SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Hỗ trợ các nhóm trẻ gia đình

13:32, 14/02/2014
Sau hàng loạt vụ bạo hành trẻ mầm non trên địa bàn TPHCM bị phanh phui, vấn đề an toàn cho trẻ em nuôi dạy tại các nhóm trẻ gia đình (NTGĐ) đang được dư luận đặc biệt chú ý. Mặc dù UBND TPHCM đã ban hành văn bản chỉ đạo 24 quận, huyện kiên quyết dẹp bỏ các nhóm trẻ chưa được cấp phép, song trên thực tế các địa phương đều kêu khó. Số lượng NTGĐ chỉ có thể giảm chứ chưa triệt để giải tán. Vì sao? 

Các cháu đi đâu?

Đó là câu hỏi chung của hầu hết địa phương trước yêu cầu kiên quyết giải tán các NTGĐ chưa được cấp phép của lãnh đạo TP. Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết do hiện nay nhu cầu gởi con của người dân trên địa bàn khá lớn, nếu giải tán hết 293 điểm giữ trẻ chưa được cấp phép đang hoạt động, người dân sẽ không biết gởi con ở đâu. Do đó hiện nay, cách làm của quận là cho phép tồn tại tạm thời các điểm giữ trẻ có quy mô từ 6 em trở xuống, yêu cầu chủ các cơ sở lập biên bản cam kết đảm bảo an toàn cho trẻ em hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động đối với các nhóm trẻ có sĩ số cao hơn.

Đối với quận Bình Tân, sau khi ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với 52 cơ sở mầm non không có khả năng khắc phục sai phạm, lãnh đạo 10 phường đã ngồi lại bàn phương án điều chuyển học sinh qua các trường mầm non công lập, tư thục hoặc nhóm trẻ có phép trên địa bàn. Trong đó, nhiều trường hợp chỉ điều chuyển được 2-7 cháu vào một đơn vị. Riêng đối với 47 cơ sở tồn tại sai phạm như thiếu giáo viên, chưa ký hợp đồng cung ứng thực phẩm tại các cơ sở có uy tín, công tác phòng cháy, chữa cháy chưa đảm bảo nhưng còn khả năng khắc phục, chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ các cơ sở nhanh chóng có phương án khắc phục, bổ sung giấy phép hoạt động trước tháng 5-2014.

Ngoài ra, nhiều nơi địa phương còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP mở chính sách vay vốn, giúp các cơ sở có điều kiện cải tạo cơ sở vật chất. Đây được xem là một trong những động thái hết sức mềm dẻo của các địa phương trong việc cân bằng giữa hai yêu cầu đảm bảo chỗ học và chất lượng nuôi giữ trẻ trên địa bàn.

Tuy nhiên, trước câu hỏi vì sao trên địa bàn các quận, huyện vẫn còn nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập có khả năng tiếp nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi nhưng phụ huynh không thể gởi con, bà Trần Thị Thúy Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Vy Vy (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) cho biết, dù TP có chủ trương tăng cường các lớp giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi, cơ sở ngoài công lập cũng không dám nhận vì vấn đề an toàn trách nhiệm, nuôi giữ trẻ lứa tuổi này chịu nhiều áp lực và nguy cơ rủi ro cao hơn. Đó là chưa kể, “tổ chức một lớp giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi, một giáo viên giỏi lắm chỉ giữ được 5 em, lấy đâu ra nguồn thu trả lương giáo viên.

Trong khi đó, nếu giữ trẻ từ 3-5 tuổi, số lượng cháu sẽ nhiều hơn, lương giáo viên vì thế cũng được cải thiện”, bà Huyền bày tỏ. Toàn phường Tân Tạo A, quận Bình Tân hiện nay có 10 trường và nhóm lớp mầm non có phép đang hoạt động, nhưng chưa cơ sở nào nhận giữ trẻ dưới 12 tháng tuổi. Trong khi đó, trường công luôn quá tải về mặt sĩ số, trẻ từ 6-18 tháng tuổi không còn lựa chọn nào khác ngoài các NTGĐ. 

Vấn đề lý và tình

Chỉ tính riêng trên địa bàn phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân hiện nay có 19 nhóm lớp gia đình không phép đang hoạt động. Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Thùy Hương cho biết: “Dù nắm tình hình hoạt động của các cơ sở nhưng hiện tại chúng tôi chưa thể đóng cửa vì lo các vấn đề về an sinh xã hội. Hầu hết chủ các cơ sở giữ trẻ đều là dân lao động nghèo, nguồn thu giữ trẻ là thu nhập chính, không ổn định, nếu lập biên bản xử phạt, họ cũng không có tiền để đóng”. Trong khi đó, chỉ đạo của UBND TP phải kiên quyết đóng cửa các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động. Riêng đối với việc đóng phạt khi có sai phạm, nếu chủ cơ sở không tiến hành sẽ bị thu hồi, cưỡng chế.

Tuy nhiên trên thực tế chưa có trường hợp nào bị cưỡng chế trên địa bàn phường. “Với điều kiện trình độ học vấn thấp, không cho các cơ sở giữ trẻ nữa họ cũng không biết mưu sinh bằng nghề nào khác. Riêng đối với những cơ sở thuộc diện gia đình xóa đói giảm nghèo, để họ tiếp tục hành nghề thì lo về an toàn cho trẻ nhỏ, nhưng nếu kiên quyết xóa bỏ địa phương cũng không nỡ”, bà Hương bày tỏ.

Mặt khác, trong tổng số 43 điểm giữ trẻ gia đình không phép đang hoạt động trên địa bàn phường Linh Trung, quận Thủ Đức, có đến 9 điểm cơ sở phải đi thuê, mướn, 1 cơ sở có địa chỉ là “nhà không số”, trông giữ từ 1-3 trẻ/điểm khiến chính quyền địa phương gặp khó trong công tác kiểm tra và xử lý sai phạm. Đó là chưa kể nhiều cơ sở chưa được cấp phép là do vướng thủ tục nhà đất, chủ cơ sở đã nhiều lần làm hồ sơ xin cấp phép hoạt động nhưng do không có chủ quyền nhà đất vì nằm trong khu vực đất dự án bị quy hoạch nên giải tán hoạt động cũng không được mà tồn tại cũng không xong.

Tháo gỡ những khó khăn đó, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM cho biết, TP đang yêu cầu tất cả quận, huyện tổng rà soát, điều tra cụ thể số trẻ từ 6-18 tháng tuổi nhằm nắm được nhu cầu gởi trẻ trên từng địa bàn, từ đó xác định được lộ trình thực hiện đầu tư mở rộng trường lớp và đào tạo đội ngũ giáo viên, không để xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu như hiện nay. Riêng đối với các cơ sở mầm non không phép, ông Hùng kiến nghị: “Các địa phương không nên máy móc đóng cửa hay không đóng cửa hoạt động mà phải kiên trì vận động, lắng nghe và hỗ trợ người dân về cơ sở vật chất, tài chính hoặc kiến thức để họ hiểu và thực hiện đúng theo các yêu cầu đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ”.

Cần chuẩn bị kỹ

Vừa qua, tại buổi làm việc giải quyết kiến nghị của các quận, huyện về công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non trên địa bàn TPHCM, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn cho biết, sắp tới TP sẽ chọn 8 trong tổng số 24 quận, huyện tổ chức thí điểm nhận giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi, bao gồm Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, 12 và 7. Đây đều là những khu vực tập trung đông công nhân, lao động nhập cư, không có hộ khẩu thường trú. Sau khi tổ chức thí điểm mới tiến hành rút kinh nghiệm và triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn TP.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa đoàn đại biểu HĐND TP với lãnh đạo UBND quận Bình Tân, ông Phạm Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, theo dự kiến quận sẽ chọn 2 trường mầm non công lập là Hương Sen và Hoa Hồng trên địa bàn phường Bình Trị Đông B và phường An Lạc, cùng với Trường Mầm non tư thục Mặt Trời Nhỏ tại KCN Pouyuen tổ chức thí điểm nhận giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi theo chủ trương chung của TP. Cơ sở để địa phương chọn 3 đơn vị đó do có điều kiện cơ sở vật chất tốt, trang thiết bị học tập tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu nuôi giữ nhóm đối tượng đặc biệt này. Đây có thể xem là một trong những tín hiệu tích cực ban đầu của TP trong việc chăm lo chỗ học cho trẻ từ 6-18 tháng tuổi, nhiệm vụ vốn đã bị “bỏ quên” từ nhiều năm qua.

Tuy nhiên, giải trình với HĐND TP, bà Nguyễn Thái Thùy Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân cho biết, do hoạt động trên địa bàn khu dân cư đông nên dù được chọn làm cơ sở tổ chức thí điểm giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi, Mầm non Hương Sen hiện nay đang quá tải nhóm lớp 5 tuổi. Nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại nếu mở thêm lớp nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi sẽ không còn chỗ học cho trẻ ở nhóm tuổi lớn hơn.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Hồng Bạch, Trưởng phòng LĐTB-XH quận Bình Tân, việc giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi đòi hỏi tính tỉ mỉ, chu đáo, yêu cầu người giữ trẻ phải chịu được áp lực với nguy cơ rủi ro cao, vất vả hơn nhiều lần so với việc giữ trẻ từ 3-5 tuổi. Nếu một giáo viên có bản lĩnh, kinh nghiệm vững vàng có thể trông giữ 6-8 trẻ trong độ tuổi từ 3-5 tuổi thì với nhóm từ 6-12 tháng tuổi không thể giữ quá 3 cháu. Điều này theo đánh giá của chủ một nhóm lớp mầm non có phép ở quận Bình Tân là sẽ làm sụt giảm nghiêm trọng chế độ lương bổng, phụ cấp của giáo viên đứng lớp. Do đó nếu được chọn, “không ai dại gì chọn việc có thu nhập thấp, áp lực lại cao hơn”, vị này bày tỏ. Hơn nữa, các chuẩn quy định hiện nay của ngành giáo dục mới quy định về mặt trình độ, số lượng trẻ/giáo viên đối với nhóm lớp từ 3-5 tuổi, chứ chưa có quy định về yêu cầu số lượng đối với nhóm nhỏ hơn. Đó là chưa kể các yêu cầu về diện tích lớp học, độ dốc của cầu thang, chiều cao cửa chắn ở mỗi nhóm tuổi khác nhau. Nếu cơ sở có nhu cầu cải tạo lại cơ sở vật chất để phù hợp hơn với việc trông giữ trẻ từ 6-12 tháng tuổi cũng không biết lấy kinh phí sửa chữa ở đâu. Chính vì vậy, trong khi TP chủ trương thí điểm thì các đơn vị lại ngại không muốn nhận do gặp khó về công tác tổ chức.

Chia sẻ khó khăn này với các địa phương, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội của HĐND TPHCM cho biết, trong khi Nhà nước đang kêu gọi xã hội hóa chăm lo cho trẻ em từ 6-18 tháng tuổi thì các quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ lại chưa được chuẩn bị một cách kỹ càng và đồng bộ, gây lo lắng cho người dân. Do đó, theo kiến nghị của nhiều đại biểu, trước khi tổ chức thí điểm giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi, TP cần ban hành các quy định về chế độ, chính sách, tiêu chuẩn số trẻ/giáo viên, tỷ lệ lớp 3-5 tuổi so với các lớp nhỏ hơn để việc thực hiện không rơi vào tình trạng “chủ trương một đằng, thực tế một nẻo” như thời gian qua.

 

Tin khác

Tin tức 22 giờ trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 1 ngày trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Hội Hóa học Việt Nam, cả 10 học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58, năm 2024 đều đạt giải với 1 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng. Với thành tích này, Việt Nam xếp hạng 3 toàn đoàn.
Tin tức 1 ngày trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.
Tin tức 2 ngày trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.