Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Những chủ trương trọng tâm trong cơ chế phân quyền cho Hà Nội
Nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng dựa trên 5 quan điểm gồm: thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012.
Theo đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 Chương, 59 Điều (tăng 3 Chương, 32 Điều so với Luật Thủ đô năm 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều, sửa đổi, bổ sung 18 Điều; quy định mới 38 Điều).
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại phiên họp thứ 26 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề cập nhiều nội dung mà Chính phủ đề xuất phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô, từ tổ chức bộ máy, thu hút nhân tài, đến tài chính, ngân sách, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Về đầu tư, Chính phủ đề xuất Quốc hội phân quyền thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND TP. Hà Nội.
Cụ thể, HĐND TP. Hà Nội được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị, dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng, các dự án liên tỉnh nằm trong Vùng Thủ đô.
UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 500 ha hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. Đồng thời, để tạo sự linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn tại Thủ đô, Dự thảo Luật cho phép Hà Nội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.
Điểm mới về tài chính là ngân sách Thành phố Hà Nội giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các dự án, công trình, dự án trọng điểm, có tính chiến lược của Thủ đô, vùng Thủ đô, các dự án PPP, dự án giao thông công cộng, hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời; tỷ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hằng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.
Ngoài ra, đối với việc mở rộng phạm vi áp dụng phương thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, cần phân quyền cho HĐND Thành phố quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao.
Cho phép Hà Nội thực hiện hợp đồng BT thanh toán bằng đất hoặc tiền đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội, cũng là đề xuất ở lần sửa đổi này.
Về sử dụng đất đai, đề xuất đáng chú ý là giao HĐND TP. Hà Nội ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với thực tiễn, chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha, đất trồng lúa dưới 500 ha sang mục đích khác.
Về chính quyền Thủ đô, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chính phủ đề xuất không tổ chức HĐND phường và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc Thành phố Hà Nội, tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng phó chủ tịch HĐND (từ 2 lên tối đa 3)…
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND thành phố thuộc Thành phố Hà Nội (dự kiến được thành lập theo định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc - thành phố logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây - thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai), với những đặc thù vượt trội so với cơ cấu, tổ chức của HĐND, UBND quận, huyện, thị xã, như tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND, UBND, đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.
Hương Mi
TIN LIÊN QUAN
-
Xử phạt Công ty TNHH MTV Kinh doanh thương mại Việt Mỹ do vi phạm an toàn thực phẩm
-
Tiếp tục sản xuất, phân phối hàng xâm phạm nhãn hiệu Tràng Phục Linh: Công ty Y dược Phong Phú có đang thách thức pháp luật?
-
Thanh tra Sở KH&CN Hà Nội: Công ty Cổ phần Y dược Phong Phú không phối hợp, có biểu hiện xúc phạm đoàn thanh tra
-
Hà Nội: Đội QLTT số 14 được giao nhiệm vụ thẩm tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với nhãn hiệu ‘Tràng Phục Linh’ của dược phẩm Thái Minh