưỡng lực lượng phòng chống dịch; các địa phương chủ động rà soát các địa bàn để triển khai các giải pháp phòng chống dịch sớm, quan tâm bố trí nguồn lực trong phòng, chống dịch, rút kinh nghiệm từ quận Hà Đông và huyện Thanh Oai.

Ngoài ra, các đơn vị cũng lưu ý chế độ thông tin báo cáo, tổng hợp nhanh tình hình số liệu, và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách các địa bàn cần có sự phân công, bố trí công việc hợp lý… nâng cao trách nhiệm của mình nhằm kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn.

Phạm Linh

Tin khác

Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường học trên toàn quốc kiểm tra, đánh giá hoạt động của các công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong trường.
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 12 giờ trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…
Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Hội Hóa học Việt Nam, cả 10 học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58, năm 2024 đều đạt giải với 1 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng. Với thành tích này, Việt Nam xếp hạng 3 toàn đoàn.
Tin tức 1 ngày trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.