Có xa vời không để Huế bứt phá với phát triển công nghiệp văn hóa?
Áo dài Huế, các nghề thủ công truyền thống, ẩm thực đã và đang được đầu tư để biến lợi thế trở thành thứ “quyền lực mềm” trong phát triển kinh tế. Bên cạnh những mô hình tiêu biểu rất đáng mừng vì đâu, vẫn có những làng nghề nhỏ lại, vì sao vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế xứng tầm.
Nhìn lại tinh hoa nghĩ đến công nghiệp văn hoá
Phường Hương Vinh nơi gặp gỡ hai con sông đào Bạch Yến và Đông Ba, từ đầu thế kỷ XVII sầm uất thương nhân người Hoa định cư, lập phố buôn bán với nhiều mặt hàng.
Bao thương thuyền đến từ Hồng Công, Ma Cao, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước châu Âu từng tụ hội về trao đổi, mua bán vật phẩm làm nên không chỉ một Bao Vinh phố cổ mà còn có Địa Linh, La Khê, Thuỷ Phú nhộn nhịp. Năm 1885, Kinh thành Huế thất thủ và rơi vào tay Pháp, Bao Vinh bị tàn phá, nhiều nghề bị mai một. Thế nhưng, hôm nay trở lại Bao Vinh, người ta vẫn cảm nhận được sự sầm uất, tấp nập ở trung tâm chợ, cảnh quan có nhiều nét riêng biệt là phim trường với những bối cảnh làm xao xuyến hàng triệu trái tim.
Nơi đây mỗi địa phận gắn với những ngành nghề khác nhau trong đó có nhiều nghề thủ công: nghề rèn, mộc mỹ nghệ, khảm xà cừ, làm ông Táo, Bài Tới, dệt vải…
Bài Tới là bộ bài dùng để chơi Bài Chòi. Nghề gia truyền phường Hương Vinh nay chính những người thợ cũng không biết rõ có từ khi nào. Bà Ngô Thị Tuyết (67 tuổi) cho hay: “Nghề Bài Tới rất phát triển trong dòng họ Ngô ở làng Địa Linh. Tôi được ông nội truyền nghề lại cùng 8 người con, đến lượt tám người con truyền nghề cho các con, cháu của mình”.
Gọi là Bài Tới bởi theo dân gian người chơi thắng ván bài thường nói lớn “Tôi tới rồi”. Đây là thú chơi từng thịnh hành khắp các địa phương, từ làng quê đến thành phố vào thời gian nhàn rỗi, phổ biến vào dịp Tết Nguyên đán, các hội Bài Chòi.
Nhìn những bộ Bài Tới có 60 con, chia làm ba pho (văn, vạn, sách) với mỗi pho chín cặp và ba cặp Yêu Ông Âm, Thái Tử, Bạch Tuyết làm bằng giấy bồi, in một mặt mộc, lưng phết màu đỏ sẫm bà Tuyết nâng niu ký ức gia đình.
Nghệ nhân Tuyết rưng rưng nhớ lại trước đây, khi làm Bài Tới, bà vẫn thường thắp 4 cây đèn dầu để ngày mai lấy muội than trên bóng đèn làm mực in trước khi ngủ. “Dịp Tết, cả nhà thức đêm làm cho kịp hàng. Để hoàn thành mất nhiều công đoạn nên mỗi ngày dù tập trung cũng chỉ làm được chục bộ”, bà Tuyết nhớ lại.
Dù bài Chòi đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể, ở Hương Vinh bà Tuyết nay đã 70 tuổi là người duy nhất còn gắn bó với nghề làm Bài Tới.
Hay như nghề khảm xà cừ từng được ghi chép trong Phủ biên tạp lục, xứ Thuận Hóa người ta dùng xà cừ để khảm vào bàn ghế, hộp quả, rương hòm, chuôi kiếm từ thời thế kỷ XVII. Sản phẩm nghề đa dạng ở đây mang đến hệ sản phẩm chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật.
Ông Trương Duy Thuấn (69 tuổi) cho biết có thời điểm địa bàn có đến trên 50 nhà theo nghề khảm xà cừ, mang lại hưng thịnh của nghề, công việc ổn định tạo ra nguồn lợi kinh tế cho địa phương.
“Nghề thủ công vùng Bao Vinh với lịch sử hình thành lâu đời, những giá trị văn hóa, kinh tế vốn được lưu truyền giữ gìn đến ngày nay là nguồn lực quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam nói chung, TP Huế nói riêng”, TS Nguyễn Thăng Long, Phân Viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, chia sẻ.
TS Long nhận định phần lớn nguyên liệu có sẵn ở địa phương hoặc các vùng lân cận tạo nên lợi thế về khôi phục và phát triển nghề. Nguồn nguyên liệu các nghề làm Bài Tới, nghề rèn, nghề khảm xà cừ, ông Táo được chủ động chuẩn bị bởi chính những người thợ.
Cơ hội đang mở ra cho việc duy trì, phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống là sự quan tâm về chính sách của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế trong một chiến lược dài hơi khôi phục Bao Vinh thành trung tâm thương mại. Chiến lược nhằm từng bước đưa khu phố cổ này thành điểm du lịch.
Nói đến nghề truyền thống có tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa, lan tỏa ra bên ngoài, thời trang luôn là một “sứ giả” văn hóa quan trọng.
“Đầu tháng 8/2023, tôi nhận được thông tin từ Hiệp hội xúc tiến di sản văn hóa Hàn Quốc. Hiệp hội mong muốn trao đổi và thiết lập quan hệ hợp tác về văn hóa với Thừa Thiên Huế để thúc đẩy quảng bá loại hình trang phục đặc trưng hai nước là Hanbok (Hàn phục) và Áo dài”, TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế - nói và cho rằng đó là tin rất vui phù hợp đề án Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam.
Ngay sau đó, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến di sản văn hóa Hàn Quốc - Park Kyoungchul và bà Anyousun đã tham dự đêm dạ tiệc Áo dài Phong Y Yến tại Huế. Đêm dạ tiệc thành công đem đến những cảm xúc đặc biệt cho đại biểu là du khách, phía Hàn Quốc càng thể hiện quyết tâm hợp tác với Huế. Theo ông Phan Thanh Hải, đã đến lúc chín muồi để hai bên phối hợp cùng đưa Hanbok và Áo dài trở thành biểu trưng quốc gia và là sản phẩm văn hóa sáng tạo của mỗi nước.
Ông Hải cho biết để áo dài thực sự trở thành thương hiệu quốc gia nổi tiếng, sản phẩm của công nghiệp sáng tạo – công nghiệp văn hóa có lẽ còn phải học hỏi và nỗ lực rất nhiều.
Đâu là rào cản cần xé để Huế phát triển công nghiệp văn hóa?
Gần đây, người ta quen mắt hơn với áo dài, áo ngũ thân không chỉ nhờ các sàn diễn thời trang hay khi có lễ hội.
Đâu đó, tiếng giễu cợt vì kêu gọi phục hưng áo ngũ thân, đặc biệt là áo dài nam, đang nhỏ lại vì áo dài đang được du khách chọn mặc ngày một nhiều hơn, đem lại lợi ích về hình ảnh, kinh tế cho Huế.
Từ đó, ông Hải đề xuất đưa áo dài trở thành một sản phẩm tiêu biểu của ngành công nghiệp sáng tạo và công nghiệp văn hóa. Cần sớm chính thức công nhận và vinh danh áo dài với tư cách là một di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, đưa áo dài vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Về lâu dài, lập hồ sơ áo dài với một số tiêu chí đặc trưng nổi bật để đề nghị UNESCO ghi danh.
Tại Huế, đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam được đánh giá là một mô hình văn hóa tiêu biểu, song như thế vẫn là chưa đủ mà cần chính sách chung ở tầm quốc gia cho phục hưng và phát triển áo dài. Các chính sách được đề xuất: hỗ trợ nghệ nhân may đo; phát triển nguồn nguyên liệu; đẩy mạnh “ngoại giao Áo dài”; nghiên cứu mở rộng “không gian sống” cho Áo dài; phát triển Áo dài trong trường học và cho giới trẻ nhằm mở rộng thị trường …
Những năm gần đây, du lịch phố cổ Bao Vinh thu hút được sự quan tâm của giới trẻ. "Nghề thủ công Hương Vinh vẫn gặp những khó khăn, thách thức, suy giảm trên nhiều phương diện. Nhiều nghề có thể dễ dàng biến mất. Việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất còn nhiều hạn chế, rập khuôn… 80% con em gia đình làm nghề thủ công không có nhu cầu học nghề truyền thống. Nhiều cơ sở gặp khó khăn thiếu vốn sản xuất, các nguồn vốn khuyến công có nhiều sự ràng buộc khiến cơ sở sản xuất nhỏ khó tiếp cận”, TS Nguyễn Thăng Long trăn trở.
Từ năm 2005, TP Huế tổ chức Festival Nghề truyền thống định kỳ vào năm lẻ, các Hội thi sáng tác mẫu hàng thủ công khơi dậy tiềm năng sáng tạo của các nghệ nhân, cá nhân, tổ chức. Trong những năm qua, Huế ban hành một số chính sách hỗ trợ, phát triển nghề thủ công truyền thống. Thế nhưng, các nghề thủ công ở Bao Vinh chưa nhiều chuyển biến tình hình sản xuất, tiêu thụ vẫn đang tiếp tục suy giảm, không ít thợ thủ công tìm kiếm công việc khác, thậm chí bỏ nghề.
Nhân tài vật lực, chính sách địa phương đã có nhưng để phát triển công nghiệp văn hóa trước hết cần nâng tầm quan tâm ở cấp quốc gia. Điều rất quan trọng nữa là phải làm cho chính những người Việt yêu quý những sản phẩm văn hóa. Bởi chính họ là người quyết định sự tồn tại, lưu truyền, sáng tạo và lan tỏa giá trị văn hóa. Dường như, nếu không làm được điều này, tất cả sẽ như muối bỏ biển và không thể đi ngược quy luật của thị trường.
Bảo Hòa
Tin khác
- Phân phối hộp số vuông góc chính hãng
- Hệ thống xử lý khí thải Công nghiệp
- Máy Hiện Sóng, Dao Động Ký