SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 16/05/2024
  • Click để copy

Vĩnh biệt ‘quái kiệt’ Tùng Lâm – Danh hài cuối cùng của thế hệ trước 1975

11:11, 17/10/2023
(SHTT) - Có thể nói rằng “làng Cười” của miền Nam bắt đầu từ “quái kiệt” Trần Văn Trạch rồi đến những: Thanh Hoài, Thanh Việt, Xuân Phát,… Tất cả đều đã khuất bóng, vào 5 giờ sáng Chủ nhật 15/10, chúng ta chia tay với danh hài cuối cùng của thế hệ trước 1975: Nghệ sĩ Tùng Lâm, ông ra đi ở tuổi 90…

Cách đây hơn 20 năm, người viết đi tìm nghệ sĩ Tùng Lâm để hoàn thành loạt bài về các danh hài miền Nam cho báo Thanh Niên, dọ hỏi mãi mới biết ông ở Ngã năm Bình Hòa (Bình Thạnh, TP.HCM), và rồi giữa ông và người viết có mối giao tình từ đó. Tôi vẫn thường gặp ông trong những dịp họp mặt tất niên của nhóm Tao Ngộ Bằng Huynh (các nghệ sĩ, nhạc công trước 1975) hoặc mỗi khi danh ca Chế Linh về nước gặp gỡ anh em nghệ sĩ cũ…

1

 Tùng Lâm và Xuân Phát

Tùng Lâm có cái đặc biệt là chỉ cân ló mặt ra sân khấu, chưa nói câu nào nhưng khán giả đã cười rần rần. Tuy vậy, ít ai biết ngoài khả năng chọc cười thiên hạ, ông đã từng là “ca sĩ thứ thiệt”! Thuở nhỏ ông thường xuyên đi ca tài tử với bạn bè khắp chôn, rồi được nhạc sĩ Lê Bình dạy nhạc và đàn mandolin. Năm 1948, Tùng Lâm mới 14 tuổi đã đăng ký dự thi Tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Pháp - Á. Đáng ngạc nhiên là Tùng Lâm đã đoạt giải nhất với bài An Phú Đông của nhạc sĩ Lê Bình, qua đó ông thường xuyên được ca tài tử trên đài. Đến năm 1952, Tùng Lâm lại đoạt giải nhất cuộc thi Tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn với bài Tiếng dân chài của Phạm Đình Chương. Người đoạt giải nhì là Thanh Giang (học trò của quái kiệt Trần Văn Trạch ), giải ba thuộc về ca sĩ Bạch Yến (con dâu GS.TS Trần Văn Khê). Từ đó Tùng Lâm thường được mời hát phụ diễn (trước giờ chiếu phim) ở các rạp hát của Sài Gòn.

Vốn tính thích hài hước, ngoại hình cũng thuộc dạng… đặc biệt (trước đây ông lấy nghệ danh là Văn Tâm, nhưng bạn bè thường gọi là “Tâm lùn”, thế là ông nói lái là Tùng Lâm và lấy làm nghệ danh cho mình từ đó). Ngồi với bạn bè, ông thường có những “chiêu” khiến họ cười ngắc ngư. Năm 1958, nghệ sĩ Thanh Vũ tổ chức đại nhạc hội “Minh tinh quái kiệt” ở dinh Norodom, ông chính thức được quảng cáo là “Tiểu quái kiệt Tùng Lâm”. Ông bắt đầu sự nghiệp diễn hài từ đó…

2

 Người viết và nghệ sĩ Tùng Lâm

Tùng Lâm tên thật là Lâm Ngươn Phẩm, sinh năm 1934 tại Biên Hòa, người viết có hỏi ông có phải gốc Hoa không? Ông trả lời “Nếu phải thì cụ tổ, cụ sơ tôi mới là người Hoa, dù tên thật của tôi nghe na ná như người Hoa nhưng tôi chỉ có đủ khả năng nói tiếng Tàu theo kiểu… chọc thiên hạ cười !”.

Nhờ khả năng chọc cười mà ông thường được mời lồng tiếng cho các bộ phim nước ngoài do các hãng phim Mỹ Phương, Mỹ Vân, Lido… nhập về. Rồi họ mòi ông tham gia liên tiếp các bộ phim hài: Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ, Năm vua hề về làng, Tứ quái Sài gòn, Như hạt mưa sa, Con ma nhà họ Hứa…“ Xập xám chướng ” (đây cũng là tên một bài hát nổi tiếng do Tùng Lâm sáng tác: “Xập xám chướng là xập xám chướng. 13 con chướng rớ vô là bán nhà. Cù lủ tàn tàn thì bán chiếc Honda, Sảnh sảnh mậu thầu thì tháo cái Oméga. 3 phé 3 nơi thì bán nốt căn nhà…”), và sau năm 1992 là sê-ri phim video hài: Hai Nhái khoái thịt ngựa, Hai Nhái khoái vợ bé, Hai Nhái khoái rượu đế, Hai Nhái khoái số đề, Hai Nhái kén rể…

3

 NS Tùng Lâm 

Hỏi ông những buồn vui trong đời nghệ sĩ, ông tâm sự: “Tôi đã 4 lần đoạt Huy chương vàng nhưng xúc động và vui nhất là vào năm 1958 tôi được báo chí bầu chọn là “Nghệ sĩ được cảm tình nhất của khán giả”. Còn buồn nhất là ở thập niên 60, tôi phải theo đoàn xuống Cần Thơ lưu diễn trong lúc má tôi đang bệnh nắng. Đang diễn thì có điện từ Sài Gòn báo xuống là má tôi đã mất. Trớ trêu là tôi phải nuốt nước mắt ngược vào trong, để chọc cười thiên hạ cho hoàn tất lớp diễn. Diễn xong vào hậu trường mới ôm mặt khóc. Rồi một đêm thức trắng khóc mẹ ở bến phà Mỹ Thuận (lúc đó chưa có cầu-NV), đợi đến sáng mai mới qua được phà, tất tả về Sài Gòn chịu tang…” (ông kể cho tôi mà mắt ngấn lệ).

Trước 1975, Tùng Lâm phụ trách chương trình “Văn nghệ tạp lục” hằng tuần trên sóng phát thanh. Ông là đạo diễn kiêm “hoạt náo viên” chỉ nghe cái giọng khàn khàn, the thé của ông khi giới thiệu từng tiết mục, công chúng đã phì cười. Từ chương trình “Văn nghệ tạp lục” ông đã lăng xê thành công các gương mặt tên tuổi như: Trang Thanh Lan, Trang Kim Yến, Trang Kim Phụng, Giang Tử , Phương Hoài Tâm , Phượng Mai , Tuấn Phương (tức danh hài Duy Phương) …

4

 Ca sĩ Hồng Vân (tam ca Đông Phương), nhạc sĩ Y Vũ (áo tím, nghiêng người), ca sĩ Thanh Tâm (vợ của nhạc sĩ Bảo Thu), Bảo Thu, danh ca Chế Lính, Hà Đình Nguyên và vợ chồng quái kiệt Tùng Lâm.

Năm 1983, Tùng Lâm về làm Phó đoàn Văn công Hậu Giang (sau này là Tiếng ca Sông Hậu), đến năm 1992 thì về hưu. Và hôm nay, chúng ta ngậm ngùi đưa tiễn một con người suốt đời đem lại tiếng cười sảng khoái cho công chúng nhưng cuộc sống lại có nhiều nỗi thăng trầm. Từ năm nay, những cuốc tất niên của “Tao Ngộ Bằng Huynh” lại thiếu vắng một gương mặt cựu trào… 

Xin vĩnh biệt ông: Danh hài quái kiệt Tùng Lâm !

HÀ ĐÌNH NGUYÊN

Tin khác

Giải trí 13 giờ trước
(SHTT) - Biển Hải Tiến ngày càng hút khách với bãi biển đẹp, thơ mộng. Cơ sở vật chất ngày càng hiện đại, trẻ trung, năng động, văn minh, lịch sự với sự chân thành hiếu khách là điểm nhấn khi du khách về du lịch biển Hải Tiến.
Giải trí 18 giờ trước
(SHTT) - Hiện, UBND Thành phố Hà Nội đang thực hiện khảo sát để xây dựng một tour du lịch ban đêm kết nối điểm đến là các ngôi chùa cổ trên địa bàn quận Tây Hồ.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Stop motion là công nghệ làm phim hoạt hình đã có lịch sử hơn 100 năm tuổi, cho đến nay công nghệ này vẫn chứng minh được sức hút không hề giảm sút của mình.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, việc xử phạt hành chính với những người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng vô cùng nhiều, việc xử phạt hành chính hiện đã không còn đủ tính răn đe với các đối tượng này.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Chào đón Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và dịp hè 2024, Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt dự án biểu diễn có tên gọi “Mùa hè yêu thương”.