Bình Định: Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Ngày 25/01/2024, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bình Định ký ban hành Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024 (Kế hoạch 888).
Theo đó, nội dung kế hoạch nêu, hiện nay, trên thị trường, hàng giả được sản xuất ngày càng tinh vi, khó phân biệt, do vậy công tác phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, doanh nghiệp mới hiệu quả.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử ngày càng phát triển, việc mua bán trực tuyến (online) diễn ra mạnh mẽ, tiềm ẩn nhiều hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên thị trường và lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm.
Thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt kèm theo Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22 tháng 3 năm 2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường; Ngày 25/01/2024, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bình Định ký ban hành Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024. Thời gian thực hiện Kế hoạch từ ngày 25 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 14 tháng 12 năm 2024.
Theo đó, việc triển khai kế hoạch đến hết năm 2024 được thực hiện trên 04 nhóm hoạt động chính: Công tác tuyên truyền, vận động, ký cam kết; Công tác phối hợp; Công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính và công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ trong công tác phòng, chống các hành vi vi phạm về chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ...
Trong công tác kiểm tra, kiểm soát, Cục QLTT tỉnh chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn; thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời xử lý, ngăn chặn triệt để tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trong đó chú trọng đến các cơ sở kinh doanh tại các điểm du lịch, các tuyến đường trọng điểm, tuyến phố du lịch của tỉnh, với các nhóm mặt hàng: Rượu bia, nước giải khát, đường, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, mỹ phẩm, hàng điện tử, bột giặt, các sản phẩm thời trang, hàng dệt may (vải, quần áo, túi xách, ...) và một số các mặt hàng thường xuyên bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường thương mại truyền thống và thương mại điện tử.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật kết hợp vận động ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh không để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán công khai, vi phạm tái diễn.
Bên cạnh đó, Cục QLTT tỉnh Bình Định cũng đã đề ra các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể đến hết năm 2024 để các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên, cần thực hiện một số biện pháp sau:
Một là, tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm chắc tình hình diễn biến thị trường và hoạt động của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; xác định rõ các phương thức, thủ đoạn, đối tượng, mặt hàng vi phạm để có phương án, biện pháp đấu tranh cụ thể, hiệu quả.
Hai là, thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng và địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát, trao đổi, cung cấp thông tin về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ba là, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính và các hình thức khác; vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết không tham gia, tiếp tay sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bốn là, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các hiệp hội tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và đưa tin về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường.
TH
TIN LIÊN QUAN
-
Hà Nội: Phát hiện 40 tấn thịt lợn nhiễm dịch bệnh nguy hiểm, có khả năng lây lan cao
-
Hà Nam: Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực thương mại điện tử
-
Hà Nội: Khởi tố các đối tượng trong đường dây sản xuất, mua bán nước giặt giả
-
Kinh doanh mỹ phẩm vi phạm quy định, Công ty cổ phần thị trường Quốc tế Việt Nam bị phạt 80 triệu đồng