SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Bán hàng giả mạo nhãn hiệu trên Facebook, chủ tài khoản bị phạt 25 triệu đồng

07:49, 10/07/2021
(SHTT) - Thông tin từ Tổng cục QLTT cho biết, mới đây, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Gia Lai đã ban hành quyết định xử phạt một chủ tài khoản trên Facebook số tiền 25 triệu đồng do có hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng giả trên môi trường Internet.

Cụ thể, Cục QLTT cho biết, qua thời gian theo dõi và quản lý địa bàn, vào ngày 24/6/2021, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Gia Lai đã tiến hành kiểm tra đột xuất đại điểm kinh doanh của bà Nguyễn Thị Liên, tại địa chỉ đường Anh Hùng Núp, tổ dân phố 6, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.

Tại thời điểm kiểm tra, bà Liên đang sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook có tên “Kim Lien” có địa chỉ: https://www.facebook.com/kimliendamcongsorevadep/ để livestream, chốt đơn và bán trực tiếp trên mạng xã hội, giao nhận theo hình thức COD thông qua các đơn vị chuyển phát nhanh.

Qua kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện tại vị trí đang livestream có 69 cái áo thun, trên áo in nhãn hiệu GC (Gucci), nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, bà Liên không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định.

ef269ab67f398b67d228

 

Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hoá nêu trên và đồng thời phối hợp với chủ sở hữu công nghiệp theo giấy uỷ quyền của Gucci tại Việt Nam để gởi hình ảnh đối chiếu, xem xét kết quả giám định từ đó đi đến kết luận toàn bộ số sản phẩm trên là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu Gucci đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Căn cứ quy định của pháp luật và tài liệu có trong hồ sơ, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định xử phạt chính đối với hành vi buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng giả trên môi trường Internet với tổng số tiền phạt là 25 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu huỷ toàn bộ số hàng hoá giả mạo nhãn hiệu đã tạm giữ và đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với hành vi vi phạm này trong thời hạn 02 tháng. 

Buôn bán hàng “fake” bị xử lý như thế nào?

Phạt hành chính

Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, người buôn bán hàng fake có thể bị phạt hành chính về hành vi buôn bán hàng giả hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng hoặc hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

- Trường hợp được xác định là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, người bán sẽ bị phạt hành chính theo Điều 9 Nghị định 98 với số tiền từ 01 - 70 triệu đồng tùy theo giá trị số hàng giả bị phát hiện tương đương với hàng thật.

- Trường hợp được xác định là hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, người bán sẽ bị phạt hành chính theo Điều 11 với tiền từ 01 - 50 triệu đồng tùy theo giá trị hàng giả tương đương với hàng thật.

Ngoài phạt tiền, người bán sẽ bị tịch thu số hàng giả bị phát hiện và bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Lưu ý: Nếu tổ chức vi phạm thì sẽ áp dụng mức phạt gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.

Xử lý hình sự

Ngoài quy định về xử phạt hành chính như trên, việc bán hàng giả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn bán hàng giả tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 nếu thuộc một trong các trường hợp:

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng trở lên;

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên;

- Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên.

Theo Điều 192 Bộ luật Hình sự, người phạm tội buôn bán hàng giả có thể bị phạt tiền từ 100 triệu - 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 - 05 năm. Ngoài ra, tội này còn quy định các khung hình phạt tăng nặng khác với mức phạt lên đến 15 năm tù. Pháp nhân phạm tội này có thể bị phạt tiền đến 09 tỷ đồng hoặc đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Thái An

Tin khác

Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở mang tên “LuxCell - Ứng dụng liệu pháp tế bào gốc trong y học tái tạo” ngang nhiên quảng cáo và hành nghề trái phép trong lĩnh vực khám, chữa bệnh và tàng trữ nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc tại địa chỉ số 186 – 186A Cách Mạng Tháng Tám, Phường 10, Quận 3.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh phối hợp với UBND huyện Gia Bình tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ SHTT với hình thức Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Tỏi một nhánh Gia Bình”.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Theo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, Viện thẩm mỹ quốc tế CCI Beauty Center cố tình núp bóng phòng khám chuyên khoa da liễu và lấy địa chỉ các bệnh viện khác “biến” thành cơ sở của mình.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với UBND thị xã Quế Võ tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận “Dưa gang muối Quế Võ”.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Adidas hiện đang phải đối mặt với sự thẩm vấn gay gắt của tòa phúc thẩm Hoa Kỳ trong nỗ lực khôi phục vụ kiện tuyên bố hãng thời trang Thom Browne đã xâm phạm nhãn hiệu ba sọc mang tính biểu tượng của công ty.