Giấy dó Phong Khê - 'Mong manh' giữ nghề truyền thống
Lịch sử làm giấy dó lâu đời
Trong tiềm thức của người Việt, nói đến tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống, sắc phong của các triều đại phong kiến… là nói đến giấy dó. Giấy dó cũng được dùng để chép sử, ghi lại gia phả, thần tích và đặc biệt là dùng trong thi cử. Yếu tố dai, bền, mỏng nhưng không nhòe mực của giấy dó đã giúp cha ông ta lưu giữ nhiều tư liệu vô giá.
Nước ta từng có nhiều làng nghề sản xuất giấy dó như Yên Thái (Hà Nội), Đống Cao (Bắc Ninh)… Nhiều nghiên cứu cho thấy, nghề làm giấy dó ở Việt Nam có từ rất sớm và vào thế kỷ XV nghề này đã phát triển rất hưng thịnh.
Làng Dương Ổ (có tên gọi khác là Đống Cao), phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh xưa kia nổi tiếng với nghề làm giấy dó truyền thống, cung cấp giấy khắp miền Bắc. Không ai ở làng biết chính xác nghề thủ công giấy dó ở Dương Ổ có từ bao giờ. Theo tài liệu và nghiên cứu lịch sử cho thấy, nghề làm giấy dó ở Đống Cao có thể đã xuất hiện từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên (SCN). Khi đó, Thái Luân - người sáng chế ra giấy ở nước Đông Hán (Trung Quốc), trong một lần cùng 13 người bạn vi hành tới phương Nam. Đến thành Đại La, mỗi vị đã dạy cho dân một nghề thủ công khác nhau.
Vốn giỏi nghề làm giấy nên Thái Luân đã dạy cho dân làng Yên Thái (ven Hồ Tây) và Đống Cao (xứ Kinh Bắc) nghề làm giấy dó. Sau khi ông mất, dân làng 2 thôn: Yên Thái, Đống Cao tôn ông làm Tổ nghề. Ngày 16/8 âm lịch hàng năm, 2 làng đều tổ chức giỗ Tổ nghề để tưởng nhớ bậc tiền nhân có công truyền nghề thuở sơ khai.
Cây dó là nguyên liệu được trồng nhiều ở mạn ngược, các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhưng người Phong Khê kén chọn, đã làm là làm hàng tốt, ít khi chọn thứ dó Yên Bái, Lào Cai mà phải là dó Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, mà cũng chỉ mua dó vào tháng tám âm lịch. Dó tháng tám chính vụ, vỏ dày, không bị xước, bột nhiều. Mua nhầm dó trái vụ, vừa mỏng vỏ, ít bột vừa hay xước. Mà giấy dó, hễ đã bị xước thì mặt giấy bị gợn, nhìn rất mất thẩm mĩ.
Dó mang về, lột tiếp lớp vỏ đen, lấy lượt vỏ trắng ngâm nước vôi 24 tiếng mùa hè, 36 tiếng mùa đông. Rồi vớt ra, bó thành từng mớ, 1 kg/mớ, ngâm vào nước vôi tôi. Chuyển sang thùng nấu, cứ một thùng là 50 kg dó hết 20 kg than, than tàn dó cũng chín đúng độ. Một ngày sau, dỡ ra lại ngâm nước cho hết vôi, nhặt bỏ từng cái mấu nhỏ còn sót lại. Đem đi rửa tiếp, cho vào bể ngâm 15-20 ngày. Rồi vớt ra, cho vào cối giã nhuyễn, đem đãi lấy nước trong, cho vào bể xeo... Tính đơn giản, từ cây dó ra được tờ giấy phải qua 10 công đoạn, tức là gần một tháng trời vậy nên làm giấy dó đòi hỏi người thợ phải có tay nghề và thật sự có đam mê.
Khó nhất là công đoạn bóc những tờ giấy dó để đem đi phơi. Người thợ dùng tay nhẹ nhàng, tỉ mỉ bóc tách từng tờ giấy dó dính chặt với nhau. Đôi tay của người thợ khéo léo, nâng niu để tờ giấy dó không bị rách. Chỉ những người cao tay trong nghề mới có thể bóc được từng tờ giấy dó, nếu không cẩn thận tờ giấy sẽ bị rách, coi như công sức đổ xuống sông. Nhiều người dù theo nghề vài chục năm, nhưng cũng không thể làm được công đoạn này.
Các công cụ sản xuất giấy dó hầu như bằng tre, gỗ và giấy phơi hoàn toàn tự nhiên, vì vậy giấy dó sản xuất theo quy trình này không có độ a-xít nên tờ giấy có tuổi thọ rất cao, lên tới 500 năm hoặc hơn nữa. Giấy dó còn có đặc tính xốp, nhẹ chống ẩm rất tốt. Một số bảo tàng đã dùng giấy dó để lót bồi phía sau tranh vẽ, bởi với đặc tính chống ẩm, giấy dó giúp cho các tác phẩm nghệ thuật không bị mốc.
Níu giữ “sợi dây nghề sắp đứt”
Công việc sản xuất giấy dó vất vả, tỉ mỉ là thế nhưng vì thu nhập không cao, và do nguyên liệu chính là giấy dó ở trên rừng bà con dân bản họ không trồng nữa mà chuyển sang cây trồng khác. Vì vậy nghề làm giấy dó truyền thống ở Đống Cao đứng trước khó khăn lớn. Các hộ gia đình phải chuyển sang làm giấy công nghiệp hoặc làm nghề khác. Để phù hợp với thị trường, người làm giấy dó truyền thống đang không ngừng đổi mới từ chất liệu đến hình thức. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ giấy dó là có, bởi vì giấy dó có tính dai, bền, hút ẩm tốt đã tạo nên sự độc đáo, giá trị khác biệt của loại giấy này so với các loại giấy khác.
Trong hồi ức của người dân Đống Cao, nghề làm giấy dó hơn 20 năm về trước phát triển mạnh. Đầu làng, cuối ngõ rộn vang nhịp chày giã vỏ dó. Người mua giấy từ mọi miền đổ về chật đường vào làng. Cả làng làm cũng không đủ cung ứng cho thị trường. Nhưng kể từ khi thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, rồi người viết thư pháp nhập giấy xuyến chỉ đỏ ở Trung Quốc về, thị trường giấy dó tiêu thụ rất chậm.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Phong Khê đã sản xuất gần 10 triệu tờ giấy dó phục vụ cho công tác tuyên truyền, in báo Cứu Quốc, in tài liệu, làm giấy đánh máy phục vụ Đảng, Nhà nước, quân đội…
Bước vào thời kỳ đổi mới, Phong Khê chuyển mạnh sản xuất giấy theo dây chuyền công nghiệp. Song nghề làm giấy dó vẫn tồn tại và phát triển. Nghề làm giấy dó Dương Ổ đã đáp ứng các tiêu chí di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống theo Thông tư 04 của Bộ Văn hóa nhưng đáng buồn là đến nay việc làm hồ sơ công nhận vẫn chưa thể thực hiện. Vì việc công nhận nghề thủ công truyền thống thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương.
Tiếng lành đồn xa, khi có dịp tới làng làm giấy dó ở làng Dương Ổ, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, hai nhà báo Nikita Grant và Amelia Kosciulek của tờ Business Insider (Mỹ) đã rất bất ngờ và mày mò tìm hiểu lý do tại sao nghề thủ công này vẫn có thể tồn tại suốt 800 năm qua như vậy.
Bài toán thị trường cho giấy dó hiện nay là do chưa được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng, đặc biệt là những người trẻ. Vì lẽ đó, tổ chức bảo tồn và duy trì nghề làm giấy dó lớn nhất phải kể đến là "Zó Project" (6/2013) được thành lập bởi chị Trần Hồng Nhung (Hà Nội). Với mong muốn khôi phục nghề làm giấy dó truyền thống, mở rộng thị trường trong nước cũng như ngoài nước, chị đã tìm về các làng nghề giấy dó, trong đó có làng Dương Ổ để thuyết phục các nghệ nhân phục hồi sự sống cho giấy dó. Đến nay, dự án "Zó Project" đã cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo làm từ giấy dó như: Đèn lồng, sổ, bưu thiếp... thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia, trong đó có nhiều bạn trẻ đến từ các nước Úc, Nga, Pháp...
Dù đang cố sức giữ gìn, nhưng nghề truyền thống làm giấy dó có thể sẽ biến mất hoàn toàn vì thế hệ trẻ ngày nay không còn tỏ ra hào hứng với việc bảo tồn nghề mà cha ông để lại. Những người nghệ nhân còn lại đang cố gắng giữ nghề với mong muốn duy nhất là giữ gìn một nét văn hoá đặc sắc của miền quê Kinh Bắc. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, địa phương cần có sự quan tâm hơn nữa để giấy dó có thể “hồi sinh” và tạo được sức sống mới trong xã hội hiện đại.
Viết Sơn