SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 01/05/2024
  • Click để copy

Dấu ấn người Hoa trên mảnh đất Kinh Kỳ

11:04, 19/04/2024
(SHTT) - Với lịch sử cư trú lâu đời, cộng đồng người dân tộc Hoa đã để lại những dấu ấn văn hoá đặc sắc trên mảnh đất kinh kỳ. Việc giữ gìn tốt các dấu tích, giá trị văn hóa của người Hoa có vai trò quan trọng để phát triển văn hóa Hà Nội một cách khách quan, trung thực.

Cuộc di cư trong lịch sử

Dân tộc Hoa có nguồn gốc từ Trung Quốc, có lịch sử di cư và sinh sống lâu đời tại Việt Nam, được công nhận là một trong 54 dân tộc anh em từ năm 1979. Cộng đồng này có nhiều tên gọi khác nhau như Minh Hương, Khách nhân, người Tàu, tùy theo từng thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh tiếp xúc hoặc nguyên nhân di cư… Cộng đồng người Hoa ở Việt Nam chủ yếu được chia làm 5 nhóm lớn gồm: người Quảng Đông, người Triều (Triều Châu), người Khách gia, người Hải Nam, người Phúc Kiến.

Ở Hà Nội - Thăng Long Kẻ Chợ xưa, người Hoa sinh sống chủ yếu trên hai con phố Hàng Buồm và Lãn Ông. Tại đây, các hoạt động giao thương, buôn bán cũng như sinh hoạt trong cộng đồng người Hoa diễn ra rất sôi nổi. Đây cũng là hai con phố còn lưu lại những dấu vết thuộc về một thời xa xưa của cộng đồng người Hoa ở Hà Nội, tiêu biểu có thể kể đến như Hội quán Phúc Kiến (40 Lãn Ông) và đền Quan Đế (28 Hàng Buồm). Hai di tích này đều đã có tuổi đời hàng trăm năm, nơi in dấu những hoạt động sinh hoạt thường nhật, tín ngưỡng cũng như văn hóa của cộng đồng người Hoa xưa.

Theo Tiến sĩ Sử học Lê Thụy Hồng Yến, Hội quán không chỉ là nơi cộng đồng người Hoa cùng tham gia vào những sinh hoạt cộng đồng, là nơi gặp gỡ, giao lưu và thúc đẩy giao thương, buôn bán mà còn là nơi diễn ra các hoạt động thờ cúng, tín ngưỡng. Hội quán do vậy đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng người dân tộc Hoa.

nguoi hoa

Hội quán Phúc Kiến vẫn giữ nguyên kiến trúc sau lần tu sửa vào năm 1925 

Người Hoa di cư sang Việt Nam đã mang theo tín ngưỡng của cộng đồng ở cố hương, với hy vọng sẽ được các vị thần bảo hộ bình an, an cư lạc nghiệp trên vùng đất mới. Những vị thần này có thể là Quan Công, Phúc Đức Chánh Thần hay Thiên Hậu Thánh Mẫu,... Hội quán Phúc Kiến được xây dựng năm 1971 tại Hà Nội là nơi mà cộng đồng người Hoa gốc Phúc Kiến thờ thần Thiên Thượng Thánh Mẫu, một vị hộ thần của các vùng biển được tôn kính cả trong Phật giáo và Đạo giáo. Trong khi đó, đền Quan Đế (xây dựng năm 1819) nằm cách đó khoảng 1 km cũng là nơi thờ quan Thánh Đế (tức Quan Công).

Hai di tích lịch sử là sự kết hợp hài hòa của người Hoa với kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam. Nhìn chung, kết cấu chính của hai công trình chủ yếu bằng gỗ, bao gồm Tam quan, sân, Phương đình và Hậu cung. Riêng Hội quán Phúc Kiến có thêm khu học hiệu nằm phía sau. Khu này trước đây được gọi là Phúc Kiến Học hiệu, được xây dựng để con em người Hoa gốc Phúc Kiến sinh sống tại Hà Nội theo học. Cổng vào ngày nay vẫn còn tấm biển đề “Hội quán Phúc Kiến” viết bằng chữ Hán được treo trang trọng phía trên cửa chính. Hiện nay, cả Hội quán Phúc Kiến và Quan Đế vẫn lưu giữ được nhiều mảng trang trí chạm khắc, phù điêu tinh xảo cùng kết cấu máu và kiểu ngồi vốn có. Các phần trang trí tập trung vào tứ linh “Long, Lân, Quy, Phượng”, bên cạnh một số trang trí hình hoa lá và các con thú khác được chạm khắc rất kỹ lưỡng, thể hiện tay nghề khéo léo và tài hoa của các phường thợ đương thời.

Hướng đi mới của bảo tồn truyền thống

Khác với khung cảnh tấp nập, nhộn nhịp thường thấy ở các Hội quán người Hoa trong những thế kỷ trước hay ở các khu phố Tàu khắp các thành phố trên thế giới, hiện nay tại Hà Nội, các công trình của người Hoa thường khá cô quạnh, ít được du khách cũng như người dân địa phương để ý tới. Việc tận dụng các giá trị về kiến trúc, văn hóa của các công trình này để thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế vẫn chưa thật sự đạt được hiệu quả. Rõ ràng, bên cạnh việc tu bổ, bảo lưu để đảm bảo giá trị về mặt lịch sử, các công trình cũng cần được thổi vào một sức sống mới để có thể đi tiếp cùng thời đại.

Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm) trước đây là không gian sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng của người Hoa gốc Quảng Đông. Theo tiến trình di cư xuống các tỉnh phía Nam của cộng đồng này, Hội quán cũng dần mất đi vai trò vốn có và được trưng dụng làm trường học. Đến năm 2018, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội về việc thẩm định, tu bổ di tích này, thì công cuộc bảo lưu ấy mới được khởi động.

nguoi hoa1

 Nhà Phương đình đền Quan Đế, giữa đặt bàn thờ Công Đồng. Phía sau chính là Hậu cung nơi đặt bàn thờ Quan Thánh Đế

Sau công cuộc tôn tạo di tích, Hội quán Quảng Đông ngày nay đã trở thành trung tâm triển lãm với tên gọi Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, “Hội quán Quảng Đông là một trong những công trình có giá trị kiến trúc tiêu biểu của khu phố cổ”. Bên cạnh kết cấu gốc theo kiểu truyền thống của người Hoa, công trình được kết hợp thêm những nét ảnh hưởng từ văn hóa Việt Nam và Pháp. Hiện nay, đây là địa điểm diễn ra nhiều triển lãm, hoạt động nghệ thuật cộng đồng, trở thành điểm đến thu hút những người yêu văn hóa, nghệ thuật.

Hội quán Quảng Đông là nơi mà bạn Mai Chi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã cùng những người bạn của mình rong ruổi suốt những năm tháng tuổi thơ. “Trước kia nơi đây không được đẹp như bây giờ. Trẻ con tụi mình hay chạy qua chạy lại để chơi thôi chứ chưa vào bên trong. Đây là lần đầu tiên mình được chiêm ngưỡng không gian hội quán, cũng không nghĩ là sẽ đẹp như vậy. Khi xem những bức ký họa phố cổ mình thấy rất thích vì những địa điểm trong tranh đều là những nơi gắn liền với tuổi thơ của mình”, Mai Chi chia sẻ.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, vì nhiều nguyên nhân, đến nay cộng đồng người Hoa tại Hà Nội đã không còn lại nhiều. Các công trình kiến trúc sót lại đến ngày nay là minh chứng về một đời sống mang bản sắc văn hóa người Hoa đã từng in dấu trên mảnh đất kinh kỳ. Việc tôn tạo, bảo lưu các công trình này đóng một vai trò quan trọng trong việc phát huy các giá trị văn hóa đa dạng của Thành phố Hà Nội.

Viết Sơn

Tin khác

Giải trí 13 giờ trước
(SHTT) - Nem là một món ăn được nhiều người ưa chuộng, trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực đất Việt. Với hương vị bùi bùi, béo béo, thơm lừng, nem Bùi xuất xứ ở làng Bùi (xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã góp phần tạo nên bức tranh ẩm thực Kinh Bắc đầy màu sắc.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Với lịch sử hơn 700 năm Phù Lãng hiện lên âm trầm, mộc mạc nhưng vô cùng tinh tế với các sản phẩm từ đất sét đỏ. Đặc trưng của gốm Phù Lãng ấy là gợi lên “chất quê” bình dị, gần gũi, mộc mạc nhưng đầy tinh tế và thể hiện sự điêu luyện trong kỹ thuật làm gốm.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Từ Hà Nội, qua cầu Chương Dương qua Quốc Lộ 1A khoảng 20 km chúng ta sẽ đến với Hồi Quan - nơi có nghề “cửi canh” nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc. Dân gian vẫn luôn truyền tai nhau về nghề “cửi canh” nơi đây rằng: “Hồi Quan là đất cửi canh, rộn ràng sớm tối thoi đưa nhịp nhàng”.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Trong ký ức của người Việt Nam, mâm cỗ Trung Thu khi xưa ngoài hoa quả, bánh trái nhất định phải có bộ phỗng đất, ông tiến sỹ và đèn ông sao. Phỗng đất không chỉ là món đồ chơi thuần túy của con trẻ mà còn cất giữ những hồn cốt văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam xưa.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Nghi Sơn biển ngọc - Khát vọng vươn xa", đó là chủ đề mà di lịch biển Nghi Sơn (Thanh Hóa). Chính thức được khai mạc vào tối ngày 26/4.