SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 02/12/2023

SO HUU TRI TUE

  • Click để copy

Việt Nam tăng 2 bậc trong BXH Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023

10:45, 28/09/2023
(SHTT) - Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Báo cáo cũng đánh giá nước ta là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Chiều tối ngày 27/9 (giờ Việt Nam), tại Thụy Sĩ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (Global Innovation Index 2023 - GII). Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022.

gii-2023-hero-1280

 Việt Nam tăng 2 bậc trong BXH Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023

Cụ thể, báo cáo GII 2023 cho thấy, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào Đổi mới sáng tạo. Theo đó, Việt Nam đã tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57 (đầu vào Đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường; Trình độ phát triển của doanh nghiệp).

Đầu ra Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40 (đầu ra Đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo).

Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quốc gia thu nhập trung bình thấp xếp trên Việt Nam là Ấn Độ với thứ hạng 40. Ngoài ra, có 5 quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là Trung Quốc (hạng 12), Malaysia (hạng 36), Bulgari (hạng 38), Thổ Nhĩ Kỳ (hạng 39) và Thái Lan (hạng 43). Còn lại, tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các nước có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (hạng 5), Malaysia (hạng 36) và Thái Lan (hạng 43). Như vậy, đối với mục tiêu phấn đấu vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo trong năm 2023, nước ta đã thành công đạt được.

Đặc biệt, tại báo cáo mới nhất này, Việt Nam cũng được WIPO đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran).

b9b6c329c62d12734b3c-1-1695819238039815436879

 Tiến bộ về xếp hạng chỉ số GII của Việt Nam từ năm 2017-2023. Ảnh: Bộ KHCN

Đồng thời, nước ta cũng được đánh giá là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam).

Với những thay đổi về các chỉ số thành phần, nguồn dữ liệu và cách tính chỉ số thành phần phục vụ thực hiện đánh giá chỉ số GII 2023, Việt Nam đã được xếp hạng 33 trong chỉ số mới về start-up "Giá trị của các doanh nghiệp kỳ lân".

Chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam xếp hạng 66, không có sự cải thiện so với các năm trước. Tuy nhiên, chi R&D của top 3 doanh nghiệp lớn có sự cải thiện đáng kể, xếp hạng 29, tăng 9 bậc so với năm 2022.

Giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm dù còn nhỏ nhưng cũng đã có sự cải thiện lớn so với năm 2022, xếp hạng 60, tăng 17 bậc so với 2022.

Các doanh nghiệp liên tục đầu tư để thực hiện quản lý chất lượng theo ISO, theo đó, chỉ số về giá trị ISO 9001/PPP$GDP đã tăng 15 bậc so với năm 2022, từ vị trí 65 lên 50 năm 2023.

Mặc dù báo cáo mới ghi nhận nhiều tin vui, tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số GII của Việt Nam ở mức thấp. Theo đó, nhóm chỉ số bền vững sinh thái dù tăng 3 bậc so với năm 2022 nhưng chỉ ở thứ hạng 110.

Các vấn đề về thể chế vẫn cần nhiều nỗ lực cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo khi chỉ số Hiệu quả thực thi pháp luật xếp hạng 72, giảm 2 bậc so với năm 2022.

GII là một bộ công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia uy tín trên thế giới, phản ánh mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo của các quốc gia. Qua đó, các quốc gia thấy được bức tranh tổng thể cũng như các điểm mạnh, điểm yếu của mình. 

Do đó, hiện nay, GII đang được Chính phủ nhiều quốc gia sử dụng như một công cụ tham chiếu quan trọng cho quản lý nhà nước về KHCN và đổi mới sáng tạo, cũng như để xây dựng các chính sách KHCN và đổi mới sáng tạo (Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Columbia, Brazil…).

Tại Việt Nam, những năm gần đây, Chính phủ cũng đã sử dụng bộ chỉ số này như một trong các công cụ quản lí điều hành quan trọng và đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương cùng có trách nhiệm cải thiện chỉ số. Trong đó, Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung.

Kết quả, từ năm 2017 đến nay, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 42 (năm 2019 và 2020), 44 năm 2021, 48 năm 2022 và 46 năm 2023.

Những con số biết nói này đang thể hiện những nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc đẩy mạnh các hoạt động phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, từ đó thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của tình hình kinh tế - xã hội quốc gia.

Được biết, dự kiến từ tháng 12/2023, Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) cũng sẽ được áp dụng với toàn bộ các tỉnh/thành phố tại Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu chung liên quan tới BXH GII Toàn cầu.

Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu đến năm 2025 trở thành quốc gia nằm trong nhóm 40 nước đứng đầu thế giới trong BXH Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

 Khánh An

 

Tin khác

Khoa học Công nghệ 4 giờ trước
(SHTT) - Dựa vào một hộp sọ 146.000 năm ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu tạo ra hình ảnh phục dựng gương mặt của Người Rồng họ hàng gần nhất của con người.
Khoa học Công nghệ 5 giờ trước
Bệnh viện 199 trở thành đơn vị y tế đầu tiên tại Đà Nẵng và cơ sở y tế công an nhân dân đầu tiên triển khai bệnh án điện tử.
Khoa học Công nghệ 8 giờ trước
(SHTT) - Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh DealBook hàng năm của tờ The New York Times, ông Jensen Huang nhận định AI sẽ cạnh tranh được với con người sau 5 năm nữa.
Khoa học Công nghệ 8 giờ trước
(SHTT) - Huyện Như Xuân, Thanh Hóa được triển khai đồng bộ chuyển đổi số (CĐS) gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Hoạt động CĐS đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN) trên địa bàn huyện Như Xuân.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Đó là chia sẻ của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng trong phần tham luận với chủ đề “Chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh, bài toán và thách thức” trong khuôn khổ Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam-Châu Á 2023.