Xã Canh Nậu (Thạch Thất): Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP tại địa phương
Canh Nậu: Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP
Nổi danh là một trong những làng nghề mộc truyền thống tiêu biểu tại huyện Thạch Thất, với sản phẩm đa dạng là các mặt hàng nội thất gỗ như đồ thờ bằng hỗ, đồ gỗ nội thất gia đình, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, đồ giả cổ, sập gụ, tủ chè, bàn ghế gỗ phòng khách, sập thờ, tủ thờ, án gian, cửa võng, tủ - kệ tivi, bàn ăn ghế ăn, đóng tủ bếp, tủ quần áo, bàn trang điểm, giường ngủ, khung gương, khung tranh, cầu thang gỗ, cửa gỗ… làm từ gỗ tự nhiên chất lượng cao, cùng với lịch sử phát triển của địa phương, danh tiếng gỗ mộc Canh Nậu cũng ngày càng được lan rộng tới các địa phương trong nước và thị trường nước ngoài.
Xác định chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, chính quyền xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) đã sớm chú trọng phát triển làng nghề mộc truyền thống, bắt kịp các xu hướng hiện đại.
Bên cạnh đó, với tinh thần tích cực tiếp thu cái mới, loại bỏ sự lạc hậu để đi lên xây dựng kinh tế địa phương, trong những năm qua, chính quyền xã Canh Nậu đã tích cực triển khai các nhiệm vụ trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm theo chủ chương của thành phố Hà Nội và Chính phủ.
Nếu như trước đây, các công đoạn để tạo nên những sản phẩm từ pha gỗ, tạo phôi đến chạm khắc hoàn thiện đều được thực hiện thủ công thì hiên nay, nhờ triển khai hiệu quả chương trình OCOP, hiện nay các xưởng mộc tại Canh Nậu đã chuyển từ sản xuất truyền thống sang hiện đại, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, thay đổi mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của thị trường, từ đó, tạo ra thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Các chủ xưởng trẻ tuổi tại địa phương đã mạnh dạn đầu tư máy móc, cập nhật những công nghệ mới để giảm sức lao động của con người, nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời gia tăng mức độ hoàn thiện của sản phẩm. Bên cạnh đó, với sự dẫn dắt của những 'bàn tay vàng' của những nghệ nhân lão làng, mức độ tinh xảo của các sản phẩm đồ gỗ Canh Nậu ngày càng trở nên tinh xảo hơn, tạo được dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường.
Hiện nay, bên cạnh mặt hàng đồ thờ gỗ, làng nghề mộc Canh Nậu còn sản xuất đa dạng các mặt hàng nội thất gỗ nội thất khác theo xu hướng và thị hiếu luôn thay đổi của người tiêu dùng như: đồ gỗ nội thất gia đình, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, đồ giả cổ, sập gụ, tủ chè, bàn ghế gỗ phòng khách, sập thờ, tủ thờ, án gian, cửa võng, tủ – kệ tivi, bàn ăn ghế ăn, đóng tủ bếp, tủ quần áo, bàn trang điểm, giường ngủ, khung gương khung tranh, cầu thang gỗ, cửa gỗ, …
Ngoài làm bán sẵn, hầu hết các xưởng nội thất ở Canh Nậu đều sẵn sàng nhận đặt hàng đóng theo mẫu riêng mà khách hàng yêu cầu.
Theo chia sẻ từ lãnh đạo UBND xã Canh Nậu, trong năm 2020, địa phương đã đăng ký và được Thành phố công nhận 13 sản phẩm OCOP (Gồm: Sập sen chàn gỗ gụ; bức khánh phúc gỗ gụ; Bộ bàn ghế móc mỏ gỗ gụ; trường kỷ gỗ gụ; tủ chè gỗ gụ; sập gỗ gụ; bộ bàn ghế guột dơi gỗ gụ; đồng hồ cô tiên gỗ hương; trường kỷ gỗ mun sừng; sập thờ gỗ gụ; sập sen gỗ mun; kệ hoa lá tây gỗ mun; bộ bàn ghế tam đa gỗ mun).
Sẽ sớm có 'Hội nghệ nhân làng nghề gỗ mỹ nghệ xã Canh Nậu'
Chia sẻ với Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, ông Đỗ Ngọc Quang – Chủ tịch UBND xã Canh Nậu, cho biết, lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp đóng góp phần lớn vào cơ cấu kinh tế địa phương.
Báo cáo kinh tế địa phương cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất đến tháng 9/2023 đạt 14,5%. Trong đó: Giá trị sản xuất Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 16,57%; giá trị thương mại – dịch vụ đạt 10,65%; giá trị nông nghiệp đạt 7,5%. Cơ cấu các ngành: Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chiếm 72,5%; thương mại – dịch vụ chiếm 23,6%; nông nghiệp chiếm 3,9%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân hàng năm đạt trên 800 triệu đồng, tổng thu ngân sách xã đạt trên 9 tỷ đồng.
Cho đến nay, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn xã đang hoạt động hiệu quả là trên 90 doanh nghiệp và trên 1.000 hộ sản xuất kinh doanh với tổng số lao động trên địa bàn xã là 9.465 người, trong đó lao động sản xuất, kinh doanh công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là 6.950 người.
Những năm gần đây, thuận theo xu hướng đi lên của kinh tế đất nước, nghề mộc của xã Canh Nậu theo đó cũng ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Thay vì sản xuất manh mún theo kiểu thủ công hộ gia đình truyền thống, các tay thợ lành nghề tại địa phương đã mạnh dạn đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, thành lập công ty, mở rộng xưởng sản xuất quy mô lớn, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường, thành lập cụm công nghiệp làng nghề tập trung… nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng.
Hiện, trên địa bàn xã Canh Nậu có một Cụm công nghiệp làng nghề giai đoạn 1 với tổng diện tích 10,7 ha, đã tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất cho 237 doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh đồ mộc hiện đang hoạt động hiệu quả.
Hiện nay, xã cũng đang tiếp tục đề nghị thành phố chấp thuận cho xét duyệt 99 hộ/99 thửa đất còn lại của giai đoạn 1. Ngoài ra, xã và huyện cũng đã trình Thành phố thẩm định và chuẩn bị phê duyệt thành lập Cụm công nghiệp làng nghề - giai đoạn 2 với tổng diện tích 17,22 ha.
Do ngành nghề mộc truyền thống phát triển mạnh, từ nhiều năm trở lại đây, một trong những nhiệm vụ mà UBND xã Canh Nậu đặc biệt chú trọng là phát huy tiềm năng làng nghề, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Theo đó, hiện nay, chính quyền địa phương cũng đang tích cực phối hợp cùng các cơ quan và Hội nghề địa phương cùng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thành lập Hội nghệ nhân làng nghề gỗ mỹ nghệ xã Canh Nậu từ tiền thân là hội tự phát với 32 thành viên ban đầu.
Dự kiến, vào năm 2024, các thủ tục sẽ được hoàn tất và Hội nghệ nhân làng nghề gỗ mỹ nghệ xã Canh Nậu sẽ chính thức đi vào hoạt động và trở thành nền tảng để đẩy mạnh hơn nữa thương hiệu đồ gỗ Canh Nậu ra thị trường trong nước và quốc tế.
Thái An - Bùi Huyền