Những bất cập, sơ hở trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại
Ngày 11/1, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn Chống buôn lậu, gian lận thương mại, uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng”.
Thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong những năm trở lại đây, cùng với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, Việt Nam đã trở thành điểm đến, là thị trường hấp dẫn cho các loại thương hiệu, sản phẩm và hàng hóa trong và ngoài nước.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản như tình hình sản xuất ngày một phát triển, hàng hoá đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm ngày một được nâng cao thì Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái diễn ra hết sức phức tạp.
Ngoài việc vận chuyển trái phép hàng cấm, thì hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, hàng điện tử...cũng có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn, làm ảnh hướng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng, gây thất thu ngân sách, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường cũng nhấn mạnh thực trạng buôn lậu qua đường biên giới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm các tháng giáp Tết 2024. Các đối tượng buôn lậu sử dụng một số phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, điển hình như không khai báo hoặc khai không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hoá vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh... chủ yếu các mặt hàng như: thuốc lá ngoại, đường cát, vải, hàng may mặc, rượu, hàng điện tử...
Trong thị trường nội địa, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường cho biết, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
“Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà hàng hóa vi phạm sau khi qua biên giới được các đối tượng tập kết tại các kho hàng đặt tại nơi hẻo lánh, ít người qua lại, hoặc tại nhà riêng, sau đó các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh (mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử), hàng hóa sau đó được vận chuyển qua các công ty bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh đến tận tay người tiêu dùng”, ông Lê thông tin.
Đáng chú ý, theo Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, trong thời gian đầu năm, đặc biệt là vào các dịp Lễ, Tết là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ về nạn hàng giả, hàng kém chất lượng bởi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động; đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các loại thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát,...
Những bất cập trong công tác xử lý vi phạm
Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng trên, đại diện VCCI cho biết do một số quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại còn bất cập, sơ hở. Công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả, các chế tài xử phạt chưa nghiêm khắc, mức độ tính răn đe còn thấp. Nhận thức chưa đầy đủ của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng đối với việc kinh doanh, tiêu thụ và tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, chất lượng, đặc biệt là trong quá trình tham gia các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội ngày càng phát triển và phổ biến hiện nay.
“Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức thực thi công vụ và các quy định của pháp luật chưa cao, còn biểu hiện nể nang, bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật... dẫn đến kết quả công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại chưa được như mong muốn”, ông Bùi Trung Nghĩa cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chia sẻ, việc chủ động điều tra, phát hiện vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website thương mại điện tử là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. Việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, trên các trang website bán hàng hoặc qua mạng xã hội thường không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có điện thoại để giao dịch. Khi có khách hỏi mua hàng thì sẽ hỏi địa chỉ để giao nhận hàng hóa, thanh toán tại nhà. Người mua không biết người bán là ai, sản phẩm như thế nào? Các đối tượng khi có người lạ dò hỏi xem hàng thì thường không trả lời; ngoài ra vì là không gian, địa chỉ ảo trên mạng Internet, nên dễ dàng gỡ bỏ thông tin nhằm xóa dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm.
Minh Hằng