SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Cảnh báo: "Tiền mất, tật mang" vì sử dụng thuốc đông y trôi nổi trên thị trường

16:21, 26/03/2019
(SHTT) - Việc sử dụng thuốc đông y một cách "bừa bãi" của một bộ phận người tiêu dùng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ hơn 7 tấn thuốc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Theo thông tin ban đầu, chiều ngày 22/3, cơ quan chức năng ập vào kiểm tra kho hàng tại hộ kinh doanh Thiết Hường ở phường Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội) do bà Nguyễn Thị Hường (40 tuổi, ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) làm chủ.

thuoc-dong-y-gia-truyen-troi-noi-tren-mang-a-1116

Cảnh báo: "Tiền mất, tật mang" vì thuốc đông y trôi nổi trên thị trường 

Qua quá trình kiểm tra kho hàng tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục loại nguyên liệu thuốc. Thời điểm này, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng trên.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 19 vị thuốc như táo mèo, nhân trần, quy nhật, kim tiền, xa sâm, hoa nhài, sài đất, kinh giới, trạch tả, lá sen, quế chi, xạ đen... với tổng trọng lượng khoảng hơn 7 tấn.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng trên.

Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thuốc đông y trôi nổi trên mạng

Mạng xã hội được xem là nơi để người dùng có thể dễ dàng mua bán sản phẩm, thậm chí nhiều người còn có thói quen mua cả thuốc chữa bệnh trên mạng.

Thời gian gần đây, chỉ cần dạo quanh một số diễn đàn về gia đình, hội trao đổi buôn bán... thì người dùng đều có thể dễ dàng bắt gặp những lời quảng cáo hấp dẫn về sản phẩm thuốc đông y gia truyền. Loại thuốc này được quảng cáo như một "thần dược", có thể giúp trị dứt điểm nhiều căn bệnh, từ viêm nhiễm phụ khoa, bệnh nhức mỏi xương khớp đến vô sinh hiếm muộn.

Ngoài ra, tất cả mọi quá trình khám chẩn bệnh, tư vấn, mua bán thuốc đều qua mạng hoặc qua điện thoại, tuyệt nhiên người bán không cung cấp địa chỉ bán thuốc.

Nhiều người bán hàng còn khẳng định chắc chắn rằng đây là thuốc đảm bảo an toàn, được tuyển chọn kỹ lưỡng từ những thảo dược quý nên có nhiều tinh chất và cho hiệu quả chữa trị cao. Tuy nhiên, những loại thuốc này hầu hết đều đến tay người bệnh trong tình trạng bảo quản sơ sài, không có nhãn mác hay ghi rõ thành phần thuốc, không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Rước họa vào thân vì thuốc đông y gia truyền trôi nổi trên mạng

Dù việc sử dụng thuốc Đông y gia truyền trên mạng đã được cảnh báo rất nhiều nhưng vẫn có cả loạt trang bán thuốc Đông y trên mạng trị đủ loại bệnh hoạt động công khai. Mặc cho những thứ thuốc này dù không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ nhãn mác nhưng vì "có bệnh thì vái tứ phương" nên có không ít người vẫn mua sử dụng.

Đã xảy ra rất nhiều trường hợp người bệnh phải nhập viện vì dùng thuốc đông y không rõ nguồn gốc trôi nổi trên mạng.

Báo An ninh thủ đô đăng tải trường hợp anh Phan Văn Huỳnh ở số 8, ngõ 160 đường Bến Oánh, phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên vốn bị đau dạ dày đã lâu. Khi tham gia một diễn đàn trên mạng xã hội anh này đã được một người bạn ở Hà Giang có nick name Ng. Kh. RV liên lạc qua chat hướng dẫn cách điều trị. 

Anh Huỳnh đã mua của Ng. Kh. RV 1 liệu trình gồm 60 gói thuốc, với giá 600 nghìn đồng. Thế nhưng, kể từ ngày uống số thuốc này theo hướng dẫn thì anh Huỳnh càng ngày càng thấy mệt. Sau 20 ngày điều trị, anh trở nên kém ăn, sốt cao li bì liên tục và dần dần thấy khó thở. Thấy tình trạng anh càng ngày càng xấu, gia đinh tức tốc đưa anh xuống Hà Nội khám tại Bệnh viện Bạch Mai.

“Tại bệnh viện, các bác sỹ kinh ngạc khi thấy men gan của tôi tăng đến mức trên 1.000Ul/l. Đây là chỉ số cực kỳ nguy hiểm nên họ hỏi gia đình xem chế độ ăn uống của tôi thế nào. Tuy nhiên, không ai lại nghĩ rằng, nguyên nhân của mọi sự tồi tệ này lại do thuốc Nam. Đến khi tôi nhớ ra và kể với bác sỹ việc mình đang điều trị bệnh dạ dày bằng thuốc của Ng. Kh. RV thì bác sỹ lập tức yêu cầu dừng uống và thu lại toàn bộ số thuốc đó để mang đi xét nghiệm” - anh Huỳnh nói.

Cũng tương tự như anh Huỳnh là trường hợp chị Trần Thúy Hà ở số 1, ngõ 35 đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Chị Hà nghe theo tư vấn của Ng. Kh. RV nên đã mua của cô ta 1 liệu trình thuốc dưỡng thai với hy vọng đứa con trong bụng sẽ được khỏe mạnh. Ai ngờ, sau một thời gian uống thuốc, chị Hà bị ra máu liên tục.

Liên lạc với cô bạn lương y người Tày nói trên để hỏi thêm về những triệu chứng này, chị luôn nhận được động viên kèm theo lời tư vấn rằng, tất cả hiện tượng đó đều không sao, cố gắng lấy thêm thuốc để uống thì thai nhi mới khỏe. Thế nhưng, chưa kịp uống đến liều thứ 2 thì chị Hà đã chẳng thể giữ được đứa con trong bụng. Khi phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản, dù thấy chị Hà giọt ngắn, giọt dài vì buồn phiền, nhưng các bác sỹ ở đây cũng bực tức mắng chị xơi xơi vì tội... tự ý mua thứ thuốc tào lao để điều trị.

Như vậy có thể thấy không ít người đã trở thành nạn nhân của những bài thuốc trôi nổi này. Tuy vậy tình trạng bán thuốc đông y không rõ nguồn gốc trên mạng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Lời cảnh báo từ các chuyên gia về nguy cơ nhiễm độc của thuốc đông y gia truyền trôi nổi trên mạng

Trước nguy cơ ngộ độc, nhiễm độc từ thuốc Đông Y trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trao đổi với truyền thông, ông Lê Quang Thọ - Phòng quản lý Y - Dược Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Đối với những cơ sở bán lẻ thuốc đông y, bán dược liệu, thuốc đông y từ dược liệu thì phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc do Sở Y tế cấp phép. Hiện trên địa bàn Hà Nội đang có 71 cơ sở bán thuốc đông y được cấp phép hoạt động. Khi nói về những bài thuốc gia truyền được nhiều người rao bán trên mạng, ông Thọ cho hay: "Người có bài thuốc gia truyền phải được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền theo quy định của Bộ Y tế. Người có bài thuốc gia truyền phải đăng ký hành nghề tại địa phương cấp giấy chứng nhận và chỉ được đăng ký một trong hai hình thức hành nghề là: Khám chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền; Sản xuất kinh doanh bằng bài thuốc gia truyền". Người có bài thuốc gia truyền chỉ được phép hành nghề khi được cơ quan chức năng cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động.

Khi bị các bệnh nan y, mãn tính, nhiều người “có bệnh thì vái tứ phương”. Tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo rằng, mặc dù có nguồn gốc từ cây cỏ, thuốc đông y cũng chứa nhiều độc tố, nếu không sử dụng đúng liều lượng cũng có tác hại, ví dụ như thuốc cơ xương khớp có thể gây giảm trí nhớ, đau dạ dày nếu uống nhiều; thuốc trị viêm gan dễ gây tiêu chảy đối với người thể trạng yếu… Do đó, nếu muốn khám chữa bệnh bằng thuốc Đông Y cần phải đến các cơ sở uy tín để bốc thuốc, bắt mạch. Không nên tự ý sử dụng thuốc Đông Y để chữa bệnh, đặc biệt là những loại thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc trên mạng thì nguy cơ nhiễm bệnh lại càng cao hơn. Tốt nhất, người bệnh nên đến những nơi được Sở Y tế cấp phép như nhà thuốc, phòng khám… để mua những đơn thuốc đảm bảo, cũng như có thầy thuốc theo dõi tình hình bệnh như thế nào.

Trả lời trên VTV.vn, lương y Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cũng đưa ra lời khuyên: "Khi bị bệnh, tốt nhất bệnh nhân nên tìm đến những nơi có uy tín lâu năm, có giấy phép hành nghề, các bệnh viện Đông y để được bắt mạch, kê đơn, tránh tự ý mua thuốc ở các cơ sở không được cấp phép, mua thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc".

Ngoài ra, lương y Nguyễn Xuân Hướng cũng cho biết, thông thường Đông dược có tác dụng khá chậm, nhưng nếu người sản xuất trộn thêm các chất tân dược sẽ đem lại hiệu quả nhanh chóng. Mới uống người bệnh có cảm giác bệnh thuyên giảm ngay, tuy nhiên dùng một thời gian thì nguy hại cho sức khỏe. Vậy nên người bệnh nên cẩn thận và suy nghĩ kĩ khi lựa chọn phương pháp trị bệnh cho mình.

Linh San

Tin khác

Tài sản trí tuệ 15 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp xử phạt vi phạm hành chính, số tiền 45 triệu đồng và tịch thu 1.600 sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Pháp luật 19 giờ trước
(SHTT) - Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng mới của Canada đang tạo ra những làn sóng trái chiều. Các doanh nghiệp đang lo ngại việc đạo luật mới mang lại quá nhiều quyền lực cho chính phủ.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Liên tục sai phạm trong lĩnh vực y tế, Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế - Mega Gangnam bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt 53 triệu đồng.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Chiều 25/4, Đội Quản lý thị trường số 5 Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương phối hợp với Đội 3 Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an huyện Ninh Giang và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương tổ chức giám sát việc tiêu hủy 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore đã thông báo thu hồi một số thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam gồm nem cuốn hải sản Li Chuan (750g), dimsum tôm Bibigo Mandu (350g) và Mini Mandu.