Uống thuốc nam trị tiểu đường: Đừng đánh cược tính mạng!
Theo các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực - BV Bạch Mai cho biết, thời gian vừa qua, Khoa liên tục tiếp nhận các bệnh nhân gặp biến chứng nặng do tự ý dùng thuốc trị tiểu đường có màu xanh hoặc màu đỏ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác. 4 trong số 5 bệnh nhân nhập viện do dùng loại thuốc này đã tử vong. Các bệnh nhân này đều nhập viện trong tình trạng giống nhau: sốc, suy đa tạng, xét nghiệm axit lactic trong máu cao.
Mới đây nhất phải kể đến trường hợp bệnh nhân V.T.H.Ng (63 tuổi, Hà Nội) có tiền sử đái tháo đường cách đây ba năm nhưng không điều trị bằng thuốc tây y theo chỉ định của bác sĩ mà tự ý dùng một loại sản phẩm trị tiểu đường dạng viên hoàn, mỗi ngày uống tám viên.
Trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn. Sau khi được đưa vào bệnh viện 354, bệnh nhân đau bụng nhiều, khó chịu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, và được chẩn đoán toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng do nghi ngộ độc phenfomin - một loại chất giúp hạ đường huyết nhưng gây nhiều tác dụng phụ và nguy hiểm chết người nên đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới cách đây hơn 40 năm. Mặc dù được điều trị tích cực, lọc máu nhưng tình trạng không được cải thiện. Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai ngày 15/2/2019, nhưng bốn ngày sau đó thì tử vong.
Một trường hợp khác cũng gặp biến chứng rất thương tâm do điều trị đái tháo đường bằng các loại thuốc lá đắp lên da.
Nam thanh niên H.M.T (28 tuổi, ở Phú Thọ). Người nhà bệnh nhân cho biết, T. phát hiện đái tháo đường cách đây 12 năm, nhưng không tái khám theo dõi thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ mà tự điều trị theo đơn khám từ lâu và tự điều trị theo phương pháp dân gian. Hậu quả là, đường huyết không ổn định khiến anh bị biến chứng bàn chân từ lúc nào không hay. Và chỉ cần có xây xát, vùng chân bị tổn thương sẽ hình thành vết loét.
Cách đây 1 tháng, bệnh nhân bị ngã xe máy, xây xát vùng da chân trái. Vùng chân đã bị biến chứng từ trước cộng thêm việc chăm sóc không đúng cách, tự lấy lá về đắp nên vết thương ngày càng lan rộng, ăn sâu vào toàn bộ chân, chảy dịch, bốc mùi hôi, bàn chân mất cảm giác phải nhập viện.
Bệnh nhân được cấp cứu trong tình trạng hoại tử chân, sốt cao liên tục, kèm theo viêm phổi nhiễm và nhiễm trùng huyết vô cùng nguy kịch. Để bảo toàn tính mạng, bệnh nhân đã được tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ vùng chân tổn thương nặng tới đùi. Đây là 1 trong số những trường hợp người bệnh phải lãnh hậu quả nghiêm trọng do sự chủ quan tự chữa tiểu đường bằng phương pháp dân gian sai cách.
Liên quan đến điều trị tiểu đường, trước đó, Sở hữu trí tuệ đưa tin, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, cơ quan này đã kiểm tra việc sản xuất, lưu hành sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiểu đường hoàn đối với Công ty Cổ phần Difoco, sản phẩm do Chi nhánh Công ty Cổ phần Difoco công bố, sản xuất tại địa chỉ: 276/17/2 Mã Lò, Khu phố 6 - Phường Bình Trị Đông A - quận Bình Tân (TP HCM).
Qua kiểm tra phát hiện nguyên liệu sản xuất sản phẩm không đúng với công bố: Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiểu đường hoàn được sản xuất từ nguyên liệu có tên là “Thảo dược tiểu đường”, “Thảo dược hỗ trợ tiểu đường” đã phối trộn sẵn không đúng với tên nguyên liệu đã công bố; Chi nhánh Công ty Cổ phần Difoco đã không còn hoạt động tại địa chỉ trên.
Cục An toàn thực phẩm đã ban hành văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Difoco ngừng sản xuất, buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiểu đường hoàn; tiến hành thu hồi trên thị trường các lô sản phẩm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiểu đường hoàn đã sản xuất, lưu hành và báo cáo bằng văn bản số lượng sản phẩm đã sản xuất, đã bán, còn tồn kho và thu hồi được.
Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, trong thời gian cơ quan chức năng xác minh, xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiểu đường hoàn được sản xuất không đúng với công bố nêu trên. Người tiêu dùng nên bảo quản nguyên trạng sản phẩm chưa sử dụng, thông báo cho cơ quan y tế, an toàn thực phẩm địa phương hoặc Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế (địa chỉ: Ngõ 135 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội; điện thoại: 024.37368349, 024.37368348) để được hướng dẫn giải quyết.
Minh Châu