Công ty TNHH Truyền thông WPP lần thứ 3 vi phạm quy định về quảng cáo xuyên biên giới
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP (GroupM) do có hành vi đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty TNHH Procter & Gamble Việt Nam và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam vào kênh mạng xã hội YouTube có nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 01 Điều 8 Luật An ninh mạng.
Tổng mức phạt đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP là 35 triệu đồng.
Đáng chú ý, trước đó, Công ty TNHH Truyền thông WPP cũng có hành vi tương tự khi đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty TNHH Bayer Việt Nam (nhãn hàng Redoxon) vào kênh có nội dung vi phạm pháp luật trên mạng xã hội YouTube và không tuân thủ quy định báo cáo về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam năm 2022 cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp. Với 2 lỗi vi phạm này, WPP đã bị xử phạt 25 triệu đồng.
Với hành vi vi phạm được lặp lại nhiều lần, cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra cảnh cáo về việc giia tăng mức độ quyết liệt trong hình thức xử lý đối với các vi phạm trong tương lai của Công ty TNHH Truyền thông WPP.
Được biết, việc các quảng cáo của doanh nghiệp được gắn trong các nội dung 'xấu độc' đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, thậm chí còn khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ vi phạm pháp luật. Do vậy, để bảo vệ an toàn cho các thương hiệu, đồng thời, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng.
Đồng thời, Bộ cũng công khai "Danh sách nội dung "xấu độc" trên mạng" (Black List) để khuyến cáo doanh nghiệp không hợp tác quảng cáo trên các đối tượng đó. Đồng thời, Bộ đã xây dựng và cập nhật thường xuyên "Danh sách nội dung "đã được xác thực" trên mạng" (White List) để khuyến nghị các nhãn hàng, đại lý ưu tiên quảng cáo.
Bên cạnh đó, để phù hợp với Quy định quản lý về hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, Nghị số 129/2021/NĐ- C P ngày 30/12/2021 đã bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, cụ thể như sau:
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Không thông báo hoặc thông báo không đúng thông tin liên hệ đến Bộ Thông tin và Truyền thông về những nội dung theo quy định của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam;
Không báo cáo theo quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cho Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.
Mai An
TIN LIÊN QUAN
-
Cristiano Ronaldo bị kiện đòi 1 tỉ USD vì quảng cáo cho sàn giao dịch Binance
-
Xử lý quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành
-
Vi phạm Luật Quảng cáo, Công ty Nước giải khát và Bao bì thực phẩm Vinaken bị phạt 30 triệu đồng
-
Cảnh báo: Xuất hiện quảng cáo giả mạo Google Ads đánh cắp thông tin người dùng