SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 02/05/2024
  • Click để copy

Chủ động bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc, từng bước khẳng định vị thế doanh nghiệp

11:22, 20/06/2023
Doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc cần xác định mặt hàng chủ lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì,... Đặc biệt, cần chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại quốc gia này để được bảo vệ và từng bước khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức hội thảo "Nâng cao chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc". Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp đã chia sẻ, đánh giá những lợi thế, khó khăn tại thị trường Trung Quốc, từ đó đưa ra những giải pháp giúp doanh nghiệp Việt nâng cao chất lượng thực phẩm khi xuất khẩu vào thị trường này.

Tiềm năng xuất khẩu sang Trung Quốc còn lớn

Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) - cho biết trong 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp lương thực, thực phẩm và đồ uống đã giảm 4,7% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy ngành công nghiệp lương thực, thực phẩm và đồ uống đang đối mặt với những khó khăn, thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt khi các nước thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu, do đó, thị trường xuất khẩu cũng bị thu hẹp. Ngoài ra, Trung Quốc mở cửa tạo nên nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt, bên cạnh đó cũng có những khó khăn, tăng sức cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam.

z4439945787037_f25458c581

Hội trường hội thảo "Nâng cao chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc".

Ông Lữ đánh giá, hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với các nhóm xuất khẩu chính là hàng chế biến, chế tạo và nông, thủy sản.

Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

z4439947154601_4f7081dad6

Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) - cho biết Trung Quốc là thị trường lớn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, do gần gũi về địa lý, tập quán tiêu dùng của người dân Trung Quốc có một số nét tương đồng với người Việt, mối quan hệ giao thương truyền thống có từ lâu đời, điều này tạo lợi thế rất lớn về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Tuy nhiên, hiện nay thị trường Trung Quốc đã khắt khe hơn về các quy định tiêu chuẩn hàng hóa thực phẩm, các mặt hàng của Trung Quốc có sự tương đồng với hàng xuất khẩu của Việt Nam, điều này đã tạo nên khó khăn, rào cản đối với hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường này

Ông Lữ cho rằng, về lâu dài, ngành chế biến lương thực, thực phẩm vẫn còn dư địa phát triển và tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn nếu các doanh nghiệp khai thác tốt thị trường Trung Quốc và các thị trường tiềm năng khác.

Riêng TP.HCM, ngành chế biến lương thực, thực phẩm là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của địa phương này. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm thành phố không chỉ bảo đảm đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố và thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu đến thị trường nhiều nước trên thế giới.

Tăng cường quản lý chất lượng, nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu

Tại hội thảo, ông Lương Văn Tài - Tùy viên thương mại, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc - cho biết nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc rất lớn, riêng năm 2022 đã nhập khẩu 236 tỷ USD,tăng 7,4% so với năm 2021.

Đáng chú ý, nhiều nhóm mặt hàng nông sản, thực phẩm có kim ngạch nhập khẩu lên đến trên 10 tỷ USD/năm như thủy sản, trái cây, ngũ cốc, đậu nành, dầu ăn, thịt bò, sản phẩm sữa.

Hiện nay, Việt Nam hiện xếp thứ 10 trong số các quốc gia xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt trên 6 tỷ USD nhưng mới chiếm tỷ trọng khoảng 2,6% tổng giá trị nhập khẩu nông sản của nước này.

z4439942744889_9393745358

Doanh nghiệp hỏi về tiềm năng thị trường và nhóm hàng chủ lực khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Riêng nhóm hàng rau quả thì Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Trung Quốc, sau Thái Lan và Chi Lê.

Tuy nhiên, công tác quản lý của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu đang được áp dụng chặt chẽ, khắt khe hơn. Về hàng rào thuế quan cơ bản được dỡ bỏ khi Trung Quốc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Nhưng hàng rào kỹ thuật được đặt ra nhiều hơn, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật bị siết chặt, thường xuyên sử dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá.

“Trung Quốc là một trong những quốc gia có tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm gần như là cao nhất thế giới. Điển hình như giai đoạn trong 3 năm Covid-19, Trung Quốc là quốc gia duy nhất áp dụng kiểm tra test Covid-19 trên bao bì của sản phẩm hàng hóa. Qua đó có thể thấy Trung Quốc ngày càng siết chặt kiểm tra đầu vào. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu đi Trung Quốc cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin, yêu cầu của thị trường này”, ông Tài chia sẻ.

Về tiềm năng xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm, ông Tài cho biết nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu đối với trái cây nhiệt đới của Trung Quốc còn rất lớn và tăng trưởng hàng năm; dự báo đến năm 2026 số lượng tiêu thụ và nhập khẩu trái cây lần lượt đạt 319 triệu tấn và gần 15 triệu tấn. Hàng trái cây Việt Nam chủ yếu xuất sang thị trường miền Nam Trung Quốc như Quảng Tây, Vân Nam, đây là thị trường lâu đời của nước ta.

z4439941198826_7ea48bbac9

Các chuyên gia phân tích các lợi thế và thách thức tại thị trường Trung Quốc hiện nay.

Bên cạnh đó, tiềm năng thị trường tiêu dùng nông sản nhiệt đới tại các địa phương trong nội địa, đặc biệt là khu vực phía Bắc, Đông Bắc Trung Quốc còn dư địa lớn, đây là cơ hội cho nhiều loại nông sản, trái cây, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu.

“Xu hướng tiêu dùng của Trung Quốc, đặc biệt là người tiêu dùng ở đô thị lớn đang quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tiếp tục xây dựng thương hiệu để khai thác tốt lợi thế vị trí địa lý, giá thành sản xuất, vận tải, sự đa dạng các sản phẩm nhiệt đới; tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc…để khai thác và đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường Trung Quốc”, ông Tài khuyến nghị.

Doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc

Đồng quan điểm, ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch Tập đoàn 365 Group - cho biết Trung Quốc mở cửa trở lại giúp hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này dần khôi phục.

Theo ông Cường, dư địa thị trường Trung Quốc lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Ðể gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, các sản phẩm nông sản cần có chất lượng tốt và đáp ứng trúng nhu cầu của người tiêu dùng.

“Tính đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng. Để việc xuất khẩu chính ngạch thành cơ hội gia tăng thị phần, chúng ta cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường. Trước đây thường đi các mặt hàng tiểu ngạch, trong thời gian sắp tới chúng ta nên đi một cách chính ngạch để được bảo hộ, bảo trợ của các cơ quan Việt Nam cũng như là chúng ta tham gia vào thị trường Trung Quốc một cách chính thống”, ông Cường chia sẻ.

z4439943353876_58bb7e7a20

Ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch Tập đoàn 365 Group - cho rằng doanh nghiệp hiện nay chưa quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc.

Là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, ông Cường khuyến nghị doanh nghiệp cần xác định mặt hàng chủ lực của đơn vị là gì, từ đó tìm hiểu các thủ tục xuất khẩu liên quan. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì,...

Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc, để được bảo hộ, bảo trợ khi xẩy ra tranh chấp. Hiện nay, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia chưa được các doanh nghiệp chú trọng, quan tâm đến. Điều này sẽ gây ra các bất lợi nếu một đơn vị nào đó đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc trước.

“Ví dụ như vải thiều Hưng Yên, nếu có một công ty Trung Quốc nào đó đăng ký nhãn hiệu vải thiều Hưng Yên, thì mặc nhiên chúng ta không được phép đăng ký và nhập khẩu mặt hàng này nữa”, ông Cường nói.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần lựa chọn đối tác/kênh phân phối; lựa chọn đơn vị uy tín về logistics để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp cần có chiến lược về vấn đề logistics, xây dựng được các kho bảo quản nông sản ở các địa phương biên giới. Điều này sẽ giúp bảo quản lâu hơn, giữ được chất lượng tốt khi đến thời hạn giao hàng.

Đồng thời, xây dựng mô hình nông nghiệp mới kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bán hàng, bên cạnh đó, có thể nắm bắt thông tin thị trường Trung Quốc nhanh và mới nhất.

Thanh Thảo

Tin khác

Tài sản trí tuệ 21 giờ trước
(SHTT) - Nhãn hiệu mùi hương là một trong những loại nhãn hiệu phi truyền thống, đã được quy định bảo hộ trong các điều ước quốc tế của nhiều quốc gia. Việt Nam cần phải kịp thời có những nghiên cứu và đề xuất giải pháp sửa đổi khắc phục những hạn chế về nhãn hiệu sao cho phù hợp.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Đội 2 - Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Nam tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh trên địa bàn xã Bối Cầu huyện Bình Lục.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Chuẩn bị cho mùa du lịch, đặc biệt là dịp lễ 30/4 - 01/5, Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Đài truyền hình tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, hướng dẫn các quán ăn, nhà hàng, cửa hàng kinh doanh tại các bãi biển thuộc địa bàn được giao quản lý chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Qua công tác thanh, kiểm tra lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi 6 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng...
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) -Thực trạng hút thuốc lá điện tử ở người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đã trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, nhưng đa số là do sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá còn hạn chế, kiến thức chưa đầy đủ.