SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Lạng Sơn không thể hoàn thành đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng trong năm 2020

07:07, 15/06/2020
Với tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng như trên sau 3 năm triển khai, Dự án thành phần 2 mới chỉ hoàn thành công tác bàn giao cọc mốc GPMB.

Trong công văn số 538 vừa gửi tới Thủ tướng, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn thừa nhận đến thời điểm này, dự án thành phần 2 – xây dựng đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc dự án BOT đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn chắc chắn không thể hoàn thành trong năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Lý do được ông Hồ Tiến Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đưa ra là do những khó khăn trong việc thu xếp vốn tín dụng.

Sau khi được Thủ tướng giao thay thế Bộ GTVT trong vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trong thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cùng với Nhà đầu tư và Ngân hàng BIDV tính toán, phân tích, xác định tổng nguồn vốn tham gia thực hiện đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Theo đó, Dự án thành phần 2 cần khoảng 8.310 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia là 1.750 tỷ đồng, vốn vay thương mại là 3.400 tỷ đồng, ngân sách nhà nước tham gia 3.160 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đối với phần vốn vay thương mai, hiện mới chỉ có Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị cam kết góp 1.750 tỷ đồng và Ngân hàng BIDV cam kết cho dự án vay 2.000 tỷ đồng.

Vào cuối tháng 9/2019, UBND tỉnh đã Lạng Sơn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi (xây dựng cơ bản, chi khác), tăng thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, các nguồn vốn hợp pháp khác... để tham gia vào Dự án cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng theo lộ trình đầu tư, vận hành khai thác dự án, đảm bảo quy định của pháp luật.

Đối với phần vốn còn lại của ngân sách nhà nước và phần vốn vay còn thiếu, UBND tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ dự án khoảng 2.160 tỷ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc, có ý kiến với Ngân hàng Vietinbank và các ngân hàng thương mại khác xem xét, thu xếp phần vốn tín dụng còn thiếu của dự án là khoảng 1.400 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa được tháo gỡ.

Như vậy, tại Dự án thành phần 2 đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng, hiện mới chỉ có nhà đầu tư góp được 424 tỷ đồng và đã giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), chi phí tư vấn, chi phí quản lý dự án,… số tiền 290 tỷ đồng.

Với tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng như trên sau 3 năm triển khai, Dự án thành phần 2 mới chỉ hoàn thành công tác bàn giao cọc mốc GPMB, trích lục kiểm đếm đạt 100% khối lượng; đã bàn giao mặt bằng cho Nhà đầu tư được 8,5/43,6km (đạt 20%). Tuy nhiên, hiện nay Dự án đang phải tạm dừng công tác GPMB do chưa thu xếp được nguồn vốn.

Bên cạnh vướng mắc trong việc huy động vốn tín dụng cho Dự án thành phần 2 – đoạn Hữu Nghị Chi Lăng, hiện nay đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng) thuộc Dự án thành phần 1 cũng đã đưa vào vận hành từ ngày 15/01/2020, chính thức thu phí từ ngày 18/02/2020, nhưng còn 30 km nữa mới đến thành phố Lạng Sơn, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 43km (thuộc phạm vi đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng).

“Việc kết thúc chơi với hư vậy sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và chưa có cơ sở để kết nối và triển khai tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng)”, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đánh giá.

Đây là lý do khiến UBND tỉnh Lạng Sơn một lần nữa đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân đối từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ Dự án cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng (Dự án thành phần 2) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn khoảng 2.160 tỷ đồng, bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tham gia vào dự án.

Phần vốn vốn này để thực hiện chi trả cho các hạng mục công việc như: GPMB, các công trình đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt trực thông… (vận dụng quy định tại Nghị định số 63/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư).

Lãnh đạo Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị cho biết đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo phương án tài chính cho Dự án thành phần 2 đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng và cũng là ràng buộc quan trọng để ngân hàng cho vay 3.400 tỷ đồng vốn tín dụng.

Đoạn đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43,6km là đoạn tuyến cuối cùng nằm trong quy hoạch tổng thể tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Theo chủ trương đầu tư ban đầu, đoạn tuyến này được sử dụng nguồn vốn vay ADB.

Tuy nhiên, do việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn và sẽ làm gia tăng nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung đoạn tuyến này vào Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Lạng Sơn từ tháng 5/2018.

Tại Thông báo 195/2018 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã đánh giá dự án đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đầu tư theo hình thức BOT là công trình giao thông huyết mạch, trọng yếu, kết nối tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh; giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Vietinbank giải quyết các vướng mắc về tín dụng, bảo đảm một đầu mối thu xếp vốn để khẩn trương thực hiện đoạn cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (bao gồm 17,5 km đoạn kết nối đến các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam) với mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến đường cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị Quan vào 2020.

Tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng từng được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2016 với quy mô 43 km, tổng mức đầy tư 8.743 tỉ đồng, giao cho Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Mục tiêu đặt ra khi đó sẽ hoàn thành vào năm 2019 để khép kín toàn bộ tuyến cao tốc nối Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).
Sau 2 năm chật vật do khó khăn thủ tục pháp lý, năm 2018, dự án được chuyển đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Lạng Sơn, đổi hình thức đầu tư BOT. Tuy nhiên, dự án tiếp tục long đong khi sau 2 năm vẫn chưa thể khởi động do không thu xếp được vốn vay.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Tin khác

Tin Tổng hợp 7 tháng trước
(SHTT) - Nhân viên tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 02 loại chính là “Lê sữa” và “Lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi với lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 17/7, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa kéo dài.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 11/7, Bắc và Trung Bộ tiếp diễn những ngày nắng nóng gay gắt, từ chiều tối về đêm có mưa rào rải rác.
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Mới đây, Vinhomes đã tung chính sách bán hàng “khủng chưa từng có” với khoản hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 3 năm cho khách hàng mua căn hộ
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Bùng nổ quyết tâm, khát khao mạnh mẽ và tràn đầy khí thế trong từng khoảnh khắc là hình tượng của các chiến binh sales tham gia lễ kick-off Crystal Holidays Harbour Vân Đồn - dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô bậc nhất tại Quảng Ninh thời điểm hiện tại.