Du Xuân, vãn cảnh chùa Thiên Ân vùng cao Cực Bắc
Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nền văn hoá lâu đời thuộc niên đại đồ đồng Đông Sơn, có các di tích người tiền sử ở Bắc Mê, Mèo Vạc. Đây cũng là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống với 22 dân tộc, cùng nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống và những lễ hội rất sinh động.
Lợi thế trong phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang còn là cảnh quan môi trường độc đáo và nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ít nơi có được như: Suối Tiên, cổng Trời, thác nước Quảng Ngần, khu Nậm Má, khu chum vàng, chum bạc và di tích nhà họ Vương… Đặc biệt, năm 2010, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Năm 2012, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được công nhận là Di tích quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Đây là cơ hội lớn để phát triển các loại hình du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nói chung.
Vậy nhưng, không phải ai cũng biết Hà Giang cũng có lịch sử phật giáo hàng nghìn năm với những ngôi chùa cổ như Bình Lâm, Nậm Dầu, Sùng Khánh...
Theo đó, Chùa Thiên Ân thuộc địa phận xã Đồng Bục, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang là điểm đến tâm linh của những người con Hà Giang và du khách trong những ngày đi lễ xuân đầu năm
Chùa Thiên Ân được xây dựng trên núi cao với địa thế được thiên nhiên ban tặng sơn thủy hữu tình. Đứng trên chùa, du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh vùng nông thôn và dãy núi xung quanh. Nơi đây được ví như bức tranh thuỷ mặc được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho mảnh đất này.
Hơn nữa. đây cũng là địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao,..có lịch sử văn hóa truyền thống lâu đời. Bởi vậy, chùa là điểm đến tâm linh đặc sắc, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển văn hóa tâm linh đậm đà bản sắc dân tộc cũng như mang đậm nét riêng về văn hóa vùng cao (Hà Giang).
Chùa Thiên Ân Hà Giang được xây dựng vào năm 1923 với kiến trúc đặc biệt, kết hợp giữa kiến trúc Việt Nam Và Trung Quốc. Đến năm 2015, ngôi chùa được chính thức khởi công để triển khai dự án đầu tư xây dựng và tôn tạo những hạng mục công trình như: Tam Bảo, Tam Quan, nhà thờ Tổ,...với mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Mời bạn đọc cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chùa Thiên Ân qua lăng kính phóng viên Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo:
Bắc Hiệp/ Quang Bình