SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới

10:57, 26/07/2023
(SHTT) - Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được đánh giá là cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới.

Chiều 25/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội và xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo, đưa kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Tăng trưởng bình quân năm 2021, 2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước. Bình quân 2 năm 2021-2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng 5,86%, cao hơn 1,13 lần mức tăng của cả nước (5,25%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2022 đạt hơn 656.000 tỷ đồng, đạt 119,9% dự toán Trung ương giao. Tổng chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2022 khoảng 178.500 tỷ đồng, đạt 82,8% dự toán.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội, thành phố đã chủ động thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức phường. Thành phố đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tại 175 UBND phường với 2.452 người (giảm 252 người).

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội, Hà Nội đã chủ động thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức phường. Đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tại 175 UBND phường với 2.452 người (giảm 252 người).

luat thu do3

 Quang cảnh buổi làm việc

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu các tổ chức đảng được đẩy mạnh, phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm.

Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên, vai trò, phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với UBND phường được bảo đảm, tăng cường. Từ kết quả thí điểm, thành phố kiến nghị Quốc hội quy định mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời, bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc TP Hà Nội...

Trong khi đó, thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. Cụ thể, về cơ chế, chính sách cho phép HĐND TP quyết định áp dụng một số khoản thu phí. Đến nay, UBND TP đã đề xuất 4 nội dung về phí; HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023)...

Nghị quyết đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thời gian qua, như: Tạo khuôn khổ pháp lý riêng về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách cho Thủ đô; giúp thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có; góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa thành phố với các tỉnh, thành phố trong cả nước, lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”..

Hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội vươn mình bứt phá

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đồng chí Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội và các Ban, Bộ, ngành Trung ương đã dành sự quan tâm sâu sắc đối với Thủ đô, nhất là về 3 nội dung lớn: Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại Thành phố Hà Nội; Tình hình triển khai Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, đây là những hành lang pháp lý vô cùng quan trọng để thành phố Hà Nội có thể bứt phá, góp phần đạt được mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra về phương hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

luat thu do2

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Đối với nội dung xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, ngày 9/6/2023, Bộ Tư pháp đã thực hiện việc đăng tải dự thảo Luật để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức và nhân dân.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012.

Đồng thời, Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; có vai trò lan tỏa, thúc đẩy Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Với mục tiêu đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng theo 5 quan điểm. Thứ nhất là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô.

Thứ hai là quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật.

Thứ ba, Luật Thủ đô (sửa đổi) bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua.

Thứ tư, đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố.

Thứ năm là kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012, cơ chế thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14, Nghị quyết số 115/2020/QH14, Nghị quyết số 160/2021/QH14 của Quốc hội; rà soát, tiếp thu các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà phù hợp với Thủ đô để đưa vào dự thảo Luật. Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...) để lựa chọn những vấn đề đặc thù, chưa được quy định để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô.

Luật Thủ đô (sửa đổi) phải được đặt trong tổng thể của hệ thống pháp luật

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới.

Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý phải bám sát việc tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thủ đô và các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đối với Hà Nội, đây là căn cứ rất quan trọng để đề xuất, kiến tạo các chính sách phát triển Thủ đô.

luat thu do1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thể chế hóa được các quan điểm mới nhất, trực tiếp nhất liên quan đến Thủ đô Hà Nội như Nghị quyết số 15-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế; trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch đẹp, an ninh, an toàn, văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh và bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải được đặt trong tổng thể của hệ thống pháp luật. Việc quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô là rất cần thiết và có thể khác với các luật hiện hành về cùng một nội dung, một lĩnh vực, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với quy định của Hiến pháp và chủ trương của Đảng; xử lý tốt mối quan hệ giữa việc áp dụng Luật Thủ đô và các luật chuyên ngành sẽ được Quốc hội ban hành sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật. Ở đây, phải hết sức chú ý vấn đề áp dụng pháp luật.

Lưu ý Hà Nội và TPHCM là những đô thị đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định các vấn đề liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt, đồng thời thể chế hoá được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Thủ đô. Luật Thủ đô thực chất là một đạo luật về phân quyền để thực hiện hiệu quả nhất các yêu cầu quản trị, phát triển Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực huy động, quản lý, khai thác các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, xây dựng hệ thống chính trị Thủ đô...

Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tạo cơ sở pháp lý giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, các dự án tồn đọng...

"Các quy định của Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cụ thể hóa được 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Theo đó, nội dung và phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi sẽ rộng hơn so với Luật hiện hành, quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô; tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các cơ chế đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; cơ chế tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm. Chủ tịch Quốc hội gợi ý với những nội dung đã chín, đã rõ thì có thể đề xuất bổ sung vào dự án Luật, không nhất thiết trong 9 nhóm chính sách này để pháp luật thực sự phản ánh đúng, trúng thực tiễn cuộc sống. 

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý TP. Hà Nội cần tham vấn sâu rộng ý kiến của giới chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân; tổ chức các toạ đàm, hội thảo lấy ý kiến sâu rộng về dự án Luật; tiếp tục làm tốt công tác thông tin truyền thông để người dân đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật. 

Hương Mi

Tin khác

Pháp luật 11 giờ trước
(SHTT) - Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng mới của Canada đang tạo ra những làn sóng trái chiều. Các doanh nghiệp đang lo ngại việc đạo luật mới mang lại quá nhiều quyền lực cho chính phủ.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nông Thị Hằng (SN 1987), trú ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội về hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả.
Pháp luật 4 ngày trước
(SHTT) - Cuộc chiến pháp lý giữa các công ty dược phẩm từ năm 2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu một tòa án ở London (Anh) thu hồi các bằng sáng chế của công ty đối thủ Moderna về công nghệ phát triển vắc xin COVID-19.
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội, một nạn nhân đã trình báo về việc tham gia đầu tư tiền ảo và bị lừa đảo trực tuyến hơn 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, các mánh khóe, chiêu lừa được các đối tượng sử dụng để moi tiền của nạn nhân đều không mới.
Pháp luật 6 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Vũ Thị Kim Dung (Rouse) đã có phần trình bày liên quan đến vấn đề pháp luật về xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, từ sửa đổi đến thực tiễn áp dụng.