SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Đầu vào ổn định, giá điện vẫn chực chờ tăng

10:43, 17/12/2014
Các thông số đầu vào của ngành điện đang ổn định, thậm chí giảm, nhưng giá điện có khả năng sẽ lại điều chỉnh tăng trong những ngày sắp tới, theo kết luận một cuộc họp giao ban Bộ Công Thương đầu tháng 12 vừa qua. 

Tính từ thời điểm tháng 8-2013 đến nay, giá bán lẻ điện bình quân được giữ ổn định ở mức 1508,85 đồng/kWh. Đã nhiều lần tại các cuộc giao ban báo chí, lãnh đạo Bộ Công Thương đều bác các câu hỏi về việc có đề xuất tăng giá điện trong thời gian tới hay không.

Tuy nhiên, theo nội dung thông báo kết luận cuộc họp nêu trên, Bộ Công Thương đã có tính toán đến phương án điều chỉnh giá điện trong thời gian tới qua việc yêu cầu Cục điều tiết điện lực phối hợp cùng Tổng cục Năng lượng và Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) lập phương án giá điện trình Thủ tướng quyết định. Song không có lãnh đạo nào của bộ này xác nhận việc điều chỉnh giá bán điện theo hướng tăng hay giảm.

Báo Vietnamnet dẫn một nguồn tin về việc EVN đã kiến nghị điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm 2014 vào những ngày cuối năm với mức tăng khoảng 9,5% so với giá bình quân hiện hành, tức là tăng từ 1.508,85 đồng/kWh hiện nay lên đến 1.652,19 đồng/kWh. Một lãnh đạo EVN khi được hỏi đã từ chối bình luận về những thông tin này.

Theo Quyết định 24 của Thủ tướng về giá bán điện theo cơ chế thị trường, giá điện chỉ được điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành.

Tuy nhiên, hiện nay các thông số đầu vào của giá điện khá ổn định; đặc biệt là giá đầu vào là nhiên liệu than cũng ổn định và giảm, giá dầu DO giảm theo đà giảm giá chung của giá dầu thô trên thế giới, còn tỉ giá không có biến động bất thường.

Theo quy định hiện hành, EVN được phép chủ động điều chỉnh tăng giá 5% nếu các thông số đầu vào hình thành giá điện tăng đột biến từ 5% trở lên. Trường hợp EVN muốn tăng giá trên 5% phải xin ý kiến của Bộ Công Thương và Chính phủ, kèm theo các giải trình về mức biến động của giá cơ sở.

Với những diễn biến và quy định như vậy, yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng có thể là căn cứ để Tổng cục Năng lượng và EVN tính toán, xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện cho năm 2015, nhằm "đưa giá điện theo cơ chế thị trường" hơn nữa.

Ngoài các yếu tố đầu vào ổn định nêu trên, rất có thể giá truyền tải điện được điều chỉnh tăng sẽ là yếu tố quyết định dẫn đến việc tăng giá điện.

Lãnh đạo Cục điều tiết điện lực cho rằng Cục sẽ đề xuất nghiên cứu sửa đổi cơ chế tính giá truyền tải điện ở Việt Nam hiện nay theo hướng tăng giá truyền tải hiện hành từ 86,4 đồng/kWh (tức là chiếm khoảng 5,7% giá bán điện bình quân), lên mức 10-12% như các quốc gia khác để cân bằng tài chính cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNPT).

EVNPT cho rằng, nếu giá truyền tải điện không phản ánh hết được chi phí, đơn vị này tiếp tục sẽ bị thua lỗ theo kiểu lỗ lũy kế, cộng dồn.

Tin khác

Tin tức 4 giờ trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.
Tin tức 4 giờ trước
Lần đầu tiên, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế phối hợp Đại học Phú Xuân, Tập đoàn Giáo dục EQuest và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức buổi Lễ chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024.
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, Thành ủy - Hội đồng Nhân dân – Ủy ban Nhân dân – Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TVXP), dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tin tức 1 ngày trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 1 ngày trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.