SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 02/05/2024
  • Click để copy

Hack tài khoản Facebook để lừa tiền: Chiêu cũ nhưng vẫn 'dùng tốt'!

07:24, 20/09/2023
(SHTT) - Mặc dù cơ quan chức năng đã liên tục thông tin, tuyên truyền cho người dân về các hình thức, chiêu trò lừa đảo trên mạng Internet, tuy nhiên, vẫn luôn có không ít người bị các đối tượng lừa đảo thành công qua mặt và chiếm đoạt tài sản.

Công an Thành phố Hà Nội cho biết chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo, sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản có trong danh sách Facebook, Zalo để vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản. Đây là thủ đoạn không mới đã được các đơn vị chức năng cảnh báo rất nhiều, tuy nhiên, nhiều người sử dụng mạng xã hội vẫn mắc bẫy.

Cơ quan chức năng thông tin trong những ngày đầu tháng 9/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an thành phố Hà Nội liên tiếp nhận trình báo của nhiều công dân trên địa bàn thành phố bị chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn trên. Nếu như trước đây, nạn nhân thường bị chiếm đoạt 20-50 triệu đồng thì hiện nay, hầu hết nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền lớn hơn, từ 200-500 triệu đồng.

Theo đơn trình báo, chị H (trú tại Hà Nội) nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook của con gái với nội dung chuyển tiền để con đóng học ở nước ngoài. Tin tưởng đó là con mình, chị đã chuyển 03 lần với số tiền hơn 400 triệu đồng.

Cả 3 lần giao dịch chuyển tiền, chị H đều gọi cho con và chỉ nghe thấy máy “ù ù”. Sau đó, tài khoản Facebook của con gái nhắn tin lại cho chị H: “Mẹ ơi, máy điện thoại con vừa bị rơi, không nghe rõ đâu. Mẹ nhắn tin cho con!”. Sau khi liên lạc được với con, chị mới biết tài khoản Facebook của con đã bị hack nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao  - Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác khi “bỗng dưng” nhận được tin nhắn đề nghị vay, mượn, chuyển tiền qua mạng xã hội.

Khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, cần phải xác minh thông qua việc gọi điện thoại trực tiếp đến người vay bằng số điện thoại đã được lưu trong danh bạ, không kiểm tra qua các ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook… Khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

hack

 

Cảnh giác trước 24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến

Lừa đảo trực tuyến là vấn đề đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Các đối tượng xấu lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. 

Thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.

Các hình thức gồm: Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ"; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,…; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (Bảo hiểm xã hội, ngân hàng…).

Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo tuyển cộng tác viên online; đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay nợ tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.

Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng,…; rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook; lừa đảo cho số đánh đề.

Để không bị các đối tượng xấu lừa đảo, người dùng Internet nên liên tục cập nhật các thông tin cảnh báo từ cơ quan chức năng, đồng thời, phổ cập thông tin này tới người thân và bạn bè xung quang để hạn chế nguy cơ mất tiền oan.

Khánh An

Tin khác

Tin tức 11 giờ trước
Trong những năm gần đây lượng khác du lịch đổ về Thanh Hóa rất lớn, riêng 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay Thanh Hóa đã đón được khoảng 1,5 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt hàng ngàn tỉ đồng.
Tin tức 22 giờ trước
(SHTT) - Liên tục đưa ra thị trường các giải pháp chăm sóc da dựa trên khoa học và có nguồn gốc từ thiên nhiên, Kiehl's đã xây dựng danh tiếng cho mình như là nơi cung cấp mọi giải pháp đột phá trong chăm sóc da cho cả gia đình.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Tỉnh Quảng Ninh đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Làm việc xuyên đêm khiến nhiều sinh viên luôn trong tình trạng thiếu ngủ trầm trọng, ảnh hưởng đến kết quả học tập, sức khỏe sa sút,... Dẫu biết những hệ lụy nguy hiểm ẩn sau nguồn thu nhập của mình, nhiều bạn trẻ vẫn chấp nhận vì những lý do khác nhau.
Tin tức 2 ngày trước
Nhiều gian hàng với hàng trăm sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu huyện Thiệu Hoá năm 2024.