Bảo vệ bản quyền sách: Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan thực thi
Chiều 15/9, tại Trung tâm báo chí Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng”.
Hội thảo là một hoạt động trọng tâm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết, bảo vệ bản quyền là một trong hai trụ cột (cùng với phát triển văn hóa đọc) để thúc đẩy ngành xuất bản phát triển.
Trên thực tế, hiện nay Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ bản quyền với các quy định bảo vệ bản quyền tại Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật liên quan.
Tuy nhiên, sự phát triển như vũ bão của Internet và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ đặc biệt là các công nghệ số bên cạnh việc tạo điều kiện cho các tác giả, chủ sở hữu quyền, các đơn vị xuất bản có thể truyền bá, lưu trữ tác phẩm nhanh chóng và rộng rãi hơn, thì chúng cũng chính là thách thức lớn trong vấn đề bảo về bản quyền sách trên không gian mạng, bản quyền tác giả trong hoạt động xuất bản khi mà các yếu tố quan trọng khác như năng lực quản lý nhà nước, năng lực quản trị của doanh nghiệp, nhà xuất bản và ý thức bảo vệ bản quyền của người sử dụng còn hạn chế.
Điều này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và đe dọa trực tiếp tới sự phát triển ổn định, bền vững của nhiều nền xuất bản, trong đó có các quốc gia ASEAN.
Do đó, Hội thảo này là cơ hội để ngành xuất bản cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp nhằm tạo kết quả hiện hữu, thiết thực trong việc bảo vệ bản quyền sách nói chung, bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng nói riêng.
Đây là diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các đơn vị xuất bản Việt Nam và các nước Đông Nam Á trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế lĩnh vực xuất bản.
Hội thảo tập trung vào những nhóm chủ đề như: Nhận diện những hành vi vi phạm bản quyền trên nền tảng số; đánh giá tình trạng vi phạm bản quyền sách trên các nền tảng số; thực trạng bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á hiện nay: đánh giá thể chế, thiết chế và các giải pháp kỹ thuật bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số hiện nay; chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số của các nước Đông Nam Á…
Sự bùng nổ của công nghệ số là thách thức lớn đối với công tác bảo vệ bản quyền sách, quyền tác giả
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ, mức độ lộng hành của sách giả, sách lậu hiện nay có thể gọi là "quốc nạn". Nó giống một thứ virus, liên tục bào mòn sức khỏe văn hóa, tinh thần của cộng đồng. Nhìn xa hơn, nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh của đất nước, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung và kinh doanh văn hóa của Việt Nam nói riêng.
Bà Phan Thị Thu Hà, Chủ tịch HĐTV - Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ thông tin, theo số liệu nghiên cứu năm 2022 của Media Partners Asia, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực (sau Indonesia và Philippines) về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Tính theo đầu người, Việt Nam đứng thứ nhất, với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp, làm thất thoát khoảng 348 triệu USD. Vi phạm quyền tác giả trên không gian số được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau, và ảnh hưởng đến hầu hết các nội dung văn hóa - nghệ thuật: văn học, hội họa, âm nhạc, điện ảnh... Chưa bao giờ, vấn nạn xâm phạm quyền tác giả đối với các nội dung trên nền tảng số gióng lên hồi chuông báo động không chỉ cho các lực lượng chức năng mà còn là các cá nhân, tập thể liên quan như hiện nay.
Nhiều trang web công bố các “sản phẩm văn hóa lậu” ngày càng “nở rộ”, hoạt động ngang nhiên, bất chấp các quy định của pháp luật. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới nhằm làm cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện. Ngoài ra, những hành vi xâm phạm quyền tác giả này còn được tiếp tay bởi nhiều “người dùng” khi đọc, xem các bản sao chép lậu trên mạng. Thậm chí, có nhiều người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật để sản xuất những nội dung khác đưa lên mạng xã hội mà không cần xin phép hay trả tác quyền. Hơn nữa, các hình thức, phương pháp vi phạm bản quyền hết sức tinh vi và biến đổi liên tục, luôn che giấu thông tin chi tiết, thực hiện xuyên biên giới từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.
Ông Arys Hilman Nugraha, Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia cũng cho biết, vi phạm bản quyền sách đã trở thành một vấn nạn lớn trong ngành xuất bản Indonesia. Thế giới kỹ thuật số rất dễ dãi với việc vi phạm bản quyền và sao chép bất hợp pháp. Các quy định không có lợi cho các nhà xuất bản sách.
"Hơn 75% thành viên của Hiệp hội Nhà xuất bản Indonesia (Ikapi) đã phát hiện sách của họ bị vi phạm bản quyền trên các chợ trực tuyến. Thủ tục khiếu nại và loại bỏ sách lậu khỏi chợ không hề dễ dàng. Các sàn thương mại thậm chí có thể trốn tránh trách nhiệm phân phối các sản phẩm bất hợp pháp", ông Arys Hilman Nugraha cho biết.
Năm 2019, 11 nhà xuất bản thuộc Ikapi báo cáo sách bị vi phạm bản quyền, thiệt hại lên tới 7,5 triệu USD. Con số thiệt hại thực tế chắc chắn còn lớn hơn khi số lượng thành viên Ikapi năm đó là khoảng 1.600 thành viên.
Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng
Ông Atty. Dominador D. Buhain, Chủ tịch Hội Xuất bản Philippines cho biết, để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng, Chính phủ Philippines đã cử một cơ quan phụ trách bảo vệ bản quyền. Cơ quan này nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục ý thức bản quyền và thúc đẩy các khuôn khổ pháp lý tạo ra sự thay đổi lâu dài trong việc giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền.
Về phía Việt Nam, ThS. Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho rằng, để bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách. Đồng thời, cần có ý thức tôn trọng, bảo vệ sự sáng tạo trong văn học nghệ thuật và khoa học qua các tác phẩm sách, thể hiện trước hết bằng việc đọc, xem, sử dụng sách có bản quyền và không sao chép, chia sẻ sách của người khác mà chưa được sự đồng ý dưới mọi hình thức. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của các chủ thể quyền, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và người dân về thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan bằng các hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn, tập trung vào các nhóm chủ thể cụ thể, đặc thù riêng như nhóm chủ thể có quyền, nhóm doanh nghiệp làm trong lĩnh vực sáng tạo, nhóm khai thác, sử dụng,…; Tổ chức tập huấn đội ngũ làm công tác quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương…
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á nhiệm kỳ 2022-2023, khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA), hiện đang là Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội. Việt Nam ý thức được vai trò, tầm quan trọng của ngành xuất bản, trong đó có vấn đề bảo vệ bản quyền và đang tiếp tục đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành xuất bản.
Nguyễn Huế