SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Đặc sắc Tết của người Hà Nhì ở Tây Bắc

08:07, 06/02/2024
(SHTT) - Người Hà Nhì không tổ chức cố định ngày theo lịch để ăn Tết, mà Tết đến sớm hay muộn là do các già làng, trưởng bản bàn bạc, thống nhất để áp dụng cho từng năm, dựa trên yếu tố thời tiết, khí hậu, mùa màng và khả năng kinh tế chung của người dân.

Ở Điện Biên, đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống tập trung chủ yếu tại 4 xã vùng giáp biên với các nước Lào, Trung Quốc, gồm các xã Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé). 

Vào cuối năm, khi hoa dã quỳ khắp nẻo sơn cước lụi tàn, cùng lúc mùa màng đã thu hoạch xong, khép lại một năm lao động sản xuất. Thì vào ngày Thìn - ngày cuối cùng của tháng cuối năm (theo cách tính lịch riêng) người dân tộc Hà Nhì ở cực Tây tổ quốc lại tổ chức Tết cổ truyền “Khù Sự Chà”. Đây là dịp để những người con đi xa trở về nhà sum họp bên gia đình, báo hiếu tổ tiên, vui chơi, thăm hỏi người thân, bạn bè…

Tết cổ truyền “Khù Sự Chà” chủ yếu diễn ra vào trung tuần tháng 12 dương lịch. Năm nay, do Tết Nguyên đán đến sớm, nên Tết cổ truyền của người Hà Nhì cũng được tổ chức sớm hơn và họ bắt đầu tổ chức Tết từ ngày 5/12 dương lịch. Ông Lò Phạ Dèn, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé, Điện Biên) chia sẻ, trước đây người Hà Nhì thường ăn Tết cổ truyền trong 5 ngày, nhưng hiện nay chỉ diễn ra trong 3 ngày và được bắt đầu từ ngày Thìn. Cũng như các dân tộc anh em khác, ngày Tết cổ truyền của người Hà Nhì cũng phải đủ đầy, đầm ấm và vui vẻ; vì thế người Hà Nhì thường chuẩn bị Tết rất chu đáo từ trang phục truyền thống đến các món ăn.

ha nhi

Người Hà Nhì làm bánh dầy thắp hương ngày Tết 

Ngày Tết đầu tiên, khi sương đêm còn bảng lảng, cái rét “ngọt” của miền rừng núi phía Bắc phủ khắp các bản làng, thì người dân Hà Nhì đã thức giấc dọn dẹp nhà cửa, sân vườn… Rồi những bếp lửa bập bùng được nhóm lên, người người, nhà nhà hối hả chuẩn bị Tết. Từ sáng sớm, các gia đình người Hà Nhì đã hối hả làm bánh trôi, bánh dầy và đặt lên bàn thờ gia tiên, thực hiện nghi thức cúng bái để thông báo, mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. “Người Hà Nhì quan niệm, bánh trôi, bánh dầy là món ăn đầu tiên để tổ tiên “khai vị” khi “về ăn Tết” cùng con cháu. Do vậy, 2 loại bánh này là món ăn không thể thiếu trong lễ cúng đầu tiên ở mỗi gia đình, dù nhiều dù ít”, ông Lò Phạ Dèn chia sẻ.

Bánh trôi được làm từ bột gạo nếp nương dẻo, thơm. Bột nếp được chuẩn bị cẩn thận, được nhào nước, nặn thành từng viên nhỏ, thả vào nồi nước nóng đun đến khi bánh nổi lên là chín. Chủ nhà sẽ nặn ba chiếc bánh thật to, tròn đều, đem nấu chín, vớt ra một tấm lá chuối tươi, rắc thêm một chút bột vừng rang chín, đặt lên mâm rồi đưa vào gian thờ cúng gia tiên để chủ nhà làm lễ cúng. Với bánh dầy, nguyên liệu được dùng là cơm nếp trộn với vừng rang và được giã nhuyễn thủ công bằng cối đá. Mẻ bánh đầu tiên được giã xong, chủ nhà sẽ nặn một chiếc bánh tròn đem cúng mời tổ tiên để trình báo về việc năm hết tết đến và mời tổ tiên về ăn Tết và chung vui cùng con cháu.

ha nhi1

Bánh trôi của người Hà Nhì được làm từ bột gạo nếp nương dẻo, thơm 

Trong tâm thức của người Hà Nhì, bánh trôi, bánh dầy đem dâng cúng tổ tiên phải được làm to hơn bánh thường, đó là thể hiện sự tri ân, thành kính và tấm lòng hiếu thuận của con cháu với đấng sinh thành, bề trên và với ông bà, tiên tổ. Ngoài ra, bánh trôi, bánh dầy không chỉ để thờ cúng, mà bánh còn được chia đều cho con cháu hưởng lộc, hay làm quà biếu khách trong những ngày Tết.

Nhà nhà sau nghi thức cúng lễ tổ tiên, thưởng thức món bánh trôi, bánh dầy đầu năm mới, họ bắt đầu bước vào nghi thức độc đáo là “thi” mổ lợn. Lý giải phong tục độc đáo này, anh Su Pó Lòng, người dân ở bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu, Điện Biên) chia sẻ, sở dĩ gọi là “thi” bởi người Hà Nhì quan niệm, nhà nào mổ lợn xong sớm, “một lần ăn ngay” thì năm mới sẽ phát tài, phát lộc, cuộc sống ấm no, con cháu sum vầy. Tuy nhiên, để làm được điều đó, quy trình mổ, vị trí đặt dao mổ, cắt các bộ phận của lợn… phải tuân thủ theo một trình tự bắt buộc và nếu nhà nào mổ được con lợn to, thì chứng tỏ năm qua gia chủ làm ăn tốt, lúa gạo đầy nhà.

Ngoài chức năng lấy thịt làm mâm cỗ thực hiện nghi thức cúng mời tổ tiên, người Hà Nhì mổ lợn còn để tạo nguồn thực phẩm dự trữ cho gia đình chế biến để dùng và tiếp đón, đãi khách trong những ngày Tết. Nét độc đáo của người Hà Nhì trong dịp tết là họ chỉ mổ lợn trong ngày đầu tiên hoặc ngày thứ ba và không bao giờ mổ lợn vào ngày thứ hai. Theo quan niệm, ngày đầu tiên ăn tết là ngày Thìn (con Rồng), còn ngày thứ hai là ngày Tỵ (con Rắn) - xung khắc với Hợi (Lợn), nếu mổ lợn vào ngày xung khắc thì sau này không gặp may trong chăn nuôi.

ha nhi2

Những bộ trang phục truyền thống nhiều sắc màu trong ngày Tết 

 Đặc biệt, khi mổ lợn, gan và mật là thứ quan trọng được lấy ra đầu tiên, sau đó chủ nhà sẽ đặt lên một chiếc đĩa rộng trên bàn để “xem bói”. Nếu lá gan lành lặn, màu sắc tươi tắn, mật lợn căng đầy thì năm đó cuộc sống gia chủ sẽ sung túc, chăn nuôi phát triển, mùa màng bội thu, con cháu mạnh khỏe, hòa thuận… Lợn mổ xong sẽ cắt mỗi thứ một ít, đem luộc chín rồi xắp lên mâm cùng với bát cơm, củ gừng, bánh dầy để chủ nhà cúng khấn mời tổ tiên, chủ nhà cúng xong sẽ gọi cả gia đình vào quỳ trước bàn thờ cùng khấu đầu lạy tạ (người Hà Nhì không thắp hương trên ban thờ trong ngày Tết cổ truyền).

ha nhi3

 Nhiều trò chơi dân gian được người Hà Nhì tổ chức vào dịp Tết

Ngày Tết thứ ba cũng là ngày cuối cùng của Tết “Khù Sự Chà”, trong khi những người già nâng chén chúc nhau sức khỏe, các bà, các chị say sưa với những câu hát dân ca, các em nhỏ mê mải với các trò chơi dân gian, thì các nam thanh, nữ tú khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống nhiều sắc màu lại đắm mình trong các điệu xòe truyền thống dân tộc.

Theo chia sẻ của ông Lò Phạ Dèn, nam thanh, nữ tú thường rủ nhau xòe vào ban đêm, khi tiếng trống gọi xòe vang lên, khắp các bản làng, những đôi nam nữ kéo nhau về cùng xòe và trao nhau những lời hẹn ước. Chỉ đến khi đêm đã về khuya, các hoạt động mới thưa dần, mọi người chở về nhà nghỉ ngơi sau những ngày đón Tết và họ không quên hẹn hò nhau đến Tết sau lại cùng vui hát múa.

 Quang Huyên – Bắc Hiệp

Tin khác

Giải trí 15 giờ trước
(SHTT) - Nghi Sơn biển ngọc - Khát vọng vươn xa", đó là chủ đề mà di lịch biển Nghi Sơn (Thanh Hóa). Chính thức được khai mạc vào tối ngày 26/4.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Ngày 26/4, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Quảng Ninh đang chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày và cao điểm du lịch hè 2024. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị chu đáo, xây dựng nhiều sản phẩm đa dạng, cùng các chương trình kích cầu nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách.