Những ký ức về gánh hát đêm Xuân
Vào những thập niên 70 – 80 của thế kỷ trước, quê tôi hãy còn chìm trong đói rách. Cơm không đủ no, áo không đủ ấm, cái đói nghèo cứ riết róng đuổi theo. Không những đói vật chất mà còn đói cả tinh thần, ti vi, tủ lạnh, xe pháo có thể nói xa xỉ. Thi thoảng lắm mới có những đoàn hát về phục vụ đời sống người quê. Những lúc như thế bọn trẻ con chúng tôi như mở cờ trong bụng nhưng lại không có tiền để mua vé vào cổng. Cùng tắc biến, bằng mọi cách, chúng tôi chui rào là thượng sách để giải quyết vấn đề thưởng thức nghệ thuật.
Bây giờ đã qua rồi cái thời rách nát, trên bước đường tha phương tôi đi qua những thị thành, những miền quê trên đất nước mình, đâu đó bắt gặp pano, áp phích quảng cáo những đêm diễn nghệ thuật ở những nhà hát, rạp xi-nê tầm cỡ, có sự góp mặt của những tài năng gạo cội, vé vào cổng cao ngất ngưởng thế mà hết vèo.
Gánh hát đêm Xuân
Ngày xưa quê tôi còn trong đói nghèo, đói từ vật chất đến tinh thần nên thèm nghe hát cũng ngang ngửa thèm ăn no. Thời ấy, điện lưới chưa có nên đêm về, nhất là những đêm không trăng sao trời cứ tối om như hũ nút. Ngày ấy, các đoàn hát thi thoảng về phục vụ đời sống tinh thần người quê. Đoàn hát về đám thanh niên choai choai như bọn tôi mừng rơn như trúng số độc đắc, suốt ngày rạo rực chờ đêm xuống. Chưa chạng vạng đã nghe tiếng loa cổ động của đoàn vang lên trên xóm nghèo như thúc giục, như nhắn nhủ rằng: "Nhanh lên thôi kẻo hết chỗ ngồi".
Chiều lại bọn tôi tranh thủ nhai vài củ khoai, củ chóc, chải chuốt mái tóc rễ tre vì cả năm không gội bởi xà bông là một thứ xa hoa, rồi ba chân bốn cẳng hú nhau phi nước kiệu xuống tụm năm tụm ba ngay trước cổng sáng trưng, rửa mắt bằng thứ ánh sáng đến là văn minh, sáng choang cả một vùng trời quê tăm tối. Đứng từ sân nhà tôi nhìn về phía chợ đã thấy một vùng sáng rọi vào đêm tối mông lung.
Bọn trẻ con chúng tôi thuở ấy một buổi đi học, một buổi ra đồng chăn trâu. Cha mẹ làm nông, một lao động chính làm việc một ngày được hợp tác xã trả 10 điểm, quy ra lúa được 1 kg nên làm gì có tiền cho trẻ con đi xem hát.
Đám trẻ đi xem hát thật ra chỉ xem đèn là chính. Họa hoằn lắm có tấm phên tre xã làm hàng rào bị mục nát, thế là mắt tròn mắt dẹt, ngó trước trông sau chờ mấy ông quan du kích lơ đễnh là bẻ nan chui tọt vào, chúng tôi liều mạng vùng chạy thật nhanh về phía đám đông đang nhốn nháo chờ sân khấu mở màn, mở to mắt học làm trưởng giả, học làm sang, khai phóng tầm nhìn vào cổ sử.
Những gánh hát chuyên nghiệp vang danh một thời
Những gánh hát chuyên nghiệp vào thời ấy có thể kể tên như đoàn hát bộ Sông Hàn, đoàn cải lương Bà Lai, đoàn Liên Khu V… Đoàn hát về thường ở sân vận động, sân hợp tác xã, cũng có khi ở Đồn Chè chỗ bên kia dốc ông Anh Bà Đức.
Cái bọn tôi thích nhất chính là những bóng đèn tròn quay sáng lóa, có những con phù du từ trong những bụi bờ bay ra loạn xạ, chúng đâm đầu vào bóng đèn nóng hổi rồi rụng cánh chết lăn quay rơi xuống đầy mặt đất, kết thúc cuộc sống ngắn ngủi. Mới hay các cụ ví von đời sống con người thật là tội nghiệp: “Đời người như bóng phù du, sớm còn tối mất công phu nhỡ nhàng”.
Đoàn hát thường có nhiều bộ phận như hậu đài, trật tự, trước khi đoàn về sẽ có bộ phận đi tiền trạm làm hợp đồng với địa phương để họ lo sân bãi. Bộ phận hậu đài lo dàn dựng và tháo dỡ sân khấu sau khi đoàn diễn xong. Âm thanh ánh sáng phục vụ đèn đóm sân khấu cũng như cổng ngõ, hàng rào nhằm chống mấy ông răng đen mắt toét rúc rào xem miễn phí, trật tự lo gác cổng, bán vé. Tóm lại, “nồi cơm” của cả đoàn nằm ở đây.
Đã chuyên nghiệp thì mẹo mực câu khách cũng chuyên nghiệp. Thời ấy, nhạc vàng bị cấm tiệt, các ông bầu biết dân ta thích dòng nhạc xưa nên luôn có chiêu thức vừa “né” được lệnh cấm mà lại vừa vui lòng khán giả.
Tôi còn nhớ trong vở “Biển Động”, đại khái chính quyền mới tiếp quản đến nhà anh sĩ quan chế độ cũ đề nghị đi học tập cải tạo. Trong lúc bịn rịn chia tay vợ thì nhạc công chuyển sang chơi điệu slow chậm rãi, anh sĩ quan cất lên giọng hát não nề: “Thôi rồi còn chi đâu em ơi, có còn chăng dư âm thôi, em ơi em ơi sao đắng cay...”. Cả bãi người im lặng như tờ rồi đột ngột vỗ tay như pháo Tết, các chị các cô ở chợ Việt An vốn dân thương nghiệp nên cũng có xu trong túi rủng rỉnh, quăng tiền lên sân khấu như lá rụng mùa thu.
Nghệ sĩ “một nắng hai sương”
Song nhớ nhất vẫn là những đêm diễn của dàn nghệ sĩ không chuyên. Có những thời điểm địa phương tổ chức hát bội, không còn nhớ tuồng gì, chỉ nhớ có chú Cả sắm vai Tướng. Chú Cả hát rất hay, điệu bộ rất ăn khớp vai diễn, chú nhỏ người, nhanh nhẹn, rất dứt khoát.
Đoạn Tướng lên ngựa ra sa trường giết giặc, chú co chân trái lên, chân phải trụ, tay phải chú cầm cây roi ngựa tựa như chổi lông gà quất phẹt phẹt vào chân trái, miệng tấu lên: "Tẩu mã nan nan hoành" rồi xoay quanh mấy vòng, thả chân trái xuống hai chân nhấp nhấp về phía trước đi vào cánh gà, như thế hết màn.
Có chú Năm ở thôn trong sắm vai Vua. Đang ở cảnh Vua thiết triều, hai hàng quân sĩ nghiêm trang đứng chầu. Hôm ấy mồng 5 Tết, có lẽ chú ăn phải thức lạ nên đau bụng tiêu chảy, Vua đang ngự trên ngai vàng là chiếc ghế tựa thì “tào tháo rượt tới biên cương”, chú liền phán: “Trẫm nay đà trong bụng bất an, truyền quân bây khiêng luôn cả ghế”. Các vị quân sĩ đang hoang mang thì người nhắc tuồng bên trong bức màn nhắc: “Khiêng vô mau, khiêng vô mau”. Thế là chú nhanh trí cứu đoàn một bàn thua trông thấy.
Lại nhớ một chú cũng ở thôn trong vào vai Vua nhưng rất ngờ nghệch, quê tôi gọi là "gỗ đơ". Thường vai Vua phải có những hành động bề trên như vuốt râu chẳng hạn. Hôm ấy thế nào mà chú lại ngồi im như pho tượng. Người nhắc tuồng bên trong thấy thế liền nói khẽ: “Làm Vua thì phải vúốt râu chớ cha”. Chú giật mình tưởng rằng lời thoại trong vở tuồng. Chú liền hát: “Làm Vua thì phải vút râu chớ cha”, liền đó chú đưa tay lên vuốt bộ râu giả dài thòn. Cả hội trường cười ầm lên khiến “ông Vua” mặt mày thất sắc.
Đó là những mẫu chuyện dở khóc, dở cười của người nghệ sĩ một nắng hai sương quê tôi mà họ rất vô tư, bởi chỉ là nghệ sĩ vườn, được thò mặt lên sân khấu, bôi chút phấn son trắng đỏ là vui cả mùa Xuân rồi.
Giờ thì sân khấu đã vắng người xem lại ao ước có được cái không khí nghệ thuật một thời.
Nguyễn Thiên Ân