SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Ai, cơ quan nào chống hàng giả?

09:43, 27/11/2015
Lại một lần nữa, nhân Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29-11 hàng năm), một hội nghị quy tụ nhiều bên liên quan đến lĩnh vực này được tổ chức. Các diễn giả tiếp tục liệt kê những khó khăn, đề xuất những giải pháp (không mới) trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng chốt lại, ai, ban ngành nào sẽ chống lại vấn nạn quốc gia và toàn cầu này và bao giờ người tiêu dùng được bảo vệ thì... vẫn chưa thể có câu trả lời chính xác.

Phát biểu tại Hội thảo “Chống hàng giả, hàng lậu và vi phạm sở hữu trí tuệ để hội nhập và phát triển bền vững” do Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM phối hợp cùng Công ty cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Vina (Vina CHG) tổ chức tại TPHCM ngày hôm nay, 26-11, ông Phạm Ngọc Tuynh, Phó trưởng văn phòng đại diện tại TPHCM của Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương nói, ông rất đồng tình với ý kiến của đại diện Ban 389 phát biểu trước đó rằng trong công tác chống hàng giả, cơ quan quản lý chỉ ở một chừng mực, chủ yếu vẫn là doanh nghiệp tự đấu tranh và hợp tác.

Ông Tuynh chia sẻ, ông không chuẩn bị số liệu cụ thể cho buổi hội thảo này nhưng có thể chỉ ra những nét chính của tình hình hiện tại. Theo đó, buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, phương thức tinh vi, lợi dụng những quy định chưa rõ ràng của nhà nước. Còn sản xuất, buôn bán hàng giả thì có thêm nhiều chuyển biến nguy hiểm.

Trước đây, chỉ có hàng nội giả hàng ngoại hoặc hàng trong nước thì nay có hàng ngoại giả hàng ngoại và hàng trong nước sản xuất, hàng giả nhập qua biên giới do các cá nhân, tổ chức đặt hàng sản xuất ở nước ngoài rồi đưa về tiêu thụ.

Hàng giả vốn phổ biến chủ yếu ở vùng nông thôn thì nay tràn ngập ở các thành phố lớn. Đối tượng sản xuất hàng giả từ nhỏ lẻ đã phát triển thành quy mô lớn, có những tụ điểm, làng nghề chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu thụ mạnh, có những đường dây liên tỉnh, xuyên biên giới...

Hàng giả nhưng được sản xuất bằng công nghệ hiện đại nên giống hàng chính hiệu đến mức khó nhận biết, phân biệt (với cả cơ quan chức năng lẫn người tiêu dùng). Hàng giả ngày nay ngày càng khó phát hiện, nguy hại đến sức khỏe, nòi giống… Và trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng thì thực trạng này ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, khả năng cạnh tranh của Việt Nam bên cạnh những tác hại vẫn được nhắc đến như thất thu ngân sách nhà nước, xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng…

Và cơ quan quản lý nhà nước đã phát hiện nhiều vụ vi phạm, xử lý, truy tố hình sự nhiều đối tượng. “Nhưng tình hình vẫn nghiêm trọng, cần tăng cường hoạt động vì hội nhập sâu rộng và doanh nghiệp chịu rất nhiều sức ép”, ông Tuynh nêu quan điểm. Và các giải pháp mà ông Tuynh đề xuất chủ yếu vẫn là tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, quy định.

Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng phụ trách văn phòng đại diện phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ, chia sẻ, trong 395 vụ xử lý hình sự liên quan đến hàng giả tính đến nay thì không có vụ nào liên quan đến sở hữu trí tuệ. Các cơ quan nhà nước chỉ viện dẫn điều 156 Luật Hình sự (giả chất lượng – tội sản xuất, buôn bán hàng giả) để xử lý cho chắc chắn mà không ai viện dẫn điều 170, 171 (xử phạt hành vi xâm phạm sở hữu công nghiệp) để bảo vệ doanh nghiệp.

Vì vậy, cứ nói rằng Nhà nước phải vào cuộc, không có vùng cấm trong xử lý hàng giả nhưng chọn xử lý trên khía cạnh chất lượng thì lại rất mất thời gian, công sức vì cần có đội ngũ kiểm tra chuyên ngành. Trong khi đó, giả về hình thức hiện rất phổ biến, hiển hiện trước mắt, chỉ cần đến những địa điểm mua sắm như Saigon Square, Chợ Bến Thành… hay các trang mua bán trên mạng là có thể thấy nhưng lại chưa được chú ý.

Bên cạnh đó, theo ông Khuê, quy định pháp luật của Việt Nam hiện nay rất nhiều và cũng tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia khá đầy đủ nhưng chế tài chưa đủ sức mạnh, nhiều công cụ chưa phát huy được vai trò do năng lực của người thực thi, thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài…  Ông Khuê cho rằng, hình như bản thân ngành ông vẫn tuyên truyền chưa đủ nên cộng đồng vẫn chưa hiểu hết về quyền và nghĩa vụ của mình trong sở hữu trí tuệ.

Do vậy, theo ông Khuê, trong cuộc chiến chống hàng giả này cần có sự đồng loạt của tất cả các phía mới có cơ may đẩy lùi.

Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, thì cho rằng, người tiêu dùng hiện nay dù có thông minh đến mấy cũng không cách nào thoát khỏi bẫy hàng giả tinh vi. Đến khi gặp chuyện, người tiêu dùng đi khiếu nại thì thường không thành công vì rất nhiều lý do, từ chuyện không có chứng từ thể hiện giao dịch, sản phẩm không được giám định, người kinh doanh trốn tránh trách nhiệm…

Và trong nhiều trường hợp, vì bộ phận bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở cấp huyện, phường xã (theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định) vẫn chưa có nên khi câu chuyện được phản ánh đến cơ quan ở cấp thành phố thì hiện trường đã dẹp từ lâu. Theo ông Phong, đó là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến phong trào người tiêu dùng trực tiếp tham gia chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng...

Và vì vậy, dù đã có hàng trăm hội thảo, hàng nghìn bài viết, hàng chục đề tài khoa học thì vấn đề này vẫn luôn mới và hầu như chưa được giải quyết rốt ráo. Hệ quả là hàng giả, hàng lậu vẫn cứ tràn lan, ảnh hưởng đến nền kinh tế và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.