Những thay đổi trong tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu
Ngày 15.8, Bộ KH-CN đã ban hành Thông tư số 18/2023/TT-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu (quy chế được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2015/TTBKHCN ngày 12.1.2015 của Bộ trưởng Bộ KH-CN).
Các tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu
Nội dung Thông tư 18/2023/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Điều 7. Tiêu chuẩn đối với nhà khoa học được xét tặng Giải thưởng.
Theo đó, nhà khoa học được xét tặng Giải thưởng phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
1- Được tổ chức, cá nhân đề cử và gửi hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng theo quy định tại Điều 8 Quy chế này.
2- Có kết quả nghiên cứu cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
a) Được thực hiện tại Việt Nam;
b) Được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế ít nhất 1 năm và không quá 7 năm tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng;
c) Được đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật trong trường hợp là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng hoặc nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước;
3- Có đóng góp quan trọng nhất đối với kết quả nghiên cứu cơ bản nêu tại khoản 2 trên.
4- Không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và Công nghệ.
Thêm 2 lĩnh vực được bổ sung vào phạm vi xét tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu
Theo nội dung Thông tư số 18/2023/TT-BKHCN, không chỉ một số quy chế xét tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu được sửa đổi, bổ sung, thông tư mới cũng bổ sung thêm 2 lĩnh vực là khoa học xã hội và nhân văn vào phạm vi xét của giải thưởng này.
Theo thông tư cũ, giải thưởng được xét tặng trong nghiên cứu cơ bản ở 4 lĩnh vực, gồm: khoa học tự nhiên (toán học, khoa học máy tính và thông tin, vật lý, hóa học, các khoa học trái đất và môi trường liên quan, sinh học, khoa học tự nhiên khác), khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học y, dược; khoa học nông nghiệp.
Cơ cấu Giải thưởng Tạ Quang Bửu
Bên cạnh đó, Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung Điều 4 về cơ cấu Giải thưởng. Theo đó, Giải thưởng Tạ Quang Bửu có tối đa 5 Giải thưởng chính, trong đó không quá 3 giải thưởng đối với nhóm lĩnh vực khoa học tự nhiên; khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học y, dược; khoa học nông nghiệp hoặc nhóm lĩnh vực khoa học xã hội; khoa học nhân văn.
Tối đa 3 Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ). Trong đó không quá 2 giải thưởng đối với các nhóm lĩnh vực khoa học tự nhiên; khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học y, dược; khoa học nông nghiệp hoặc nhóm lĩnh vực khoa học xã hội; khoa học nhân văn.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu (Giải thưởng) là Giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ, được tổ chức định kỳ 03 năm một lần nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu cơ bản xuất sắc, góp phần thúc đẩy khoa học và công nghệ của Việt Nam hội nhập và phát triển.
Tuy chỉ là một giải thưởng cấp bộ, nhưng theo đánh giá của giới khoa học Việt Nam, trong hệ thống giải thưởng của nhà nước dành cho khoa học trong nước, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được coi là danh giá chỉ sau Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước (cả 2 giải thưởng đều là cấp quốc gia).
Hằng năm, các nhà khoa học với các công trình khoa học xuất sắc được tổ chức, cá nhân đề cử, hoặc tự đăng ký ứng cử, xét tặng Giải thưởng.
Các hồ sơ được đánh giá thông qua Hội đồng khoa học chuyên ngành của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia và Hội đồng Giải thưởng.
Theo hướng dẫn mới, hội đồng xét tặng giải thưởng thảo luận dân chủ, khách quan, khoa học. Hội đồng bỏ phiếu lựa chọn nhà khoa học trên cơ sở tham khảo kết quả đánh giá, đề xuất của các hội đồng khoa học ngành và các tài liệu liên quan; đề nghị Bộ trưởng Bộ KH-CN tặng giải thưởng.
Nhà khoa học được lựa chọn để đề nghị bộ trưởng tặng giải thưởng phải có tỷ lệ phiếu đề nghị tặng giải thưởng từ 70% trở lên tính trên tổng số thành viên của hội đồng (nếu thành viên hội đồng vắng mặt thì lấy ý kiến bằng văn bản). Trường hợp các nhà khoa học nhận được tỷ lệ phiếu đề nghị tặng giải thưởng ngang nhau và vượt quá cơ cấu giải thưởng thì chủ tịch hội đồng xét tặng giải thưởng sẽ lựa chọn nhà khoa học.
Thái An