Phú Thọ: Công dân tố cáo Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong công vụ
Nội dung đề nghị Huyện ủy Đoan Hùng giải quyết
Theo đó, ngày 14/4/2021, Huyện ủy Đoan Hùng (Phú Thọ) đã nhận được đơn tố cáo của công dân Đoàn Tiến Hưng với nội dung: Ông Đào Quý Cường, Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng lợi dụng chức vụ, cố ý bỏ quan các bằng chứng, bỏ lọt thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại lần đầu của công dân về việc thu hồi đất nông nghiệp sai quy trình, không đúng theo quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế đối với công dân.
Cụ thể các nội dung:
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại lần đầu; áp dụng các quy định bất lợi cho gia đình trong giải quyết khiếu nại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế đối với gia đình;
Không làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân không giao các quyết định thu hồi đất đối với các diện tích đất gia đình đang sử dụng hợp pháp; Để các cơ quan trực thuộc hủy hoại tài sản của gia đình đã đầu tư trên đất hành lang giao thông; Tổ chức bán đấu giá trên diện tích đất gia đình đang sử dụng hợp pháp;
Người có đơn - ông Đoàn Tiến Hưng đề nghị xem xét, đánh giá lại phẩm chất Đảng viên của ông Đào Quý Cường, nhất là với tư cách người đứng đầu cấp huyện, xem thường quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; cố ý áp dụng những quy định không đúng theo bản chất sự việc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế đối với gia đình người có đơn. Đồng thời, người có đơn đề nghị Huyện ủy Đoan Hùng tiếp nhận Đơn tố cáo và xử lý đúng theo quy trình tố cáo được quy định theo luật.
Trước đó, ngày 07/01/2021, ông Đoàn Tiến Hưng có đơn khiếu nại lần 1 V/v UBND huyện Đoan Hùng thu hồi đất nông nghiệp sai quy trình, không đúng theo quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế với công dân. Đến ngày 24/3/2021, thay mặt UBND huyện Đoan Hùng – ông Đào Quý Cường, Chủ tịch, đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-UBND Về việc giải quyết khiếu nại của ông Đoàn Tiến Hưng, Khu 3, xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng (Lần đầu).
Như chúng tôi đã đưa tin, nguyên nhân sự viết xuất phát từ việc thu hồi đất có nhiều khuất tất của UBND huyện Đoan Hùng.
Theo hồ sơ vụ việc, tháng 10/2020, gia đình ông Hưng nhận được văn bản của UBND xã Chân Mộng về việc thu hoạch cây cối, hoa màu trên diện tích đất gia đình ông quản lý, sử dụng, cải tạo để UBND huyện Đoan Hùng quy hoạch đất ở nông thôn tại khu vực Tràn cây Sữa. Diện tích được thông báo thu hồi là 1.294,7 m2.
Đến lúc này, gia đình ông Hưng mới biết phần diện tích đất gia đình cải tạo, đang sử dụng hợp pháp đã có 05 quyết định thu hồi do Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng ký ngày 22/8/2016, với tổng diện tích bị thu hồi là 1.796,2 m2.
Các quyết định đều thể hiện lý do thu hồi đất là: vi phạm về đất đai. Cụ thể là hành vi: cố ý hủy hoại đất (san lấp đất chuyên trồng lúa nước làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định).
Vẫn hiện trạng như thế, trước đó, ngày 27/3/2016, Chủ tịch UBND xã Chân Mộng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hộ ông Hưng về hành vi: Tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Hộ ông Hưng bị phạt hành chính (hình phạt chính) 5.000.000 đồng, không có hình phạt bổ sung nào khác được áp dụng (ví dụ, khắc phục hậu quả).
Trao đổi với PV, ông Hưng cho rằng việc áp dụng pháp luật của UBND huyện về xử lý vi phạm trong sử dụng đất đối với gia đình ông đã có sai phạm nghiêm trọng: Trong khi UBND huyện không chứng minh được chính xác các cấu thành vi phạm được cho là “hủy hoại đất đai” thì đã tiến hành phạt "chồng": 1 hành vi bị xử phạt 2 lần, như vậy là vi phạm nguyên tắc của luật hành chính là: cơ quan nhà nước có trách nhiệm chứng minh vi phạm, và một hành vi vi phạm không bị truy cứu trách nhiệm pháp lý 2 lần. Theo ông Hưng, đã có tình trạng “đánh tráo” hành vi vi phạm để lạm dụng ban hành văn bản thu hồi đất trái luật – quy việc “tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép” thành “hủy hoại đất đai”.
Ở diễn biến khác, theo pháp luật về hành chính, ông Đoàn Tiến Hưng đã khiếu nại tới UBND tỉnh Phú Thọ về nội dung giải quyết khiếu nại lần 1 của Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng.
Ngày 11/5/2021, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành văn bản số 1878/UBND-TD về việc xử lý, giải quyết đơn của ông Đoàn Tiến Hưng, xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh nhận được đơn của ông Đoàn Tiến Hưng, khu 3, xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng có nội dung: Không đồng ý Quyết định số 996/QĐ-UBND ngày 29/3/2021 của UBND huyện Đoan Hùng về việc giải quyết khiếu nại (lần đầu) của ông (quyết định do ông Đào Quý Cường – Chủ tịch UBND huyện ký - PV).
Sau khi xem xét, Chủ tịch UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc thụ lý, giải quyết, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại số 996/QĐ-UBND; đồng thời báo cáo, đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/5/2021.
Văn bản số 1878/UBND-TD của UBND tỉnh Phú Thọ được gửi tới: Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh (Chủ tịch, Phó Chủ tịch; Chánh Văn phòng, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh Phú Thọ; Ban Nội chính Tỉnh ủy; UBND huyện Đoan Hùng.
Trước đó 1 ngày (ngày 10/5/2011), Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Phú Thọ (UBKT) ban hành Phiếu hướng dẫn số 01-HD/UBKTTU. Theo văn bản này, UBKT Tỉnh ủy nhận được đơn thư của ông Đoàn Tiến Hưng khiếu nại về việc UBND huyện Đoan Hùng thu hồi đất nông nghiệp sai quy trình, không đúng theo quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế đối với công dân.
Nông dân, vì đất mà... cùng cực?
Theo ông Hưng, thực tiễn cho thấy, toàn bộ khu vực Đầm Rui, dù là đất lúa nhưng không thể trồng lúa, vì đất kém, thường xuyên bị úng ngập, chuột bọ phát hoại; từ những năm 2010, ngày càng nhiều người dân bỏ hoang ruộng; việc ông mua ruộng để tôn đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là phù hợp với thực tế, phù hợp với quy định tại Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, phù hợp với Thông tư số 19/2016/TT-BNNPTNN ngày 27/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn chi tiết Điều 4 Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015.
Điều đáng nói là, sau khi thu hồi đất “trộm”, UBND huyện Đoan Hùng lại “hợp thức hóa” phần đất thu hồi bằng thủ tục: xin phép cho chuyển mục đích sử dụng để bán đấu giá đất ở nông thôn. Toàn bộ hiện trạng đất được đem bán đấu giá… là do ông Hưng đổ (đất), trong khi UBND huyện không thực hiện đầu tư dự án theo quy định đã được phê duyệt tỷ lệ 1/500, thậm chí, có bằng chứng thể hiện UBND huyện đã thu hồi “rộng” ra cả phần đất ruộng không bị san lấp (vi phạm), san gạt đất để đủ cho diện tích mặt tiền là 16m (mỗi ô 4m mặt tiền).
Như vậy, từ tôn tạo, cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ông Hưng bị UBND huyện quy là “hủy hoại đất” rồi bị thu trắng, bán đấu giá thu về hơn 5,0 tỷ đồng mà gần như không phải đầu tư (có chăng trừ chi phí thuê máy xới xáo, san gạt lại mặt bằng).
Theo điều tra, có nhiều trường hợp nông dân có đất ở khu Đầm Rui cũng bị thu hồi theo “mô thức” như trường hợp ông Hưng (đó là ông Vũ Đức Hiền, Vi Thanh Tùng bị thu hồi hơn 1.000m2 (dự kiến được bán đấu giá) như đã được phản ánh tại bài: “Nhiều người dân tố chính quyền ở Đoan Hùng (Phú Thọ) thu hồi đất 'trộm' đem bán đấu giá?”.
Từ đây, nhất thiết phải làm rõ: việc thu hồi đất vì lý do hủy hoại đất có đúng không? có hay không việc lạm dụng quyền lực để thu hồi đất trái pháp luật của người dân, biến nông dân thành người người… vô sản, vô gia cư khi họ không đủ sức mua lại ô đất ở trên chính thửa đất của mình (giá khởi điểm ở khu vực này là 4,0 triệu đồng/m2, mỗi lô rộng khoảng: 100-120-150 m2).
Kính đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc theo quy định, nhằm bảo đảm vấn đề dân sinh của bà con nhân dân và sự nhân văn của pháp luật.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc!
Phúc Huy – Bắc Hiệp