SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 02/05/2024
  • Click để copy

Thanh Hóa: Phát hiện cơ sở có dấu hiệu sản xuất giấy vệ sinh giả mạo nhãn hiệu

16:59, 07/11/2023
(SHTT) - Ngày 6/11, lực lượng liên ngành tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở sản xuất trên địa bàn. Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện số lượng lớn sản phẩm giấy vệ sinh có dấu hiệu là hàng giả và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Cụ thể, ngày 06/11/2023, Đội QLTT số 10, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Đội cảnh sát Kinh tế và môi trường – Công an huyện Hoằng Hóa đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất giấy Đạt Phát; địa chỉ: SN 18, đường TL 510B, Thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa do ông Nguyễn Trọng Hải làm chủ cơ sở.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ một lượng lớn nguyên liệu và giấy vệ sinh thành phẩm cùng nhiều loại bao bì có dấu hiệu là hàng giả và hàng hoá giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu giấy vệ sinh đang bán trên thị trường gồm: HaNoi Silk, Napkin, Vietnam Arilines, Hai Hoa.

1

 

Theo thông tin từ Đội QLTT số 10, quá trình điều tra, ông Nguyễn Trọng Hải khai nhận toàn bộ số giấy vệ sinh trên là do ông Hải mua bao bì, túi đựng có in nhãn hiệu và thông tin trên bao bì, mua trôi nổi trên thị trường sau đó mang về tự đóng gói.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản niêm phong tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trên gồm: 14.300 cuộn và 840 túi giấy vệ sinh Vietnam Arilines, HaNoi Silk, Hai Hoa; 720 túi Khăn giấy Napkin; 110 kg bao bì đựng nhãn Vietnam Arilines và hàng không; 12 kg Cuộn giấy trắng; và 01cái bàn là nhiệt đang sử dụng để đóng gói

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

qlttso2

 

Được biết, cùng trong ngày 6/11, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh S.S trên địa bàn Phường Tân Định, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 86 đôi giày dép các loại, không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “NIKE” đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đội QLTT số 4 đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định.

Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là gì?

Theo Điều 213, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định được định nghĩa là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Hay nói cách khác, hàng hóa này đã được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Mọi hình vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Các hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu bị xử lý như thế nào?

Pháp luật nước ta nghiêm cấm các hành vi mua bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái dưới mọi hình thức. Trường hợp mua bán hàng hóa giả mạo cũng bị nghiêm cấm  tuyệt đối, nếu cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, dưới những hình thức sau:

Xử lý dân sự

Chủ sở hữu nhãn hiệu, tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền tịch thu và tiêu hủy toàn bộ các hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đồng thời họ có quyền yêu cầu bồi thường những thiệt hại về các hành vi vi phạm mà các đối tượng thực hiện hành vi giả mạo gây ra

Xử lý hành chính

Các hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa. 

Đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa như trên thì sẽ bị xử lý như sau: (Điều 11 Nghị định Nghị định 98/2020/NĐ-CP)

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

 + Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 + Có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng.

 – Còn Đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa như trên thì sẽ bị xử lý như sau: (Điều 12 Nghị định Nghị định 98/2020/NĐ-CP)

+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Và bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất vi phạm từ 03 tháng đến 06 tháng

Xử lý hình sự

Ngoài việc bị xử phạt về mặt hành chính, dân sự, cá nhân hoặc tổ chức nào giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh sau:

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả: (Điều 192 Bộ luật hình sự 2015)

– Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 192 Bộ luật hình sự 2015 quy định có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

+Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.

+ Làm chết 02 người trở lên.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.”.

Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: (Điều 226 Bộ luật hình sự 2015)

– Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

– Trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội 02 lần trở lên, thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên, Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Thái An

Tin khác

Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên nhân ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới, diễn ra tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vừa qua, đã thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng của sở hữu trí tuệ, đặc biệt là vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số hiện nay.
Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ SCMP, một nhóm gồm 8 tờ báo của Mỹ mới đây đã nộp đơn kiện OpenAI và Microsoft, những nhà phát triển ứng dụng ChatGPT, với cáo buộc vi phạm bản quyền.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Nhãn hiệu mùi hương là một trong những loại nhãn hiệu phi truyền thống, đã được quy định bảo hộ trong các điều ước quốc tế của nhiều quốc gia. Việt Nam cần phải kịp thời có những nghiên cứu và đề xuất giải pháp sửa đổi khắc phục những hạn chế về nhãn hiệu sao cho phù hợp.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Đội 2 - Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Nam tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh trên địa bàn xã Bối Cầu huyện Bình Lục.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Chuẩn bị cho mùa du lịch, đặc biệt là dịp lễ 30/4 - 01/5, Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Đài truyền hình tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, hướng dẫn các quán ăn, nhà hàng, cửa hàng kinh doanh tại các bãi biển thuộc địa bàn được giao quản lý chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh.