SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 10/12/2023

SO HUU TRI TUE

  • Click để copy

Nguyên nhân làm gia tăng các ca nhiễm mới COVID-19

07:16, 16/12/2020
(SHTT) - Giới chức y tế Anh Quốc mới đây cho biết, các nhà nghiên cứu nước này đã phát hiện thêm được biến thể mới của virus Corona. Đây có thể là nguyên nhân khiến cho số lượng các ca nhiễm mới COVID-19 tại nước này tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Theo Financial Times, mới đây, trong một tuyên bố trước Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, các nhà nghiên cứu của nước này đã phát hiện được hơn 1000 trường hợp nhiễm Covid-19 mang biến thể mới của virus Corona, chủ yếu ở miền Nam nước Anh. Hiện các nhà khoa học đang khẩn trương nghiên cứu xem liệu chủng virus mới này có khả năng lây truyền nhanh hơn các biến thể của virus Corona trước đó hay không.

images1559185_12

 

“Hiện tại, không có bằng chứng cho thấy biến thể này có thể gây ra bệnh nghiêm trọng và rất khó có khả năng đột biến này không đáp ứng được với vaccine”, ông Hancock cho biết.

Mặc dù SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19 luôn có các dạng đột biến nhưng các nhà virus học cho biết từ trước đến nay mới chỉ phát hiện được một biến thể duy nhất có thể thay đổi được bản chất của sự lây nhiễm. Đó là chủng d614g, biến thể của chủng d614d, được phát hiện ngay từ những tháng đầu tiên của đại dịch. Biến chủng này tuy không làm tình hình bệnh trở nên nghiêm trọng hơn đối với người mắc nhưng có thể khiến tình trạng lây truyền trong cộng đồng trở nên dễ dàng hơn.

Trước đó, Anh là quốc gia đầu tiên phê duyệt cho vaccine COVID-19 do Pfizer và BioNTech sản xuất. Hiện nước Anh đang trong quá trình tiêm chủng đại trà.

Trong một diễn biến liên quan, ở châu Á, giới chức y tế Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thông báo nước này đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 tại thủ đô Abu Dhabi vài ngày sau khi thông qua thông qua vaccine Sinopharm của Trung Quốc, trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới, sau Anh, thực hiện chương trình tiêm chủng đại trà .

Trước đó, UAE và Bahrain đã tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine Sinopharm và chính thức đưa vào sử dụng vaccine của Trung Quốc sau khi giới chức 2 nước phê duyệt để sử dụng khẩn cấp cho các nhân viên y tế tuyến đầu.

Bên cạnh đó, ngày 14/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết Singapore đã phê duyệt vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech và dự kiến tiêm chủng đại trà vào cuối năm nay. Quốc đảo 5,7 triệu dân dự kiến có đủ vaccine cho tất cả mọi người vào quý III/2021 và sẽ miễn phí cho công dân và người định cư lâu năm.

Singapore cũng đã ký các thỏa thuận mua và thanh toán sớm cho các ứng cử viên vaccine có triển vọng, bao gồm cả vaccine đang được phát triển bởi Moderna và Sinovac.

vaccine-covid-19-1607411067-1630-1607411235-1557

 

Tại Việt Nam, cuộc thử nghiệm vaccine Covid-19, do Công ty Nanogen phát triển, giai đoạn 1 hiện đang được hoàn thiện những bước cuối cùng. 

Trước đó, vào hôm 9/12, Hội đồng Đạo đức/ Ban Đánh giá các vấn đề đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế đã họp và phê duyệt thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax. Từ ngày 10/12, Công ty Nanogen phối hợp với Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), bắt đầu quá trình thử nghiệm vaccine trên người thông qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ 12/2020 - 2/2021, Học viện Quân y tuyển 60 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18-50, để đánh giá tính an toàn và bước đầu đánh giá đáp ứng sinh miễn dịch của 3 liều ứng viên vaccine Nanocovax, gồm 25mcg, 50mcg và 75mcg trên người lớn khoẻ mạnh.

Các tình nguyện viên sẽ được thăm khám sàng lọc trước khi tiêm theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia. Khi được thu tuyển vào nghiên cứu, người tình nguyện sẽ được theo dõi tại Viện nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y tối thiểu 72 giờ.

Trong suốt thời gian này, người tình nguyện sẽ được theo dõi sức khoẻ hàng ngày bởi các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 và Viện nghiên cứu Y dược học Quân sự. Sau thời gian theo dõi tại viện, người tình nguyện sẽ được trở về nhà và được hướng dẫn tự theo dõi, tự ghi chép. Hàng ngày, sẽ có cán bộ y tế đến thăm hoặc gọi điện thoại.

Giai đoạn 2, từ 2/2021 - 8/2021, tuyển 400 - 600 người (12-75 tuổi), để đánh giá tính an toàn và so sánh đáp ứng miễn dịch của 3 liều vaccine, từ đó xác định liều dùng tối ưu của vaccine nghiên cứu.

Giai đoạn 3, từ 8/2021 - 2/2022, từ 10.000 - 30.000 tình nguyện viên, đánh giá hiệu quả vaccine trên người khoẻ mạnh.

Hiện tại, công suất của Công ty Nanogen có thể sản xuất 2.000.000 liều/ năm. Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, họ vừa sản xuất vừa nâng cấp nhà máy để tối ưu hoá công suất lên 20 - 30 triệu liều/ năm, công suất lý tưởng là 50 triệu liều/ năm.

Bình An

Tin khác

Khoa học Công nghệ 12 giờ trước
(SHTT) - Cuộc thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc lần thứ XXV, năm 2023 tổ chức tại Trường Đại học (ĐH) Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội từ ngày 30/11 đến 3/12. Đây là hoạt động thường niên do Hội Vật lý Việt Nam và các trường ĐH, cao đẳng trong cả nước tổ chức.
Khoa học Công nghệ 12 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Phân hiệu trường Đại học Thuỷ lợi tại TPHCM tổ chức Hội thảo "Định hướng phát triển và ứng dụng KH&CN bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2021-2030".
Khoa học Công nghệ 12 giờ trước
(SHTT) - Ngày 9/12, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo “Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt - Thực trạng và giải pháp”.
Khoa học Công nghệ 12 giờ trước
(SHTT) - Sáng 9/12, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ Trẻ thành phố tổ chức chương trình Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TP Hồ Chí Minh lần thứ 14, năm 2023. Lễ khai mạc diễn ra tại trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Nhiều năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định và các hội thành viên luôn chú trọng công tác tập hợp, phát huy, khơi dậy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai các tiến bộ công nghệ vào sản xuất và đời sống.