SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 10/10/2024
  • Click để copy

Canh Nậu: Diện mạo mới của làng nghề trong thời kỳ kinh tế thị trường

14:55, 18/10/2023
(SHTT) - Thay vì tất tả ngược xuôi đi làm thuê nơi xứ người như trước đây, trong thời kỳ kinh tế thị trường mới, người dân Canh Nậu với nghề mộc truyền thống hiện đang tập trung trở lại quê hương để xây dựng làng nghề và phát triển kinh tế tại địa phương.

Canh Nậu - Cái nôi của nghề mộc

Là địa phương có nghề mộc truyền thống được duy trì và phát triển qua bao đời, xã Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) đã nuôi dưỡng được nhiều tay thợ lành nghề vang danh khắp cả nước. Trong suốt những năm qua, họ đã và đang sử dụng nghề mộc truyền thống trong phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao. 

Trước đây, các thợ mộc trên địa bàn xã Canh Nậu thường đi khắp các tỉnh, thành để xây dựng đình, chùa, nhà thờ, nhà gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ… Tuy nhiên, hiện nay, khi nền kinh tế thị trường thay đổi, các hộ dân trong làng nghề cũng dần dịch chuyển sang sản xuất các đồ nội thất đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Với chất lượng và mẫu mã đa đạng, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, hiện tại, sản phẩm mộc của làng nghề Canh Nậu đã xây dựng được vị thế vững chắc tại thị trường trong nước và quốc tế. Các sản phẩm làm từ gỗ tại Canh Nậu đang ngày ngày được chuyển đi tiêu thụ tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước và xuất khẩu.

IMG_0621

Lãnh đạo UBND xã Canh Nậu chia sẻ về những chuyển biến tích cực trong tình hình kinh tế mới tại địa phương.

Theo chia sẻ của các lãnh đạo tại UBND xã Canh Nậu, vào năm 2003, làng nghề Canh Nậu được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp Bằng công nhận làng nghề Mộc truyền thống. Đây là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của Canh Nậu, góp phần đưa hoạt động sản xuất của làng nghề ngày càng được quy hoạch một cách bài bản thông qua các chương trình xây dựng chỉ dẫn địa lý thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của làng nghề.

Năm 2013, tại Hội chợ làng nghề do UBND huyện Thạch Thất tổ chức tại Cụm Công nghiệp làng nghề xã Canh Nậu, rất nhiều sản phẩm của các làng nghề đã được mang tới trưng bày, trong đó các mặt hàng đồ gỗ của làng nghề thủ công mỹ nghệ tại xã Canh Nậu đã nhận được sự quan tâm lớn của doanh nghiệp và khách tham quan.

239572288_1045085112966192_6859645090696992290_n

Thôn 3 được biết đến là một trong những địa điểm sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ được biết đến nhiều nhất tại Canh Nậu

Những năm gần đây, thuận theo xu hướng đi lên của kinh tế đất nước, nghề mộc của xã Canh Nậu theo đó cũng ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Thay vì sản xuất manh mún theo kiểu thủ công hộ gia đình truyền thống, các tay thợ lành nghề tại địa phương đã mạnh dạn đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, thành lập công ty, mở rộng xưởng sản xuất quy mô lớn, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường, thành lập cụm công nghiệp làng nghề tập trung… nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng.

Hiện nay, bên cạnh mặt hàng đồ thờ gỗ, làng nghề mộc Canh Nậu còn sản xuất đa dạng các mặt hàng nội thất gỗ nội thất khác theo xu hướng và thị hiếu luôn thay đổi của người tiêu dùng như: đồ gỗ nội thất gia đình, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, đồ giả cổ, sập gụ, tủ chè, bàn ghế gỗ phòng khách, sập thờ, tủ thờ, án gian, cửa võng, tủ – kệ tivi, bàn ăn ghế ăn, đóng tủ bếp, tủ quần áo, bàn trang điểm, giường ngủ, khung gương khung tranh, cầu thang gỗ, cửa gỗ, …

Ngoài làm bán sẵn, hầu hết các xưởng nội thất ở Canh Nậu đều sẵn sàng nhận đặt hàng đóng theo mẫu riêng mà khách hàng yêu cầu.

Hội nghệ nhân làng nghề gỗ mỹ nghệ xã Canh Nậu -  Nền tảng thúc đẩy sự phát triển thương hiệu đồ gỗ Canh Nậu trong thời kỳ kinh tế thị trường

Theo ông Đỗ Ngọc Quang – Chủ tịch UBND xã Canh Nậu, lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp đóng góp phần lớn vào cơ cấu kinh tế địa phương. Báo cáo kinh tế địa phương cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất đến tháng 9/2023 đạt 14,5%. Trong đó: Giá trị sản xuất Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 16,57%; giá trị thương mại – dịch vụ đạt 10,65%; giá trị nông nghiệp đạt 7,5%. Cơ cấu các ngành: Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chiếm 72,5%; thương mại – dịch vụ chiếm 23,6%; nông nghiệp chiếm 3,9%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân hàng năm đạt trên 800 triệu đồng, tổng thu ngân sách xã đạt trên 9 tỷ đồng.

IMG_0644

Ông Đỗ Ngọc Quang – Chủ tịch UBND xã Canh Nậu.

Cho đến nay, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn xã đang hoạt động hiệu quả là trên 90 doanh nghiệp và trên 1.000 hộ sản xuất kinh doanh với tổng số lao động trên địa bàn xã là 9.465 người, trong đó lao động sản xuất, kinh doanh công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là 6.950 người.

Trong năm 2020, Xã Canh Nậu đã đăng ký và được Thành phố công nhận 13 sản phẩm OCOP (Gồm: Sập sen chàn gỗ gụ; bức khánh phúc gỗ gụ; Bộ bàn ghế móc mỏ gỗ gụ; trường kỷ gỗ gụ; tủ chè gỗ gụ; sập gỗ gụ; bộ bàn ghế guột dơi gỗ gụ; đồng hồ cô tiên gỗ hương; trường kỷ gỗ mun sừng; sập thờ gỗ gụ; sập sen gỗ mun; kệ hoa lá tây gỗ mun; bộ bàn ghế tam đa gỗ mun), đều xếp hạng 4 sao.

img-71042023061616212220230616184150.6062330

Các sản phẩm đồ gỗ chất lượng cao từ làng nghề Canh Nậu luôn được thị trường săn đón 

Hiện, trên địa bàn xã Canh Nậu có một Cụm công nghiệp làng nghề giai đoạn 1 với tổng diện tích 10,7 ha, đã tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất cho 237 doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh đồ mộc hiện đang hoạt động hiệu quả.

Hiện nay, xã cũng đang tiếp tục đề nghị thành phố chấp thuận cho xét duyệt 99 hộ/99 thửa đất còn lại của giai đoạn 1. Ngoài ra, xã và huyện cũng đã trình Thành phố thẩm định và chuẩn bị phê duyệt thành lập Cụm công nghiệp làng nghề - giai đoạn 2 với tổng diện tích 17,22 ha.

Do ngành nghề mộc truyền thống phát triển mạnh, từ nhiều năm trở lại đây, một trong những nhiệm vụ mà UBND xã Canh Nậu đặc biệt chú trọng là phát huy tiềm năng làng nghề, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. 

Theo đó, hiện nay, chính quyền địa phương cũng đang tích cực phối hợp cùng các cơ quan và Hội nghề địa phương cùng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thành lập Hội nghệ nhân làng nghề gỗ mỹ nghệ xã Canh Nậu từ tiền thân là hội tự phát với 32 thành viên ban đầu.

Dự kiến, vào năm 2024, các thủ tục sẽ được hoàn tất và Hội nghệ nhân làng nghề gỗ mỹ nghệ xã Canh Nậu sẽ chính thức đi vào hoạt động và  trở thành nền tảng để đẩy mạnh hơn nữa thương hiệu đồ gỗ Canh Nậu ra thị trường trong nước và quốc tế.

Thái An - Bùi Huyền

Tin khác

Kinh tế 2 giờ trước
(SHTT) - Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Bình Thuận liên tiếp phát hiện và xử lý 04 cơ sở kinh doanh trên địa bàn quản lý về các hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kinh doanh hàng hoá nhập lậu.
Kinh tế 6 giờ trước
(SHTT) - Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng còn gặp nhiều khó khăn nên cần tìm ra các giải pháp thiết thực, trong đó cần chú trọng khoa học công nghệ...
Kinh tế 22 giờ trước
(SHTT) - Nhận thấy hiệu quả trong xuất khẩu lao động, huyện Quan Sơn - Thanh Hóa không ngừng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động. Đây là hướng đi hiệu quả, là cơ hội để để giảm tỷ lệ hộ nghèo cao huyện Quan Sơn, giúp người lao động đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Kinh tế 22 giờ trước
(SHTT) - Tổng cục Hải quan đang xây dựng đang xây dựng hệ thống để kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN...
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực, thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung thực hiện cấp mã số vùng trồng, từ đó kiểm soát một cách hiệu quả từ quy trình sản xuất đến truy xuất nguồn gốc trên thị trường.