Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Tăng cường kiểm soát với việc sử dụng kết quả nghiên cứu KHCN từ ngân sách nhà nước
Theo đó, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Quốc hội tán thành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 10 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2), có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về một số vấn đề quan trọng, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì.
Đối với phần sở hữu công nghiệp và phần giống cây trồng, dự thảo Luật đã quy định việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì; đồng thời xác định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả, tổ chức chủ trì nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế.
Để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đã bổ sung quy định theo hướng: Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam...
Được biết, trước yêu cầu của thực tiễn phát triển của nền kinh tế nước nhà, việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng; phù hợp với các cam kết quốc tế có liên quan như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; bảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đây là dự án Luật khó, chuyên môn sâu. Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của chính sách, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao sẽ quy định trong Luật. Những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm hoặc cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, Luật xác định một số nguyên tắc chung để giao Chính phủ quy định chi tiết.
Thái An