SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Tình trạng hàng giả, hàng nhái mặt hàng phân bón ngày càng gia tăng

11:27, 17/11/2021
(SHTT) - Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa phát đi thông tin cảnh báo về tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu, đầu cơ, găm hàng, tăng giá trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón trong thời gian gần đây.

Nông dân tại nhiều địa phương đang hết sức lo lắng khi vụ lúa Đông Xuân chuẩn bị xuống giống nhưng giá vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp, từ phân bón, giống, thuốc trừ sâu… đều tăng cao. Lo ngại nhất là tình trạng giống dởm, phân bón giả vẫn đang hoành hành gây thiệt hại cho nông dân.

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, từ đầu năm 2021 đến nay giá phân bón trong nước liên tục tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp tại các tỉnh miền tây Nam bộ. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường bắt giữ khoảng 4.000 vụ phân bón giả. Thời gian qua, các ngành chức năng đã liên tiếp triệt phá hàng loạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả trên địa bàn cả nước. 

phan bon gia1

Tình trạng hàng giả, hàng nhái mặt hàng phân bón ngày càng gia tăng 

Tại tỉnh Kiên Giang, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiện nay theo ghi nhận tại tỉnh đang có mức tăng từ 30-40%, trong khi giá bán lúa không tăng. Vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn chưa được ngăn chặn rốt ráo. Vì vậy, ông Toàn đề nghị cơ quan chức năng siết chặt việc quản lý để giá bán vật tư đầu vào không tăng thêm, chất lượng phân bón, giống được đảm bảo, giúp người nông dân thuận lợi trong việc giảm giá thành sản xuất trong vụ Đông Xuân.

Tại Long An, lực lượng chức năng phát hiện Công ty TNHH Minh Phát có dấu hiệu sản xuất tiêu thụ phân bón giả. Tỉnh Bình Phước cũng vừa ra quyết định xử lý 4 trường hợp phân bón không đạt chất lượng, buộc tiêu hủy toàn bộ.

Liên tục phát hiện và xử phạt, tuy nhiên phân bón giả vẫn tràn lan trên thị trường, khiến hàng triệu người nông dân đứng trước nguy cơ đe dọa và nhiều doanh nghiệp sản xuất chân chính đang phải gánh chịu thiệt hại. Theo các chuyên gia, để dẫn đến thực trạng như hiện nay là vì cả nước có quá nhiều cơ sở, nhà sản xuất (có tới trên 1.000 cơ sở với 7.000 chủng loại phân bón), nên phân bón giả dễ trà trộn, tiêu thụ dễ dàng và vượt tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý. 

Tình trạng giá phân bón trong thời gian qua tăng vọt được xác định do nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất phân bón (than, lưu huỳnh, ammoniac…) trong nước và nhập khẩu bị sụt giảm, nhu cầu tiêu thụ phân bón thành phẩm không giảm, thêm vào đó chi phí Logistic tăng mạnh trong thời gian vừa qua do giãn cách xã hội bởi dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra nhân công thiếu hụt, việc sản xuất trong nước và thế giới bị ngưng hoặc giảm công suất, nhiều nơi bị đình trệ cũng tạo khan hiếm cho thị trường phân bón trong nước.

Đáng lưu ý, hiện nay Trung Quốc, một trong những nước xuất khẩu phân bón cũng đã giảm công suất, dừng xuất khẩu phân bón để ưu tiên thị trường nội địa... Tất cả các yếu tố trên đã làm cho giá cả phân bón tăng cao cả thị trường trong nước và trên thế giới.

Mặt khác, do lực lượng quản lý về lĩnh vực này rất mỏng, kinh phí dành cho quản lý ít, đội ngũ quản lý không thống nhất, đặc biệt, các cán bộ được phụ trách không chuyên trách và thường xuyên bị thay đổi nên việc theo dõi nắm bắt tình hình không được hệ thống. Thêm vào đó, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, do số vụ việc bị khởi tố rất ít, đa phần áp dụng xử phạt vi phạm hành chính, trong khi lợi nhuận từ phân bón giả rất lớn.

Chính vì vậy, để góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung, kiểm soát có hiệu quả giá phân bón, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp, ngoài những giải pháp như kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước dừng xuất khẩu, tập trung đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước; tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu để trục lợi góp phần bình ổn giá phân bón trong nước, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

Hà Châu

Tin khác

Tài sản trí tuệ 4 phút trước
(SHTT) - Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long, từ ngày 04/4/2024 đến ngày 15/4/2024, lực lượng QLTT Vĩnh Long kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, vi phạm về nhãn và không niêm yết giá. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 117.000.000 đồng.
Tài sản trí tuệ 14 giờ trước
(SHTT) - Cấp quyền hình ảnh nhân vật (Character Licensing) là chiến lược kinh doanh được nhiều tập đoàn sáng tạo trên thế giới áp dụng thành công và đem về những nguồn lợi nhuận khổng lồ. Vậy Character Licensing là gì và cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam?
Tài sản trí tuệ 16 giờ trước
(SHTT) - Shimano - công ty nổi tiếng trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất các bộ phận xe đạp đã tiết lộ một phát minh đột phá. Bằng sáng chế mới cho thấy Shimano đang phát triển một bộ truyền động không dây hoàn toàn mới mang lại hiệu suất tối đa cho các tay đua và người yêu xe đạp.
Tài sản trí tuệ 21 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, Đội Quản lý thị trường số 5 Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương phối hợp với Đội 3 Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an huyện Ninh Giang và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương tổ chức giám sát việc tiêu hủy 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 23 giờ trước
(SHTT) - Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore đã thông báo thu hồi một số thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam gồm nem cuốn hải sản Li Chuan (750g), dimsum tôm Bibigo Mandu (350g) và Mini Mandu.