SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát do vấn nạn buôn bán, vận chuyển lợn trái phép

06:56, 22/08/2023
(SHTT) - Thời gian qua, tại nhiều tỉnh thành, dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh mẽ. Các địa phương đang nỗ lực kiểm soát tình hình, đồng thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn trái phép qua biên giới.

 Dịch tả lợn Châu Phi được xem là dịch bệnh nguy hiểm, tính chất lây lan nhanh, ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi. Virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi là loại virus gây bệnh sốt xuất huyết. Lợn một khi đã nhiễm virus này thì tỷ lệ tử vong là 100%. 

Không giống như cúm lợn, dịch tả lợn Châu Phi không có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, nhưng có khả năng lây truyền sang các loài vật ruồi, muỗi, chuột, mèo, và gia cầm như gà, vịt. Lợn bị bệnh tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác, chẳng hạn như tai xanh, cúm, sốt thương hàn... Những bệnh này mới chính là tác nhân gây nguy hiểm cho người, bởi khả năng làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt là khi ăn tiết canh, ăn thịt heo nhiễm bệnh nhưng chưa nấu chín kỹ.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2023, cả nước xảy ra 208 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 8.500 con. Đây là bệnh dịch có khả năng lây lan với tốc độ nhanh, dịch tả lợn châu Phi đang trở thành mối lo ngại cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.

dich ta lon

 

Với tỉnh Bắc Kạn, mặc dù số lợn nhiễm bệnh và phải tiêu hủy không lớn, nhưng các ổ dịch liên tiếp xuất hiện dẫn đến nguy cơ tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng đang ở mức cao. Nguyên nhân bởi Bắc Kạn chủ yếu có quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ nên hộ gia đình, người dân có thói quen mua lợn giống mua tại các chợ, hay do các thương lái mang tới mà chưa quan tâm đến nguồn gốc cũng như công tác kiểm dịch.

Ngoài ra, việc vệ sinh chuồng trại, vệ sinh phòng dịch trong chăn nuôi cũng chưa thực sự được người dân quan tâm đúng mức. Trong khi đó, địa hình giao thông phức tạp, nhiều đường ngang, lối tắt cũng khiến việc kiểm soát vận chuyển gia súc và các sản phẩm từ gia súc gặp không ít khó khăn.

 Cùng với đó, lượng dung dịch khử khuẩn dự trữ của Bắc Kạn đã cơ bản được sử dụng hết nhưng chưa được bổ sung. Hiện cả tỉnh chỉ còn khoảng 1.000 lít thuốc sát trùng đã phân bổ về các huyện, nếu dịch xảy ra trên diện rộng sẽ không thể đáp ứng yêu cầu. Hiện người dân các địa phương cũng chủ động sử dụng vôi bột và các hóa chất khử khuẩn khác để thực hiện vệ sinh chuồng trại.

 Trong khi đó tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, để khống chế bệnh tả châu Phi lây lan trên diện rộng, huyện đã xây dựng phương án cụ thể tổ chức chống dịch. Thực hiện khoanh vùng ổ dịch; lập các chốt kiểm soát; khử trùng tiêu độc vùng dịch, vùng bị uy hiếp, vùng đệm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và bố trí kinh phí mua vật tư chống dịch (hóa chất, vôi bột, bạt, nhân công, phương tiện tiêu hủy, trang bị bảo hộ)… Huyện tổ chức tiêu hủy lợn đảm bảo an toàn, không làm lây lan dịch bệnh. Nậm Pồ cũng khẩn trương rà soát tổng số hộ chăn nuôi lợn, tổng đàn lợn, đặc biệt tại bản đã có dịch để tránh tình trạng khai báo không trung thực nhằm trục lợi chính sách hỗ trợ.

Đối với xã Nậm Nhừ, nơi khởi phát bệnh tả lợn châu Phi, đã khẩn trương thực hiện các biện pháp khoanh vùng dịch, không để bùng phát dịch bệnh ra diện rộng. Việc tiêu hủy đối với đàn lợn bị bệnh và có triệu chứng bệnh, các bước chôn lấp thực hiện theo đúng quy định. Tại ổ dịch và vùng bị uy hiếp thực hiện tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc theo quy định.

UBND huyện Nậm Pồ cũng chỉ đạo các ngành chức năng (Công an huyện, quản lý thị trường, các đồn biên phòng…) phối hợp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, buôn bán, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật ra – vào địa bàn và qua biên giới. Cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn làm lây lan dịch bệnh. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền hàng ngày về diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn để người dân nắm bắt kịp thời; khi lợn có triệu chứng bị bệnh, phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương xử lý kịp thời, thực hiện tốt “5 không”, đó là “Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn”.

dich ta lon1

 

Với tỉnh Hà Tĩnh, tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện trên 400.000 con với 221 trang trại quy mô lớn và vừa. Điều đáng lo ngại là hiện nay, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đúng vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thất thường, nắng nóng kèm theo mưa ẩm, ảnh hưởng tới sức đề kháng của vật nuôi. Để tránh rủi ro, các trang trại cần tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh, để khống chế dịch tả lợn châu Phi, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền diễn biến dịch bệnh; chủ động nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi hộ, cơ sở chăn nuôi, người hành nghề buôn bán, giết mổ để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh.

Cùng đó, hướng dẫn người chăn nuôi tuân thủ các biện pháp an toàn sinh học, tuyệt đối không tăng đàn, tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn. Người nuôi cần báo cáo kịp thời khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân, không tự điều trị và bán chạy lợn bệnh. Ngoài ra, phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở để hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi trên từng địa bàn; lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm, xử lý kịp thời đối với lợn mắc bệnh theo đúng quy định..

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi bùng phát là do vấn nạn buôn bán, vận chuyển lợn trái phép qua biên giới. Theo lực lượng quản lý thị trường, mỗi ngày có khoảng 2.000-3.000 con lợn được nhập lậu qua biên giới Tây Nam. Lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc sẽ không có kiểm dịch, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và khi lưu thông trên thị trường khó chứng minh được việc lợn nhập lậu. Vì vậy, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra kiểm soát trong thời gian tới.

Với thủ đoạn vận chuyển lợn nhập lậu ngày càng tinh vi bằng đường bộ, đường sông, thậm chí đường biển, đòi hỏi lực lượng chức năng phối hợp thật chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu khi phát hiện trường hợp nhập khẩu lợn bất hợp pháp phải tái xuất hoặc tiêu hủy ngay và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Hương Mi

Tin khác

Tin tức 16 giờ trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.
Tin tức 17 giờ trước
Lần đầu tiên, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế phối hợp Đại học Phú Xuân, Tập đoàn Giáo dục EQuest và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức buổi Lễ chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024.
Tin tức 22 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, Thành ủy - Hội đồng Nhân dân – Ủy ban Nhân dân – Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TVXP), dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tin tức 1 ngày trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 1 ngày trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.