Thanh Hóa: Mở đợt cao điểm chống gian lận thương mại
Trong 11 tháng 2023, lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa đã kiểm tra 1.824 vụ, tổng số vụ xử lý 1.600 vụ. Tổng số tiền thu hơn 6,6 tỷ đồng, trong đó: Phạt vi phạm hành chính hơn 6,5 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu hơn 128 triệu đồng, trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hơn 1,2 tỷ đồng; trị giá hàng hóa chờ bán chờ tiêu hủy hơn 4 tỷ đồng.
Thời điểm cuối năm, tình hình hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp, vì vậy, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Ông Lữ Minh Thư, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa, cho biết: Thực hiện kế hoạch cao lần này, đơn vị tập trung kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng điểm có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp có hệ thống phân phối trên địa bàn toàn tỉnh, liên huyện tổ chức các kênh thông tin để chủ động nắm tình hình cung cầu hàng hóa và giá cả, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên địa bàn, nhất là những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 .
Theo kế hoạch, lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa triển khai kiểm tra trên phạm vi toàn tỉnh, tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hoá gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, làng nghề, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không… nhất là các địa bàn trọng điểm tại các huyện biên giới đất liền, vùng biển; các đô thị, khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, các khu vực thương mại tập trung.
Cụ thể, tuyến biên giới đất liền, lực lượng sẽ tập trung kiểm tra tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trung tâm vùng. Đối với tuyến biển, lực lượng sẽ tập trung kiểm tra tại các Cảng Nghi Sơn, Cảng Lễ Môn, Cảng Hới, Cảng dịch vụ Dầu khí tổng hợp (PTSC); các cửa lạch ven biển.
Tại thị trường nội địa, lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa sẽ tập trung kiểm tra tại các địa bàn là nơi phát luồng hàng hóa, tập trung các điểm kinh doanh buôn bán lớn: thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ; các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cảng hàng không, nhà ga đường sắt, xe vận chuyển bưu chính, chuyển phát nhanh, bến xe, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh, các kho hàng hóa.
Trong "chiến dịch" lần này, lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa tập trung vào những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh; quần áo, giày dép; lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát. Tiếp đến là nhóm hàng như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; lợn và các sản phẩm chế biến từ lợn; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc. Nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền.
Đặc biệt, lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa sẽ ăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại; tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Cùng với đó, lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa sẽ kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm đối với nhóm hàng nông lâm thủy sản, tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh.
Lực lượng kiểm tra các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm đường phố, việc thực hiện đo lường hàng hóa (cân, đong, đóng gói hàng hóa), công bố chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở sản xuất kinh doanh bán buôn, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn gian lận hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về các sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu, các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bình ổn thị trường.
Nhằm nâng cao hiệu quả trong kế hoạch lần này, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người tiêu dùng không tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đưa tin về diễn biến tình hình thị trường, cung cầu giá cả hàng hóa, kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường, một số vụ điển hình về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong đợt cao điểm.
Đinh Điệp