SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm gần 6,5 nghìn tỷ đồng mỗi năm

07:33, 10/05/2020
(SHTT) - Theo ước tính của Văn phòng Chính phủ, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm 6.490 tỷ đồng mỗi năm

Trong báo cáo chuẩn bị cho hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp vào ngày 9/5, Văn phòng Chính phủ cho biết, các bộ, cơ quan và địa phương đã có nhiều tiến bộ trong triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua.

bt1

Dịch vụ công trực tuyến không chỉ giúp tiết kiệm số tiền lớn cho chi phí xã hội mà còn giảm bớt áp lực cho các đơn vị hành chính, đồng thời giảm bớt thời gian trong các quy trình  giải quyết thủ tục hành chính

Đến nay đã có 58/63 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh để tiếp nhận, xử lý yêu cầu cung cấp dịch vụ công của người dân, doanh nghiệp và nhận được những phản hồi tích cực về chất lượng phục vụ. Tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 95,8%.

Cùng với đó, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích ngày càng phát huy hiệu quả sau 3 năm triển khai. Thống kê của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) cho thấy, đã có 39,5 triệu hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích. Trong đó, riêng quý I/2020, số lượng hồ sơ được xử lý đạt 4 triệu, tăng 26% so với quý I năm ngoái.

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương cũng đã đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thông qua việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, tỉnh.

Cổng dịch vụ công quốc gia khai trương tháng 12/2019 tại địa chỉ dichvucong.gov.vn. Là đầu mối kết nối các Cổng dịch vụ công và các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, Cổng dịch vụ công quốc gia đã góp phần công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ  thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với từng đối tượng.

Từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp ở thời điểm khai trương, đến nay Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 389 dịch vụ công trực tuyến, gồm 160 dịch vụ cho công dân và 229 dịch vụ cho doanh nghiệp.

Cổng dịch vụ công quốc gia cũng đã cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến, trong đó cho phép người dân, doanh nghiệp kê khai, nộp thuế điện tử, đề nghị gia hạn thuế, nộp phí, lệ phí, các nghĩa vụ tài chính khi giải quyết thủ tục hành chính và các dịch vụ công khác.

 Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 7/5/2020, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có trên 35 triệu lượt truy cập; trên 134.000 tài khoản đăng ký; trên 7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 55.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng; đồng thời tiếp nhận, hỗ trợ trên 10.000 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Văn phòng Chính phủ cho biết, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Với vai trò là cơ quan đầu mối điều phối các nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử, thời gian vừa qua, Bộ TT&TT, trong đó trực tiếp là Cục Tin học hóa cũng đã tích cực đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp quyết liệt để cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT nhấn mạnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là kết quả đầu ra, đánh giá hiệu quả của triển khai Chính phủ điện tử. Dịch vụ công trực tuyến cần phải được cung cấp đến mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả, góp phần phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính toàn diện.

Theo thống kê, tính đến cuối tháng 4/2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đang được các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp là hơn 54.000 dịch vụ, trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức 4 là trên 16.000. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 25,3%.

Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của các nền tảng dùng chung đối với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, bền vững, đại diện Cục Tin học hóa cho hay, Bộ đã và đang phát triển một số hệ thống nền tảng kỹ thuật cho Chính phủ điện tử Việt Nam.

Các hệ thống nền tảng kỹ thuật đã và đang được Bộ TT&TT tập trung phát triển gồm có: Nền tảng tích hợp, chia sẻ quốc gia; Hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia; Hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến toàn quốc; Nền tảng để người dân, doanh nghiệp có thể thông qua duy nhất một ứng dụng trên thiết bị di động truy cập được mọi dịch vụ Chính phủ điện tử; Xây dựng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước thành hạ tầng số của Chính phủ điện tử…

Chính phủ điện tử: Góp phần đổi mới lề lối làm việc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử đã có một số kết quả đáng kể, giúp đổi mới lề lối làm việc trong nội bộ các cơ quan nhà nước.

Được khai trương từ tháng 3/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan trung ương và 63 địa phương. Đến nay, gần 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia, theo tính toán sơ bộ, tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Tổng số văn bản gửi, nhận trong tháng 3 năm 2020 gấp 5 lần cùng kỳ năm 2019; trung bình mỗi tháng có khoảng 100.000 đến 150.000 văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông.

Hệ thống thông tin học và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) khai trương tháng 6/2019 đã phục vụ 15 hội nghị, phiên họp của Chính phủ (thay thế cho việc in ấn 51.000 tài liệu giấy) và thực hiện xử lý 330 phiếu lấy ý kiến Thành viên Chính phủ, thay thế việc phát hành gần 53.000 phiếu giấy, hồ sơ tài liệu kèm theo.

Trong thời điểm phòng chống dịch COVID-19, số lượng văn bản điện tử tăng mạnh. Trong tháng 3/2020, số lượng văn bản điện tử được gửi, nhận đã tăng gấp 5 lần so với tháng đầu tiên khi vận hành Trục, đặc biệt trong những tháng cả nước quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, số lượng văn bản điện tử tăng mạnh, hàng tháng có khoảng 200.000 văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan.

Theo ước tính của VPCP, chỉ tính riêng việc gửi, nhận văn bản điện tử theo 2 cấp hành chính giữa các bộ, ngành, địa phương giúp cắt giảm trên 1.200 tỷ đồng một năm từ việc cắt giảm chi phí sao chụp văn bản và gửi văn bản qua dịch vụ bưu chính công ích.

Bên cạnh đó, gửi nhận văn bản điện tử còn góp phần thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử, giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; giúp lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc, từ đó có sự chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.

Vũ An

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã công bố thủ tục Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có các hướng dẫn chi tiết về trình tự và các thức thực hiện cho học sinh.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch bảo đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 với yêu cầu không được xảy ra mất nước kéo dài.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - UNESCO hiểu rõ tầm quan trọng của Hoàng Thành Thăng Long đối với Hà Nội, cam kết ủng hộ công trình này tại các diễn đàn do UNESCO tổ chức.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Để bảo đảm ANTT cho mùa du lịch biển Sầm Sơn 2024 nói chung, khai mạc Lễ hội du lịch và khánh thành Quảng trường biển - trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn nói riêng, từ đầu tháng 4/2024 Công an tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai đồng bộ các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT.
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".