SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Những người thầy lớn trong nghề báo

15:30, 21/06/2022
16 năm gắn bó với nghề báo, tôi học được nhiều điều về nghiệp vụ và đạo đức làm nghề từ những người đi trước. Trong đó có 2 tiền bối mà tôi phải trân trọng, kính yêu gọi bằng “THẦY”.

Chị Chín Trang – Chị Tổng hết lòng với phóng viên mới

Chúng tôi, những nhân viên, phóng viên làm việc ở tòa soạn báo Mực Tím – Khăn Quàng Đỏ đều thương yêu gọi chị tổng biên tập Đỗ Thị Mỹ là chị Chín Trang. Chị chính là người thầy đưa tôi vào tòa soạn.

Đó là năm 2006, tòa soạn có đợt tuyển phóng viên. Từ hơn 200 hồ sơ gửi về, chị chọn được 4 người, trong đó có tôi. Nhớ buổi gặp đầu tiên, chị khen tôi viết bài gãy gọn, trong sáng, cách thể hiện đề tài mới lạ. Những lời khen của chị bơm cho tôi sự tự tin vào khả năng của bản thân. Tuyển được lứa phóng viên mới, chị Tổng đích thân đào tạo, truyền lửa nghề, mong chúng tôi gắn bó dài lâu với công việc viết bài cho thiếu nhi.

Nhớ bà chị những buổi họp, tâm tình rủ rỉ về nghiệp vụ, về cái tâm với thiếu nhi, để định hướng cho những đứa em út ít. Chị hào sảng, quyết liệt, có tâm với từng đứa nhân viên cấp dưới, để sau này ai nói về chị, bà sếp một thời cũng thấy kính nể, yêu thương. Ai có hoàn cảnh gia đình khó khăn hay gặp vấn đề gì trong cuộc sống, chị nắm hết, biết hết, và giúp đỡ nhiệt tình. Phóng viên mới viết bài hay, chị chấm nhuận bút thật cao để khuyến khích, và khen trong các buổi họp để khích lệ tinh thần. Bài viết chưa ổn, chị gọi từng đứa vào phòng gặp riêng, gạch viết đỏ chi chít dưới các chi tiết, rồi bảo nên viết lại thế này, thế này này. Từ những bài học đó mà tôi và lứa phóng viên mới dần trưởng thành trong nghề nghiệp của mình.

z3485450349091_5e7f6930ae

Chị Chín Trang và lứa phóng viên mới cuối cùng do chị đào tạo trước khi nghỉ hưu.

 Nhà báo Vũ Hùng – người anh lớn trong nghề

Chúng tôi, những phóng viên đã từng làm việc với thư ký tòa soạn- trưởng ban Vũ Hùng, đều yêu mến gọi anh là “đại ca”.

Tôi làm việc cùng tòa soạn báo Mực Tím với anh hơn chục năm, nhưng phải đến năm thứ 10, tôi mới về chung 1 nhóm, làm việc dưới trướng của "đại ca".

Trước đó, chúng tôi làm việc với một thư ký tòa soạn khác. Nhưng vào dịp tờ báo Khăn Quàng Đỏ chuẩn bị kỷ niệm 40 năm, Ban Biên tập thông báo có sự thay đổi về nhân sự. Nhóm Khăn Quàng Đỏ chúng tôi sẽ không do leader đương nhiệm quản nữa mà anh Vũ Hùng sẽ chuyển sang làm thư ký tòa soạn cho tờ này, làm sếp trực tiếp của chúng tôi. Khi đó anh đang làm báo Mực Tím online. Sự thay đổi đó được lý giải là: "Để tạo 1 sinh khí mới cho cả 2 tờ báo."

Những ngày đầu tiên làm việc với anh thực sự cũng không dễ chịu mấy. Vì anh quen làm việc với sự nhanh nhảu của ekip cũ, báo online mà. Còn chúng tôi quen thói từ từ nộp bài cũng được, bởi làm báo tuần mà.

Tuần đầu tiên, thứ ba, anh gút bài, trong khi trước đó chúng tôi toàn thứ 5, thứ 6 mới nộp. Thứ hai anh đã có gần đủ bài rồi. Đứa nào nộp thứ tư coi như hết cửa. Những số đầu tiên, 2 phóng viên chính của nhóm Khăn Quàng Đỏ chỉ có được 2 trang, toàn bộ số còn lại của lính cũ của anh. Nhỏ em than thở: "Vậy sao mình sống chị?"

z3485450350573_807ed02a97

Nhà báo Vũ Hùng và các phóng viên báo Khăn Quàng Đỏ.

Tôi đến gặp anh, nói thẳng: "Anh ơi, em cần mua sữa, mua tã cho con, nhỏ T cũng cần tiền nuôi con và đóng góp cho gia đình nó nữa. Làm như vầy tụi em khó quá"!

Không giận dữ, không nổi cáu, anh bảo: "Ừ, anh biết rồi. Anh sẽ sắp xếp lại các trang bài"

Làm việc với anh, chúng tôi không bao giờ phải họp hành mất thời gian. Báo cáo đề tài nộp đúng vào thứ hai, quy mô bài dài ngắn, đề cương chi tiết thế nào phải ghi rõ. Anh trả lời ngay cái nào làm được, cái nào không. Đề tài nào cần sâu, cần nhóm viết thì phân công cụ thể, vạch hướng chỉ đường rõ ràng. Sau khi nộp báo cáo, ngay lập tức là anh có đề cương, in cho mỗi đứa 1 bản, ghi cụ thể tuần này ai làm gì, mỗi bài mỗi mục mấy trang, xếp vào trang số mấy,...Chúng tôi cứ thế mà làm, đúng giờ đúng khắc nộp. Cảm thấy mình có trách nhiệm phải nộp bài đúng hạn, đúng ý, vì đâu đó đã thành hình tờ báo rồi. Chỉ những sự kiện tin tức nóng nhất mới chờ đến thứ 6, thứ 7. Còn lại mọi thứ gút vào thứ 4. Họa sĩ trình bày cũng khỏe. Đến thứ 5 là họ thả lỏng được rồi. Không có chuyện chờ nhau, họa sĩ, phòng vi tính, tổ đọc bông không phải thức khuya, làm cuối tuần cho kịp tiến độ. Báo tuần này ra thì ngay lập tức tuần sau đã có nhuận bút, vì đơn giản sếp hiểu ai cũng cần bánh mì, cần sữa tã cho con cái.

Lần tôi đăng ký chương trình học bổng báo chí ASEAN, chỉ manh nha nói với anh về đề tài mình chọn. Anh nghe xong, rất nhanh chóng vẽ ngay 1 sơ đồ: "Với đề tài đó, anh nghĩ rằng em đi theo cái thứ này. Bố cục nên thế này, thế này. Và nếu đi theo đề tài này, chỉ có 1 thân 1 mình đi xa, em có ai hỗ trợ không?"

Tôi đi làm đề tài, mỗi ngày anh gọi điện, hỏi thăm tình hình coi tôi đã làm được tới đâu rồi, có trở ngại gì. Cảm động nhất là khi tôi đang ở Nghệ An, gửi bài về cho anh đăng kỳ đầu tiên. Anh biên tập và chuyển lại ngay, bảo em xem lại lần cuối coi anh biên tập vậy đã chính xác và đúng ý em muốn thể hiện chưa? Anh bảo tôi chuyển về ngay lập tức 1 cái ảnh chân dung từ Nghệ An, để đăng lên báo.

"Anh làm như vậy, bài viết của em sẽ nâng giá trị và tính xác thực lên. Vả lại, khi em nộp sản phẩm cho bên phía Ban tổ chức học bổng, cũng có hình ảnh của em trên báo, đó là sản phẩm chính chủ và thể hiện sự tôn trọng họ, tôn trọng tác giả!", anh nói.

z3485450123177_0b78941c23

Nhà báo Vũ Hùng – nhà báo Đỗ Thị Mỹ và người viết.

Tôi được phân công phụ trách cuộc thi "Người mẫu ảnh bìa", một cuộc thi sau mặt báo để tìm các gương mặt triển vọng. Đến vòng chung kết và phát giải, trăm công việc không tên đổ hết lên đầu. Vì là phóng viên chuyên trách cuộc thi, tôi phải lo hết từ chuyện tổ chức đến hậu cần, kịch bản, chăm sóc thí sinh, chương trình trao giải,... Anh nhìn thấy “sự bấn loạn” của tôi khi ban Biên tập phân cho quá nhiều việc. Anh liền cắt đặt vài bạn đồng nghiệp hỗ trợ tôi. Bản thân anh là thư ký tòa soạn, 1 người sếp mà ngồi viết 1 bản thông cáo báo chí, để đỡ cho tôi 1 phần việc, để tôi khỏi quá tải.

Khi tôi viết bài, anh biên tập lại, có những lúc tôi không đồng tình. "Em cho rằng em không sai. Câu chữ của em trong trường hợp này tốt hơn sự lựa chọn của anh" Anh không nổi giận, cân nhắc, và chấp nhận ý kiến của tôi nếu tôi đúng. Mà không chỉ với tôi, với đứa “đệ tử dưới trướng” nào, “đại ca” cũng hết lòng “o bế” cho như thế. Để có nhiều bạn giật 1 mớ giải báo chí. Người trong cuộc mới hiểu, đằng sau những “chiến công hiển hách” đó, có bàn tay ông anh ấy làm nhạc trưởng, nâng đỡ, định hướng rất nhiều.

Chúng tôi học được từ anh những bài học về nghiệp vụ, về sự đối đãi với nhân viên, về bản lĩnh của 1 người đứng đầu. Tôi và nhiều đồng nghiệp khác đối với anh có sự kính trọng, và cả sự biết ơn khi được anh dìu dắt, hướng dẫn. Làm nghề, có những người chị, người anh đi trước dạy dỗ, hướng dẫn như thế, hẳn đã là hạnh phúc to lớn. 

Phương Anh

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu khẩn trương điều trị cho bệnh nhân, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc khiến nhiều người ngộ độc tại Đồng Nai.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ra quyết định thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi tại 63 tỉnh, thành phố.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Nữ sinh Nghệ An Nguyễn Quỳnh Mây là một trong 30 người trên toàn thế giới nhận được học bổng toàn phần của Đại học Oxford năm 2024, thu hút nhiều sự quan tâm.
Tin tức 20 giờ trước
AI Day 2024 sẽ diễn ra tại The Adora Center (TP.HCM) với chủ đề “Ứng dụng AI - Chìa khóa kinh doanh bứt phá”. Đây là sự kiện giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận kiến thức, công cụ và ứng dụng AI để tối ưu chi phí vận hành, nâng cao hiệu suất và tạo lợi thế cạnh tranh.
Tin tức 21 giờ trước
(SHTT) - Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 được tổ chức tại Quảng Ninh, dự kiến từ ngày 4 đến 9/11/2024.