SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 11/05/2024
  • Click để copy

Di tích khảo cổ núi Bân hé lộ kho tàng lịch sử quý giá về vương triều Tây Sơn

16:06, 01/08/2022
Di tích lịch sử núi Bân được xem là đàn Nam Giao của vương triều Tây Sơn, nơi Nguyễn Huệ làm lễ cáo trời đất, chính danh lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Quang Trung vào năm 1788. Vừa qua đoàn khai quật khảo cổ đã phát hiện được nhiều chứng tích lịch sử quan trọng.

Nhiều phát hiện khảo cổ quan trọng

Ngày 30/7, tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) tỉnh TT-Huế cho biết kết quả khai quật tại di tích núi Bân (TP Huế) - di tích được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1988, đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở VHTT tổ chức báo cáo sơ bộ.

Theo đó, quá trình khai quật, nhóm khảo cổ phát hiện ra các mảnh gạch vỡ và đá lẫn trong đất. Riêng khu vực phía tây phát hiện thêm những đoạn móng đá kè và vỉa gạch ở chân tầng 1 đàn tế. Đá được xác định là đá sa phiến dạng hòn, cục, có màu vàng nhạt, tím nhạt, xám xanh, xám trắng.

d856e38ffa60383e6171

  Phát hiện nhiều dấu tích về đàn Nam Giao thời Tây Sơn ở Huế.

Gạch được phát hiện là dạng gạch bìa hình chữ nhật màu đỏ tươi, xương mịn, độ nung cao với chiều rộng 13-14cm, dày 2,5-4cm, dài 14-16cm, niên đại tập trung thế kỷ 18. Điều này phản ánh rõ tính chất xây dựng gấp gáp của đàn Nam Giao thời Tây Sơn.

Cụ thể, khu vực phía Tây mở 5 hố (H1 đến H5) đào ở các vị trí mặt sườn và mặt nền tầng 1 đàn tế hiện nay, giáp với vị trí mà các nhà nghiên cứu trước đây gọi là tầng phụ của đàn Nam Giao. Tại các hố này đã xuất lộ vết tích nguyên gốc gồm: Bờ kè, mặt sườn (ta-luy), mặt nền tầng 1 và một phần vết tích chân mặt sườn tầng 2 của đàn Nam Giao thời Tây Sơn.

Trong đó, bờ kè xuất lộ ở độ sâu 0,1- 0,4m (trong các hố H1, H2, H3 và H5) phía dưới lớp đất bồi tự nhiên; trong đất lẫn nhiều mảnh vỡ của các loại gạch bìa mỏng, màu đỏ tươi, niên đại thế kỷ 18. Mặt sườn (ta-luy) rộng khoảng 9m, xuất lộ ở độ sâu 0,2- 0,4m trong các hố từ H1 đến H5, thoải dốc theo độ dốc của sườn núi và chạy bao quanh đàn tế. Mặt nền tầng 1 xuất lộ trong hố H4 ở độ sâu 0,4- 0,6m, mặt nền bằng phẳng, rộng 2,8m…

Phía Đông của đàn tế hiện tại, đoàn chuyên gia đã tiến hành khai quật mở hố H7 và H8, thẳng hàng theo chiều Đông- Tây, cắt ngang các tầng của đàn tế. Kết quả, trong hố H8, xuất lộ mặt nền nguyên gốc tầng 2 ở độ sâu 0,4m; mặt nền còn lại khá bằng phẳng, rộng 7,5m, nhưng một phần nền đã bị móng của một ngôi mô hiện đại xây chồng đè lên trên. Tại vị trí này cũng xuất lộ mặt nền và ta-luy tầng 3 của đàn tế ở độ sâu từ 0,1- 0,5m; đây là mặt nền nguyên gốc thời Tây Sơn, khá bằng phẳng, cao 1,6m so với mặt nền tầng 2 nguyên gốc…

2f1cb287b46876362f79

Đắp taluy bảo vệ dấu tích khỏi bị mưa cuốn.

Ngoài việc làm phát lộ rõ ràng chính xác mặt nền và cấu trúc nguyên gốc của 3 tầng đàn tế hình tháp cụt chồng lên nhau gần như có hình tròn, đoàn còn phát hiện một đoạn móng kè phía tây nam ở tầng dưới cùng, có khả năng là chân móng của một tầng đàn tế hình vuông.

Ông Nguyễn Ngọc Chất, trưởng đoàn khai quật khảo cổ chia sẻ mục tiêu của đợt khai quật khảo cổ lần này nhằm xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc của đàn Nam Giao thời Tây Sơn tại núi Bân.

Kết quả khai quật bước đầu đã đem đến những nhận thức mới, có giá trị trong việc xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc của đàn tế Nam Giao thời Tây Sơn. Qua đó góp phần khẳng định núi Bân chính là nơi được sử sách ghi chép cũng như các nhà nghiên cứu trước đây ở Huế xác nhận là nơi lập đàn tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.

Di tích lịch sử đặc biệt với nhiều tiềm năng

Theo các tư liệu lịch sử, năm 1788, nghe tin quân Thanh xâm lược nước ta, đánh chiếm Thăng Long, Nguyễn Huệ khẩn cấp hội bàn với các tướng sĩ và quyết định lên ngôi Hoàng đế để quy tụ lòng dân. Ngọn núi Bân lập tức được san lấp làm đàn tế cáo trời đất khi Nguyễn Huệ lên ngôi.

PGS.TS Đỗ Bang - người đầu tiên nghiên cứu và xác minh được di tích này 45 năm về trước cho rằng từ rất nhiều nghiên cứu cũng như đợt khảo cổ lần này cho thấy di tích này xứng đáng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. “Vì thế cần phải tiếp tục khảo cổ để làm rõ, bổ sung cho việc lập hồ sơ”. Ngoài ra, cần nghiên cứu đầu tư không gian trưng bày về triều đại Tây Sơn cũng như tour du lịch liên quan.

Được biết, ngoài di tích Bân Sơn (núi Bân), các di tích và di vật thời kỳ Tây Sơn trên đất Phú Xuân vẫn còn tồn tại trong thư tịch và trên thực tế. Nhiều di vật quan trọng cũng được phát hiện ở nhiều địa điểm khác nhau ở Thừa Thiên Huế, đáng chú ý nhất là hai quả chuông đồng ở làng La Chữ (huyện Hương Trà) và làng Hạ Lang (huyện Quảng Ðiền) đều có khắc bài minh và danh sách hàng chục nhân vật thuộc hàng quan chức Tây Sơn.

a2b4ba5cb7b375ed2ca2

 Khu Di tích lịch sử núi Bân hứa hẹn là một điểm đến hút khách ở TP Huế.

Bên cạnh đó còn có một bức trướng thêu kinh Kim cương có niên hiệu thời Tây Sơn được bảo quản tại chùa Trúc Lâm (Thành phố Huế); hai tấm bia đá ghi dòng chữ "Hỗ hướng Tây Sơn khởi"; hai bia đá có nội dung liên quan đến nhân vật Phạm Công Trị (người đóng giả vua Quang Trung sang giao hảo với vua nhà Thanh).

Ngoài ra Thừa Thiên Huế hiện đang lưu trữ hàng trăm trang tư liệu Hán Nôm (thủ bản) gồm sổ sách, giấy tờ hành chánh như địa bạ, đinh bạ, đơn trương, văn khế, khoán ước, chiếu biểu, truyền thị... được ban hành dưới thời Tây Sơn ghi niên hiệu Thái Ðức, Quang Trung, Cảnh Thịnh cung cấp thêm nhiều thông tin rất cần thiết và bổ ích về triều đại này. Đây chính là nguồn tài sản lịch sử quý giá để Thừa Thiên Huế khai thác trong lĩnh vực du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Hiện tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng núi Bân thành Khu tưởng niệm Anh hùng dân tộc Quang Trung trên khu đất rộng 9,5ha. Trong đó, điểm nhấn là tượng đài Quang Trung bằng đá thạch anh ghép từ 8 khối đá với 18 mảng, mỗi mảng nặng 10 đến 60 tấn.

UBND Thành phố Huế cũng đang tiến hành thực hiện dự án công viên Ngự Bình và sẽ di dời hệ thống lăng mộ ở khu vực này, để thực hiện hiệu quả và phát huy giá trị di tích thì nên chia theo các giai đoạn và ưu tiên ở xung quanh khu vực di tích núi Bân.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất: "Ngoài việc chỉnh trang để thu hút du khách, phát huy giá trị di tích, theo tôi có thể xây đền thờ các vị tướng sĩ Tây Sơn ở khu di tích này, kết nối với đàn Nam Giao thời Tây Sơn và công viên tượng đài Quang Trung đã được xây dựng năm 2008".

Phan Hòa

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Chuyên gia tại Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế Việt Nam) khẳng định, đến thời điểm hiện tại, người dân đã tiêm vaccine này, không cần thực hiện xét nghiệm D-dimer hay bất kỳ xét nghiệm đông máu nào.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) mới đây cho biết, Cục đã nhận được thông báo của phía AstraZeneca về việc đề nghị chấm dứt phê duyệt sử dụng vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca cho nhu cầu cấp bách tại Việt Nam.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 174/TB-VP kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh, Trưởng Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) tại phiên họp lần thứ nhất.
Tin tức 16 giờ trước
Army English sẽ là nhà tài trợ vàng Giải Cờ Vua Vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp TP Đà Nẵng mở rộng tranh cúp Sở hữu trí tuệ lần thứ IV năm 2024 tổ chức tại công viên APEC (phường Bình Hiên, quận Hải Châu) vào ngày 18 và 19/5 sắp tới.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, các đoàn kiểm tra liên ngành của quận Đống Đa đã tiến hành kiểm tra 379 cơ sở và phát hiện 44 cơ sở vi phạm. Các cơ sở sau đó đã bị xử lý theo quy định và xử phạt hành chính số tiền 100 triệu đồng.