SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Hàng Việt xuất ngoại qua kênh phân phối hiện đại

17:25, 10/10/2019
(SHTT) - Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối trong nước, Saigon Co.op đã đưa hàng Việt ra khỏi biên giới Việt Nam.

“Đề án thúc đẩy doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài” do Bộ Công thương chủ trì, với mục tiêu cụ thể là tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (XK) trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài, trước mắt là các hệ thống phân phối đã có hiện diện tại Việt Nam và tiếp đến là các hệ thống phân phối lớn khác. Đặc biệt, tăng kim ngạch XK của những nhóm hàng XK mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giầy, thủy sản, cà phê, chè, rau quả, đồ gỗ..., phấn đấu đến năm 2020, hàng hóa XK của Việt Nam được XK trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

coop-1

 

Thực hiện “Đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp hệ thống phân phối nước ngoài”, phấn đấu đến năm 2020, hàng hóa XK của Việt Nam được XK trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, hiện đã có nhiều DN, địa phương, tổ chức đưa các loại đặc sản của địa phương mình giới thiệu vào các hệ thống siêu thị trong nước, để từ đó làm “bước đệm” để sản phẩm Việt vươn ra thị trường thế giới...

Mới đây, Sở Công Thương TP HCM, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng và Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM (Saigon Co.op) tổ chức kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh Lâm Đồng vào hệ thống Co.opmart với hơn 20 HTX nông nghiệp, đơn vị canh tác nông sản tại Lâm Đồng tham gia. Để đưa hàng vào bán tại hệ thống siêu thị, các đơn vị tham gia giới thiệu hàng loạt sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ chế biến, đóng gói mới với bao bì bắt mắt và có tính năng phù hợp với xu hướng đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dung (NTD).

Ông Nguyễn Vũ Toàn - Giám đốc Kinh doanh Saigon Co.op cho biết, Saigon Co.op luôn sẵn sàng tiếp nhận, hợp tác, hỗ trợ tạo cơ hội cho các DN nhà cung cấp, cơ sở sản xuất các mặt hàng nông sản, đặc sản, nhất là nông sản Việt. Ngoài bán trực tiếp nông sản tại hơn 800 siêu thị lớn nhỏ tại Việt Nam, Saigon Co.op còn XK một lượng lớn nông sản Việt chất lượng cao (trung bình khoảng 2 triệu USD/năm) qua thị trường Singapore, Nhật. Riêng sản phẩm Đà Lạt, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op phân phối ra thị trường với sức tiêu thụ mỗi năm trung bình hơn 20.000 tấn nông sản (gồm các loại đặc sản và các loại rau củ quả)… cùng hơn 30 loại hoa tươi cắt cành, hoa chậu để bàn với sức mua khá tốt hàng ngày.

coop-2

“Tuần lễ sản phẩm doanh nghiệp Việt tại Co.opmart” giúp 60 doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm và kết nối đưa hàng vào siêu thị 

Ông Nguyễn Vũ Toàn, cho biết thêm, điều kiện để đưa hàng vào Co.opmart/Co.opXtra không khó, quan trọng là DN cần có sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người dân và đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, DN cũng không nên bỏ qua chi phí marketing để tối ưu hóa sản phẩm của mình. “Chúng tôi luôn chào đón những sản phẩm Việt có chất lượng tốt nhất, từ đó đưa hàng Việt đi khắp mọi miền đất nước cũng như phục vụ cho xuất khẩu” - ông Toàn chia sẻ và thông tin thêm chính sách thu mua của Saigon Co.op luôn đặt yêu cầu chất lượng lên hàng đầu, còn yếu tố giá thì linh động điều chỉnh phù hợp theo từng thời điểm để nhà cung cấp không bị thiệt. Đối với công tác kiểm soát chất lượng, Saigon Co.op đòi hỏi nhà cung cấp phải bảo đảm quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, cải tiến chất lượng, bao bì mẫu mã, kết hợp việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và công nghệ xử lý sau thu hoạch để có các sản phẩm đạt chất lượng tốt, có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe.

Tất cả sản phẩm kinh doanh tại Saigon Co.op được kiểm tra an toàn thực phẩm định kỳ hoặc đột xuất từ nguồn nguyên liệu sản xuất trước khi giao hàng đến siêu thị, người tiêu dùng.

Cũng với mục đích đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Aeon, sau đó “bước” ra thị trường thế giới, trong tháng 7-2019, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Công ty TNHH Aeon Việt Nam tổ chức “Tuần lễ sản phẩm DN Đà Lạt - Lâm Đồng” tại Aeon Mall Tân Phú với 33 DN, nhà cung cấp trong các lĩnh vực nông sản - thực phẩm tham gia. Bà Cao Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, nông sản là mặt hàng có thế mạnh và XK chủ yếu của Đà Lạt - Lâm Đồng, với các sản phẩm nổi tiếng như: chè, cà phê, rau, các loại hạt dinh dưỡng, các loại thảo dược,... Hiện Lâm Đồng đang là tỉnh có diện tích chè lớn nhất nước, là vùng sản xuất cà phê lớn thứ 2 của Việt Nam và là vựa rau chính của miền Nam. Riêng mặt hàng rau, có 209 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 1.717ha; 21ha sản xuất theo GlobalGAP, 1 công ty chứng nhận Organik với diện tích 4ha; cà phê arabica Đà Lạt đã được cung cấp cho Starbucks; chè Olong được xuất đi nhiều thị trường khó tính,… Sự kiện trên là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại để cung cấp sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đảm bảo chất lượng, tiếp cận với NTD trong nước qua hệ thống siêu thị.

coop-4

 

Sau đó, thông qua Aeon Việt Nam, sản phẩm của Đà Lạt - Lâm Đồng sẽ vào thị trường Nhật Bản. Tương tự, sản phẩm Đà Lạt - Lâm Đồng cũng đã XK vào thị trường Hàn Quốc thông qua hệ thống Lotte Mart.

Không chỉ sản phẩm của Đà Lạt - Lâm Đồng, mà một số địa phương khác cũng tổ chức”kết nối” các DN, nhà cung cấp XK sản phẩm chủ lực của đại phương ra thị trường thế giới thông qua hệ thống siêu thị. Mới đây nhất, ngày 29-8, Bộ Công Thương đã tổ chức “kết nối” các sản phẩm nông sản, thực phẩm cho các DN ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào chuỗi phân phối của các tập đoàn lớn nước ngoài Aeon, Wallmart, Central Group. Với mục tiêu hướng tất cả các DN xuất khẩu, tại buổi kết nối, Bộ Công Thương đã tập huấn, cung cấp thông tin cho những DN quan tâm nhưng chưa sẵn sàng đưa hàng vào các hệ thống phân phối nước ngoài, đồng thời kết nối giúp những DN đã có hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng gặp gỡ trực tiếp nhân sự mua hàng để giới thiệu, chào bán sản phẩm của mình vào các hệ thống phân phối. Theo đại diện các hệ thống bán lẻ, các DN, nhà cung cấp muốn đưa hàng thành công vào hệ thống siêu thị thì sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và sản lượng ổn định. Những đơn vị kết nối thành công với siêu thị sẽ có cơ hội lớn XK ra thị trường thế giới qua hệ thống siêu thị.

coop-3

 

Theo đại diện Bộ Công Thương, giải pháp để thực hiện đề án 2, đó là bên cạnh việc hỗ trợ các DN trong nước sản xuất, phát triển mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa XK phù hợp với yêu cầu của các hệ thống phân phối nước ngoài, các cơ quan chức năng còn phải tổ chức “Chương trình Tuần hàng Việt Nam” tại các hệ thống phân phối nước ngoài, hỗ trợ DN trong nước mang hàng hóa trưng bày, giới thiệu tại các “Chương trình Tuần hàng Việt Nam”.

Ngoài ra, các thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại ở nước ngoài tăng cường hỗ trợ các DN tìm hiểu, kết nối và XK trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phân phối, xây dựng chính sách khuyến khích các tập đoàn phân phối nước ngoài hiện có mặt tại Việt Nam đưa hàng hóa của Việt Nam, nhất là hàng hóa có thương hiệu, XK vào hệ thống phân phối của các tập đoàn tại các nước

Nhiều năm nay, Saigon Co.op luôn ủng hộ và sẵn sàng giao lưu hợp tác với các cơ sở sản xuất ngành hàng nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên cả nước. Từ chương trình hợp tác thương mại giữa TP HCM với các tỉnh Nam Bộ, Saigon Co.op đã chủ động kết nối vùng nguyên liệu của các tỉnh, thành trên cả nước với thị trường tiêu thụ TP HCM. Ngoài ra, chọn lọc hợp tác với các DN có uy tín, chất lượng tốt, sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu riêng của Co.opmart, bảo đảm đầu ra cho nông sản và nguồn hàng cung ứng đến người tiêu dùng. Tính đến nay, Saigon Co.op đã có hơn 450 hợp đồng thương mại ký với các tỉnh/thành để tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường. Riêng trong nhóm hàng thực phẩm, mỗi tháng nhà bán lẻ này đã tiêu thụ 1.100 tấn rau quả, trái cây khu vực TP HCM; 1.750 tấn rau quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm... của khu vực Đông Nam Bộ; 2.400 tấn rau, trái cây, thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến... ở Tây Nam Bộ. Ở khu vực Lâm Đồng là 1.800 tấn/tháng và khu vực miền Bắc khoảng 500 tấn/mùa vụ.

 Thúy Hà

Tin khác

Kinh tế 4 giờ trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 22 giờ trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.
Kinh tế 22 giờ trước
(SHTT) - Hôm nay (ngày 25/4), giá xăng trong nước đã được Bộ Công Thương - Bộ Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, làm giảm giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.