SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Cần nỗ lực hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ

09:59, 26/03/2022
(SHTT) - Việt Nam đang tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới cho nền kinh tế, một định hướng quan trọng là phát huy đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ. Trước yêu cầu ấy, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam” được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố cho thấy, mặc dù tăng trưởng kinh tế cao và được duy trì liên tục ở mức trung bình 7%/năm giai đoạn 1990 - 2010, 6,1%/năm giai đoạn 2011 - 2016 và 7%/năm giai đoạn 2017 - 2019 nhưng nền kinh tế đang đối mặt với một loạt thách thức. Đó là đại dịch Covid-19 kéo dài khiến nền kinh tế trì trệ và có khả năng kéo theo suy thoái nếu không có giải pháp sớm phục hồi và phát triển kinh tế. Trong các năm 2020 và 2021, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 2,91% và 2,58%. Mô hình kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang mất dần lợi thế cạnh tranh; nguy cơ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ già hóa dân số.

Theo Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh, Việt Nam đang tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới cho nền kinh tế, một định hướng quan trọng là phát huy đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động. Định hướng này đòi hỏi phải có những nỗ lực nhằm tăng cường ý thức và hiệu lực bảo vệ sở hữu trí tuệ của cả các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

shtt

 Cần nỗ lực hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong năm 2021, Cục đã tiếp nhận 131.440 đơn các loại (tăng 4,6% so với năm 2020), bao gồm 75.410 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) và 56.030 các loại đơn và yêu cầu khác. Cục cũng đã xử lý được 121.422 đơn các loại, trong đó có 74.559 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 3,8% so với năm 2020) và 46.863 đơn/yêu cầu khác (tăng 12,5% so với năm 2020); cấp 39.056 đối tượng văn bằng bảo hộ SHCN các loại (giảm 3,3% so với năm 2020).

Để đẩy nhanh công tác xử lý đơn, Cục Sở hữu trí tuệ đã xây dựng và phê duyệt “Giải pháp giải quyết tình trạng tồn đọng đơn đăng ký nhãn hiệu” và “Giải pháp xử lý đơn đăng ký sáng chế giai đoạn 2021-2025” để bắt đầu thực hiện từ năm 2022”. Ngoài ra, Cục cũng đã triển khai xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các Quy chế thẩm định các đối tượng SHCN theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút bớt quy trình, đẩy mạnh phân cấp, phần quyền trong việc xử lý đơn. Đến nay, dự thảo các Quy chế đã cơ bản hoàn thiện để ban hành, áp dụng từ năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, trong tình hình hiện nay, khi tính hiệu quả của công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc đàm phán để ký kết đang có xu hướng đặt ra các yêu cầu ngày càng cao và khắt khe hơn, thì vấn đề cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ của nước ta đang trở thành nhiệm vụ có tính cấp bách.

Để làm được điều này đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn về SHCN đối với cán bộ các cơ quan thực thi quyền SHCN; thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan thực thi quyền SHCN với nhau và với các cơ quan quản lý nhà nước về SHCN ở cả trung ương và địa phương.

Trình bày kết quả nghiên cứu “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam”, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM Nguyễn Anh Dương cho biết, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ; tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; hiệu quả sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao.

Để cải thiện chất lượng của hệ thống sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương kiến nghị, Việt Nam cần thu hẹp các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý bằng biện pháp hành chính; giải quyết xung đột giữa nhãn hiệu với quyền tác giả và các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp khác có trước; cần nâng cao năng lực và ý thức bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (đặc biệt là ở nước ngoài); vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến trong việc xử lý dân sự các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ để giảm chi phí cho doanh nghiệp và cá nhân; cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý sở hữu trí tuệ.

Minh Thư

Tin khác

Pháp luật 16 giờ trước
(SHTT) - Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nông Thị Hằng (SN 1987), trú ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội về hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Cuộc chiến pháp lý giữa các công ty dược phẩm từ năm 2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu một tòa án ở London (Anh) thu hồi các bằng sáng chế của công ty đối thủ Moderna về công nghệ phát triển vắc xin COVID-19.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội, một nạn nhân đã trình báo về việc tham gia đầu tư tiền ảo và bị lừa đảo trực tuyến hơn 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, các mánh khóe, chiêu lừa được các đối tượng sử dụng để moi tiền của nạn nhân đều không mới.
Pháp luật 4 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Vũ Thị Kim Dung (Rouse) đã có phần trình bày liên quan đến vấn đề pháp luật về xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, từ sửa đổi đến thực tiễn áp dụng.
Pháp luật 6 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức Hội thảo khoa học tham vấn, trao đổi, thảo luận các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Liên kết hữu ích