Xử lý quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, 14h00 chiều 07/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn.
Trong nội dung làm việc,Đại biểu Tao Văn Giót - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đã đặt câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với nội dung, thời gia qua, có nhiều trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok, Youtube hoặc các website có máy chủ ở nước ngoài xuất hiện tràn lan quảng cáo các thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được thẩm định, nội dung quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận. Quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh sử dụng danh nghĩa của các cơ quan như y tế, cắt ghép hình ảnh của VTV, bệnh viện, Bộ Y tế; ý kiến phản hồi của người bệnh, người nổi tiếng, quảng cáo thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh vẫn diễn ra khá phổ biến và phức tạp, gây nhầm lẫn và thiệt hại cho người tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ít thông tin. Vậy, đâu là giải pháp để xử lý vấn đề này một cách căn cơ, lâu dài theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 75 năm 2022, Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV?
Trả lời cho nội dung chất vấn nêu trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các quảng cáo này có trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Do đó, thời gian vừa qua, Việt Nam đã có cơ chế làm việc với các nền tảng này về việc gỡ bỏ các thông tin xấu độc, quảng cáo sai sự thật, đồng thời thể chế hóa các quy định về trách nhiệm của các bên.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thực tế cho thấy, hiện nay, tỉ lệ thực thi các yêu cầu của quản lý nhà nước về gỡ những thông tin xấu độc, sai sự thật trên mạng xã hội là rất nghiêm. Nhưng vấn đề là phải có phát hiện và báo cáo.
Bên cạnh đó, bộ, ngành, địa phương cũng cần phải nhanh chóng đưa các lĩnh vực đang quản lý gì trong thế giới thực lên không gian mạng và thực hiện việc quản lý đó trên không gian mạng. Trong quá trình này, Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Công an sẽ có những hỗ trợ kịp thời để quá trình triển khai được nhanh chóng, thuận lợi.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ ra rằng, hiện nay, nhiều bộ ngành vẫn nghĩ công tác quản lý và xử lý quảng cáo thực phẩm chức năng và thuốc trên không gian mạng là trách nhiệm riêng của Bộ Thông tin - Truyền thông, đây là 'quan niệm cần được thay đổi'.
Thái An
TIN LIÊN QUAN
-
Cảnh báo: Danh sách 3 loại mỹ phẩm không đạt chất lượng, có dấu hiệu giả xuất xứ
-
Cảnh báo: Xuất hiện quảng cáo Viên uống sáng da DIONE vi phạm pháp luật
-
Cảnh báo: Royal Premium Placenta & Collagen 30.000 sử dụng giấy công bố sản phẩm giả
-
Cảnh báo: Tràn lan quảng cáo sản phẩm Tiểu đường Bà Sáu sử dụng giấy tờ giả mạo cơ quan chức năng